Đắk Lắk: Góp ý Dự thảo Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề
Ngày 22/11, Liên hiệp hội Đắk Lắk đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn, góp ý Dự thảo Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Buôn Hồ giai đoạn 2025-2030.
Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Vương Hữu Nhi làm Chủ tịch Hội đồng
Thị xã Buôn Hồ có 12 đơn vị hành chính, gồm 07 phường, 05 xã, với 123 thôn, buôn, tổ dân phố; dân số hơn 100.000 người, gồm 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ gần 30%. Mỗi dân tộc có nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục, tập quán khác nhau, tạo nên tính đa dạng, phong phú về văn hoá, sự đa dạng về ngành nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, đến nay, nhiều làng nghề đang gặp không ít khó khăn trong việc bảo tồn, phát triển. Các nghề truyền thống của các DTTS thị xã Buôn Hồ đang đứng trước những biến đổi sâu sắc, nguy cơ bị mai một, đặt ra những thách thức lớn trong bảo tồn và phát triển.
Tại hội thảo, các ý kiến góp ý, tranh luận của các thành viên Hội đồng đã làm rõ một số nội dung, như: Đề án đã nêu được một số nét khái quát về thực trạng làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Buôn Hồ hiện nay và đề xuất được các giải pháp khá toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, Đề án cũng cần làm rõ hơn lý do lựa chọn tập trung chủ yếu vào 3 nghề truyền thống là: Dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần và trồng hoa Đào; làm rõ nhóm dân tộc dự kiến được hưởng lợi (khu vực hiện có 25 dân tộc); làm rõ mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống với phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái; cần bố trí một khảo sát, đánh giá đầy đủ, toàn diện, nghiêm túc, khoa học về làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn thị xã Buôn Hồ với góc nhìn toàn diện với những dữ liệu và thông tin đầy đủ về hiện trạng làng nghề, nghề truyền thống, nguồn lực, hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề, nghề truyền thống; cần chỉ rõ hạn chế cụ thể của từng nghề, làng nghề để có cơ sở đề xuất các mục tiêu và giải pháp cụ thể; bổ sung thêm một số căn cứ xây dựng Đề án là văn bản pháp quy đang có hiệu lực; Đề án cần thể hiện rõ quan điểm phát triển tổng hợp và bền vững, đồng thời tôn trọng các quy luật khách quan trong phát triển của nghề, làng nghề; Đề án cũng cần kế thừa các kết quả nghiên cứu có liên quan trên địa bàn tỉnh; cần tìm ra thực chất và nguyên nhân những hạn chế của làng nghề và nghề truyền thống…