“Kỷ lục gia… của nông dân”
Nghiên cứu bằng niềm đam mê
“Mình “lao” vào nghiên cứu khoa học, trước hết là vì niềm đam mê” - TS. Phạm S mở đầu cuộc trò chuyện. Ông cho rằng, nhờ được đào tạo và trưởng thành từ lĩnh vực nông nghiệp, mà Lâm Đồng cũng là thế mạnh nông nghiệp; điều ông mong mỏi nhất là nền nông nghiệp nước ta vươn lên, thoát khỏi kiểu sản xuất truyền thống, phải là nông nghiệp kiểu mới, ứng dụng khoa học công nghệ… “Đó là động lực mạnh mẽ thôi thúc tôi bước vào nghiên cứu khoa học ứng dụng nông nghiệp” - TS. Phạm S thổ lộ.
Khoảng năm 2004, khi đó ông là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng. Chớm tuổi 40, Phạm S đã có 21 công trình, bài viết nghiên cứu khoa học, tác giả của sáu đầu sách về nông nghiệp. Một buổi chiều mùa khô nam Tây Nguyên, trong một chuyến thực địa, ông phát hiện loài cây thân thảo, dáng hình khá lạ. Khi mang về chăm sóc, những cánh hoa màu trắng, nhụy vàng bắt đầu bung nở. Bằng sự đam mê tự nhiên, Phạm S bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu và xác định, đây là loại cây chưa từng được phát hiện trên thế giới. Ông đặt tên cho loài hoa này là “Thân thiện” và đăng ký bản quyền.
“Mặc dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhưng phần lớn giống hoa, cây ăn trái… tại Lâm Đồng có xuất xứ ngoài nước. Bởi thế, chưa tạo được sự khác biệt về thương hiệu và giá trị thương mại” - TS. Phạm S tâm sự.
Từ trăn trở đó, niềm đam mê nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp của ông tiếp tục được “thắp lửa”. Và lần lượt những nghiên cứu khoa học ứng dụng của ông tiếp nối ra đời, đến với nông dân. Từ đề tài nhân giống vô tính cây bơ đang giúp nhà nông thoát nghèo, đến giống cây Thiên hoàng long quý hiếm, giúp cho ngành cây ăn quả Việt Nam không bị cạnh tranh với Trung Quốc, Thái Lan và rất phù hợp vùng sinh thái trong nước; bộ gen quý hiếm cây đỗ quyên; giải pháp trồng cây che bóng vườn cà phê thích ứng biến đổi khí hậu; giống cây lâm nghiệp thiên ngân, mahonis phục vụ trồng rừng các tỉnh Tây Nguyên và giống chè dược liệu Thiên kim trà, giúp phòng chống ung thư rất quý hiếm trên toàn thế giới…
Cho đến nay, TS. Phạm S là tác giả một sáng kiến cải tiến kỹ thuật, một giải pháp hữu ích, hai giống chè cao sản, một giống hoa; bảy Bằng lao động sáng tạo; chủ 32 văn bằng Sở hữu trí tuệ; sở hữu trên 30 quỹ gen cây quý hiếm ở Việt Nam; tác giả sáu cuốn sách, một giáo trình đại học; công bố trên 70 công trình khoa học; giải Nhì khoa học công nghệ sáng tạo Việt Nam năm 2007… và chủ nhiệm nhiều đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp nhà nước.
Nhà khoa học - nhà quản lý
TS Phạm S nhận danh hiệu Kỷ lục gia.
Tư duy khoa học đã giúp cho TS. Phạm S tác phong làm việc nghiêm túc, sát thực tiễn. Mặc dù bù đầu với công tác quản lý, nhưng ông vẫn dành thời gian hợp lý để “nuôi” niềm đam mê nghiên cứu khoa học, và luôn coi đây là “trợ thủ” đắc lực phục vụ công tác quản lý. Chính sự quyện hòa giữa “Nhà khoa học - Nhà quản lý”, đã giúp TS. Phạm S có những quyết định hợp lý, thành công ngay chính trên đồng ruộng nông dân. “Khi mình có tri thức khoa học, sẽ giúp định hướng tốt trong chỉ đạo” - Ông nói.
“Sống ở tỉnh nông nghiệp mà cứ “làm hành chính” thì thời gian trôi qua, mình không để lại “sản phẩm” gì cho nông dân. Từ đó, thôi thúc tôi nghiên cứu liên tục cả thời gian dài. Và mục tiêu nghiên cứu là phục vụ sản xuất, chứ không phải là để công bố” - TS. Phạm S thổ lộ.
Ông nói rằng, bản chất công việc của nhà nông là vất vả, mà sản xuất nông nghiệp trong thời hội nhập càng khó gấp bội. Đặc biệt, sản xuất không áp dụng khoa học công nghệ, không nắm bắt thị trường thì nông dân luôn bị thua thiệt. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, TS. Phạm S luôn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm khai thác lợi thế tiềm năng của Lâm Đồng.
Với một tỉnh lấy nông nghiệp công nghệ cao làm mũi nhọn đột phá như Lâm Đồng, thì chính những nhà quản lý, nhưng đồng thời là nhà khoa học như TS. Phạm S, khi đi thực tế có thể chỉ đạo sản xuất ngay tại đồng ruộng. Nhà nông, nhà doanh nghiệp không phải loay hoay đi tìm tài liệu. Trên cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách khối sản xuất, ông luôn lấy phương châm, khoa học công nghệ làm khâu đột phá trong mọi hoạt động chỉ đạo sản xuất nói chung, nông nghiệp nói riêng.
Như chương trình tái canh cây cà phê, Lâm Đồng có cách làm khác. “Không phải chờ ba năm, vì làm như thế thì nông dân lấy gì thu hoạch. Bằng biện pháp ứng dụng phân bón hữu cơ, tăng phân bón vi lượng và nhổ lên tới đâu trồng tới đó đã mang lại hiệu quả. Tôi nghĩ, đó không phải là sáng tạo, mà là quá trình tích lũy kiến thức” - TS. Phạm S nói.
Chính sự phân tích thấu đáo tình hình thực tiễn, tính dự báo… TS. Phạm S đã tham mưu, chỉ đạo kịp thời, góp phần đưa Chương trình nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Ðồng luôn đứng đầu cả nước. Hiện, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp Lâm Đồng, giá trị sản xuất năm 2013 đạt hơn 122 triệu đồng trên mỗi héc-ta đất canh tác. TS. Phạm S cho rằng, đó là nhờ nghiên cứu khoa học được ứng dụng.
Vốn liếng hơn 20 năm tiếp cận với hoạt động nghiên cứu khoa học đã giúp TS. Phạm S rất lớn trong công tác quản lý nhà nước, ông thường có những dự báo khoa học mang tính đột phá trong thực tiễn.
Mong muốn chia sẻ sáng tạo
TS. Phạm S chia sẻ: “Theo tôi, muốn thành công thì bản thân nhà khoa học phải bám sát thực tế, phải lăn lộn với nông dân để biết thiếu cái gì, cần cái gì. Phải có cái tâm tự nghiên cứu để phục vụ cho xã hội”. Với nhận thức đó, nên trong mỗi chuyến đi công tác ở nước ngoài, ông đều mang về một công nghệ, một nguồn gen… quý hiếm cho quê hương, đất nước.
Và những giống cây lạ, ý tưởng sáng tạo… đã được Kỷ lục gia, TS. Phạm S “đặt tên”, thông qua chuỗi nghiên cứu: Nắm bắt dự báo xu hướng thế giới, nhu cầu con người; sau dự báo, xem lại thực trạng, bức xúc trong thực tiễn và nghiên cứu; khuyến khích mọi người ứng dụng; phổ biến.
Gặp TS. Phạm S tại lễ trao bằng Kỷ lục gia, ông bảo: “Muốn nói “tránh” cũng không được. Bây giờ trở thành Kỷ lục gia rồi, nên những kinh nghiệm của mình không còn bó hẹp, mà được phổ biến, giúp người dân ứng dụng vào sản xuất. Đó cũng là tâm niệm của mình…”.