Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 06/06/2025 10:04 (GMT+7)

VinFuture InnovaConnect là “nền tảng chiến lược kết nối các nhà khoa học toàn cầu với Việt Nam”

Hơn 350 chuyên gia trong và ngoài nước đã hội tụ tại hội thảo InnovaConnect với chủ đề “Các giải pháp và vật liệu mới cho phát triển bền vững” do Quỹ VinFuture phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng tổ chức ngày 30/5.

Công nghệ vật liệu mới – Động lực cho tương lai xanh

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng, các công nghệ vật liệu tiên tiến đang mở ra hướng đi đột phá cho phát triển bền vững. Tại hội thảo InnovaConnect, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam đã giới thiệu loạt giải pháp đầy triển vọng, từ sản xuất hydrogen, amoniac đến xử lý nước thải và thu giữ CO₂.

VinFuture InnovaConnect là “nền tảng chiến lược kết nối các nhà khoa học toàn cầu với Việt Nam” - Ảnh 1
Quỹ VinFuture phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo InnovaConnect, mở rộng chương trình cầu nối khoa học ra toàn quốc.Ảnh: BTC.

GS. Yeon-Tae Yu (Đại học Quốc gia Jeonbuk, Hàn Quốc) đã giới thiệu những bước tiến trong nghiên cứu cấu trúc nano lõi – vỏ Metal@MOS, một chất xúc tác tiềm năng ứng dụng trong quá trình tách nước bằng năng lượng mặt trời. Ông chia sẻ: “Cấu trúc nano lõi – vỏ kim loại MOS giải quyết căn bản hai thách thức then chốt trong quang xúc tác: nâng cao hiệu suất phản ứng nhờ chất xúc tác kim loại quý, đồng thời đảm bảo tính ổn định lâu dài bằng cách bảo vệ các chất xúc tác khỏi bị suy thoái.”

Theo GS.Yu, với cấu trúc kết hợp kim loại quý và lớp vỏ oxit bán dẫn tận dụng tối đa hiệu ứng quang xúc tác, vật liệu này không chỉ nâng cao hiệu suất chuyển đổi năng lượng mà còn kéo dài tuổi thọ xúc tác – hứa hẹn ứng dụng rộng rãi trong các hệ thống sản xuất hydro quy mô từ nhỏ đến lớn.

VinFuture InnovaConnect là “nền tảng chiến lược kết nối các nhà khoa học toàn cầu với Việt Nam” - Ảnh 2

GS. Yeon-Tae Yu (Đại học Jeonbuk, Hàn Quốc) đã chia sẻ những bước tiến mới nhất trong nghiên cứu cấu trúc nano lõi – vỏ kim loại MOS. Ảnh:BTC.

Liên quan đến phát triển giải pháp năng lượng sạch, TS. Dư Hoàng Long (Đại học Monash, Úc) – nhà khoa học Việt với nghiên cứu đột phá đạt hiệu suất gần 100% trong sản xuất amoniac – giới thiệu công nghệ điện hóa tổng hợp amoniac từ nitơ trong không khí và proton từ nước, sử dụng năng lượng tái tạo. Phương pháp này thay thế hoàn toàn quy trình Haber-Bosch truyền thống, giúp giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng. “Chúng tôi thu nitơ trực tiếp từ không khí và kết hợp với proton từ các nguồn sạch như nước để tổnghợp amoniac, qua đó loại bỏ hoàn toàn nhu cầu đốt nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất hydro”, ông nhấn mạnh.

Cũng theo TS.Long, amoniac không chỉ là nguyên liệu sản xuất phân bón mà còn là giải pháp lưu trữ năng lượng hiệu quả, dễ vận chuyển hơn hydrogen.

VinFuture InnovaConnect là “nền tảng chiến lược kết nối các nhà khoa học toàn cầu với Việt Nam” - Ảnh 3

TS. Dư Hoàng Long đem những nghiên cứu đột phá trong sản xuất amoniac, phát triển giải pháp năng lượng sạch tới hội thảo InnovaConnect. Ảnh:BTC.

Chia sẻ những tiến bộ từ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học vật liệu bền vững, PGS.TS. Võ Thắng Nguyên (Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng) đã giới thiệu nghiên cứu chuyên sâu về khung kim loại-hữu cơ (MOF) – một nhóm vật liệu mới đầy triển vọng trong các ứng dụng môi trường. Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyên cho thấy MOF có thể ứng dụng trong phân hủy chất ô nhiễm, sản xuất hydrogen và thu giữ CO₂. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đang phát triển MOF từ phế thải sinh học, hướng tới giải pháp xanh – sạch – tiết kiệm. Tuy nhiên, để thương mại hóa, MOF vẫn cần vượt qua các thách thức về độ bền, khả năng tích hợp và tái sử dụng.

Những công nghệ vật liệu mới này không chỉ là thành quả nghiên cứu mà còn là nền tảng cho một tương lai năng lượng sạch, bền vững và thân thiện với môi trường.

Kết nối tri thức, thúc đẩy khoa học Việt Nam vươn tầm thế giới

Theo PGS. TS. Nguyên, để hiện thực hóa việc chuyển giao các thành tựu từ phòng thí nghiệm ra ngoài thực tiễn, điều cốt lõi là cơ chế kết nối đa ngành, đặc biệt là giữa doanh nghiệp và trường đại học. Trên cơ sở đó, bà đánh giá cao nỗ lực của Quỹ VinFuture trong việc tạo ra những cầu nối thiết thực thông qua các sáng kiến như hội thảo InnovaConnect – nơi thúc đẩy hợp tác liên vùng và lan tỏa tri thức trên phạm vi toàn quốc.

“Đây là cơ hội quý báu cho các nhóm nghiên cứu tại miền Trung – khu vực vốn ít được tiếp cận các chương trình hỗ trợ lớn,” bà chia sẻ.

VinFuture InnovaConnect là “nền tảng chiến lược kết nối các nhà khoa học toàn cầu với Việt Nam” - Ảnh 4
PGS.TS. Võ Thắng Nguyên chia sẻ nghiên cứu về nhóm vật liệu MOF đầy triển vọng, đồng thời đánh giá cao những sáng kiến như hội thảo InnovaConnect trong việc thúc đẩy hợp tác liên vùng và lan tỏa trí thức. Ảnh:BTC.

Chương trình InnovaConnect của Quỹ VinFuture còn được các chuyên gia quốc tế đánh giá là  nền tảng chiến lược kết nối các nhà khoa học toàn cầu với Việt Nam. GS. Yeon-Tae Yu (Hàn Quốc) nhận định: “Những hợp tác như vậy có giá trị rất lớn, giúp các nhà nghiên cứu bổ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực năng lượng sạch, từ đó đưa đến những cách tiếp cận toàn diện và hiệu quả hơn để giải quyết các thách thức về năng lượng và môi trường.

TS. Dư Hoàng Long cũng khẳng định sự hợp tác quốc tế và liên ngành là yếu tố then chốt để đẩy nhanh tiến trình phát triển và ứng dụng các giải pháp năng lượng sạch, đồng thời tạo điều kiện chuyển giao công nghệ tiên tiến về Việt Nam và tận dụng nguồn năng lượng tái tạo phong phú ở đây. Ông nhấn mạnh: “Hợp tác chính là chìa khóa để giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu. Khi tập hợp được các nhà nghiên cứu và khoa học từ nhiều quốc gia, chúng ta có thể xác định rõ bản chất của các thách thức và cùng nhau tìm giải pháp.”

Được triển khai thí điểm từ năm 2024, InnovaConnect đã kết nối các chuyên gia hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực bán dẫn, khoa học môi trường và y tế công cộng với các trường đại học trọng điểm ở khu vực Hà Nội, như: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên  – Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Y tế Công cộng.

Trong năm 2025, InnovaConnect đã công bố mở rộng triển khai trên phạm vi toàn quốc. Các đơn vị quan tâm có thể truy cập vào website Quỹ VinFuture tại địa chỉ https://vinfutureprize.org/vi/tin-tuc/2025-innovaconnect/ để tải các biểu mẫu và hồ sơ đăng ký. Thời hạn tiếp nhận đăng ký sẽ diễn ra 4 đợt trong năm, vào các ngày 02/01, 02/4, 02/7, và 02/10. Các tổ chức đối tác có 60 ngày để hoàn thành hồ sơ và gửi đăng ký (dạng bản mềm) về địa chỉ email: secretariat@vinfutureprize.org./.

Xem Thêm

Hà Tĩnh: Trao thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng
Sáng 24/6, Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ tổng kết, trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 13, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng lần thứ 16 năm 2025. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ tham dự buổi lễ.
Hà Tĩnh: 30 công trình sáng tạo được vinh danh
Sáng 24/6, Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ tổng kết trao giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật lần thứ 13 và Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ 16 năm 2025, 30 công trình, giải pháp sáng tạo xuất sắc đã được vinh danh.
Kon Tum: Phát huy sức sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng
Thời gian qua, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên-Nhi đồng tỉnh Kon Tum (Cuộc thi) đã khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng trong toàn tỉnh, giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.
An Giang: 25 giải pháp của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật được vinh danh
Ngày 14&15/6, tại TP. Long Xuyên, Hội đồng Giám khảo Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XIV (năm 2024–2025) đã tổ chức chấm chọn vòng chung khảo với sự tham gia của các chuyên gia đến từ các sở, ban, ngành cấp tỉnh, doanh nghiệp, giảng viên Trường Đại học An Giang, Trường Cao đẳng Nghề An Giang cùng các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Đồng Tháp: Lan tỏa tinh thần sáng tạo trong Thanh Thiếu niên, Nhi đồng
Sáng ngày 16/6, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh Thiếu niên, Nhi đồng tỉnh đã tổ chức Lễ Tổng kết và Trao giải Cuộc thi lần thứ 18, năm 2025. Tham dự có Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi; đại diện lãnh đạo các sở ngành Tỉnh, UBND các huyện, thành phố; quý thầy cô giáo và các học học sinh.
Hà Giang: Tập huấn ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI)
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Học viện AI tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp…

Tin mới

Hành trình phát triển văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục bền vững của Viện CLEF
Ngày 9/7, Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (Viện CLEF) đã tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Đây là dịp để nhìn lại hành trình hình thành và phát triển của Viện, là lời tri ân sâu sắc gửi tới các đối tác, chuyên gia và cộng đồng học thuật đã luôn đồng hành, hỗ trợ và tiếp sức cho những bước tiến của Viện trong suốt thời gian qua.
Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.