Thảo luận, đề xuất các giải pháp phát triển hạ tầng xanh hướng tới xây dựng đô thị bền vững
Ngày 6/6, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Tổng Hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo Phát triển hạ tầng xanh hướng tới xây dựng đô thị bền vững. Các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo đã làm rõ vai trò và nhu cầu cấp thiết của phát triển hạ tầng xanh, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp về chính sách và công nghệ.

Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, định hướng phát triển đô thị xanh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm sự hài hòa, đồng thời cũng là chủ trương, chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Phát triển đô thị bền vững trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng là nhu cầu cấp bách hiện nay, cần có sự chung tay của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Sự quá tải và ô nhiễm ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay đặt ra nhu cầu tất yếu của việc hình thành và phát triển đô thị xanh, bền vững.

PGS.TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị theo hướng bền vững, việc tìm hiểu và ứng dụng các nghiên cứu về hệ thống hạ tầng xanh cần được quan tâm một cách đúng mức. Hệ thống hạ tầng xanh đóng góp phần không nhỏ vào việc phát triển đô thị bền vững nói chung và cho các đô thị của Việt Nam nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và chỉ số phát triển địa phương, vùng quốc gia. Phó Chủ tịch Phạm Quang Thao mong rằng các đại biểu tại hội thảo sẽ làm rõ nét hơn, đầy đủ hơn nội hàm của khái niệm hạ tầng xanh, từ đó sẽ có những thảo luận, đề xuất giải pháp góp phần hoạch định chính sách phát triển hạ tầng xanh hướng tới xây dựng đô thị bền vững tại Việt Nam.
Theo PGS. TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh. Tính đến tháng 12/2024 tỷ lệ đô thị hoá ở Việt Nam là 44,3% với 900 đô thị: Loại đặc biệt: 2; Loại I: 23; Loại II: 37; Loại III: 46; Loại IV: 96; Loại V: 696. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra với chất lượng chưa đồng đều, thiếu định hướng xanh và bền vững.

PGS. TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Theo thống kê, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày trong đó phần lớn là đến từ đô thị (60%). Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là 2 đô thị có lượng rác thải lớn nhất: Hà Nội mỗi ngày phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, TP.HCM phát sinh trung bình 13.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó gần 80% được xử lý bằng hình thức chôn lấp, chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh. Diện tích cây xanh bình quân đầu người còn thấp: Tại thành phố Hà Nội, diện tích cây xanh bình quân đạt khoảng 2 m²/người. TP.HCM ước tính chỉ đạt 0,55 m²/người, thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến nghị của WHO là ≥9 m²/người.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức đô thị hóa nhanh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và suy giảm không gian công cộng, yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển hạ tầng theo hướng xanh là tất yếu. Dựa trên cơ sở lý luận, bài học quốc tế và hiện trạng trong nước, nhóm giải pháp xanh hóa hạ tầng cần được tiếp cận một cách hệ thống, đa ngành và có tính liên kết chiến lược.
PGS. TS. Lưu Đức Hải cho rằng, cần xây dựng chiến lược quốc gia riêng biệt, đồng bộ về phát triển hạ tầng xanh đô thị; thiết lập bộ tiêu chí đánh giá hạ tầng xanh, các thành phần của hạ tầng xanh, đánh giá đô thị xanh; xây dựng bản đồ khu vực ưu tiên đầu tư hạ tầng xanh; ứng dụng giải pháp dựa vào tự nhiên… PGS. TS. Lưu Đức Hải cũng cho rằng cần áp dụng cơ chế ưu đãi thuế, miễn phí thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng xanh, công trình xanh, triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình đô thị xanh tại Việt Nam trên cơ sở học hỏi các mô hình quốc tế như Singapore (Garden City), Đức (Green Belt Planning), Trung Quốc (Sponge City)…
Trao đổi về việc phục hồi dòng chảy sinh thái các sông thoát nước nội đô góp phần phát triển bền vững thành phố Hà Nội, GS.TS Trần Đức Hạ, nguyên giảng viên cao cấp Đại học Xây dựng cho rằng, các sông nội đô là sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét gắn liền với lịch sử phát triển trên 1000 năm của Hà Nội, có ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử và tâm linh của Thủ đô. Các sông này tạo nên khung sinh thái trung tâm thành phố, lại có vai trò là địa điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa, tâm linh của nhân dân Hà Nội và du khách. Tuy nhiên sự phát triển đô thị đã làm cho nước bị ô nhiễm nặng. Cần dựa vào các Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch xây dựng chung, Quy hoạch thoát nước,… để xây dựng các kế hoạch phục hồi dòng chảy các sông nội đô cho hợp lý.
Các sông nội đô sau khi được phục hồi dòng chảy, sẽ đảm bảo được chức năng khung sinh thái chính của đô thị, là nơi vui chơi giải trí của nhân dân thủ đô và du khách, đồng thời cung cấp một phần nước tưới cho vùng nông nghiệp phía Nam thành phố. Để kiểm soát tình hình ô nhiễm cũng như đảm bảo dòng chảy môi trường, trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình và dự án cũng như khi khai thác, vận hành các con sông này cần thiết thực hiện các chương trình quan trắc tài nguyên nước (chất lượng và lưu lượng) các con sông.

GS.TS Trần Đức Hạ báo cáo tham luận tại hội thảo
Bàn luận về tiêu chí giao thông xanh và chỉ tiêu đánh giá hệ thống giao thông trong quy hoạch đô thị, TS Thân Đình Vinh, Trưởng Bộ môn Giao thông, Khoa Đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng, tiêu chí đánh giá giao thông xanh tại Việt Nam đã bước đầu được nghiên cứu, tổng hợp và đã được đưa vào văn bản pháp luật tại Thông tư 01/2018/TT-BXD quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Tuy vậy, đây mới là đô thị tăng trưởng xanh chứ chưa phải là đô thị xanh. Vậy, cần phải ban hành văn bản pháp luật quy định tiêu chí giao thông xanh. Hơn nữa hiện nay để cụ thể một số tiêu chí giao thông xanh thành chỉ tiêu thì cần rất nhiều nguồn lực để thực hiện và đòi hỏi có thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu.

TS Thân Đình Vinh, Trưởng Bộ môn Giao thông, Khoa Đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Theo ThS. Vương Thu Hoài, Viện Quy hoạch môi trường, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, cùng với sự phát triển của đô thị hóa, diện tích đất canh tác nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp. Sự phát triển của nông nghiệp đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu về lương thực và thực phẩm tại một số địa phương. Nông nghiệp đô thị đang là một khuynh hướng phát triển mạnh mẽ ở các đô thị lớn ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Các không gian nông nghiệp trong đô thị có thể là một trong những giải pháp nhằm giải quyết những vẫn đề môi trường tại các khu vực đô thị - là một bộ phận cấu thành của hạ tầng xanh (cung cấp không gian xanh, điều hòa vi khí hậu, hỗ trợ tiêu thoát nước…), đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, ở các khu vực đô thị ngày nay, người dân đang có xu hướng chuyển sang hình thức tự cung cấp các nguồn thực phẩm do sự thiếu minh bạch về nguồn gốc xuất xứ cũng như băn khoăn về chất lượng của các sản phẩm trên thị trường. Đã bắt đầu hình thành những phong trào trồng rau quả trên sân thượng, vườn nhà,… với nhiều quy mô và hình thức canh tác khác nhau. Việc hỗ trợ phong trào này không những làm tăng khả năng phục hồi của môi trường, mà còn gián tiếp tăng cường các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là với đối tượng phụ nữ và người cao tuổi.

ThS. Vương Thu Hoài, Viện Quy hoạch môi trường, Hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn
Chuyển đổi số phát triển hạ tầng xanh cũng là chủ đề thảo luận dành được nhiều sự quan tâm tại hội thảo. Theo TS. Hán Minh Cường, đại diện Công ty CP tập đoàn SGroup Việt Nam, song song với xu hướng đô thị xanh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số, trong đó nổi bật là Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là hai công nghệ trụ cột định hình nên các đô thị thông minh (smart cities) trên thế giới hiện nay. Thực tế, nhiều thành phố tiên tiến đã áp dụng IoT và AI trong quản lý hạ tầng đô thị và đạt được những kết quả tích cực về môi trường.
Ứng dụng IoT và AI trong phát triển hạ tầng xanh là xu hướng tất yếu và đầy tiềm năng. Đối với Việt Nam, nơi quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, việc nắm bắt và triển khai hiệu quả các công nghệ này sẽ góp phần quan trọng giúp đô thị phát triển theo hướng bền vững.

TS. Hán Minh Cường, đại diện Công ty CP tập đoàn SGroup Việt Nam
TS. Hán Minh Cường bày tỏ quan điểm: Về tầm nhìn và chính sách, cần nhận thức rằng xây dựng đô thị thông minh và đô thị xanh là trách nhiệm chung của tất cả các cấp, các ngành và của cả cộng đồng dân cư. Về hạ tầng kỹ thuật số, các đô thị lớn của Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông làm nền tảng cho việc triển khai IoT và AI; về ứng dụng cụ thể IoT/AI cho hạ tầng xanh, các đô thị nên bắt đầu bằng những dự án thí điểm có tính khả thi cao, sau đó nhân rộng khi thu được kết quả. Về cơ chế thực hiện, rất cần thúc đẩy hợp tác công - tư và hợp tác quốc tế trong triển khai hạ tầng xanh thông minh. Các thành phố lớn nên tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị về kiến thức cơ bản của IoT, AI và phân tích dữ liệu, giúp họ đủ khả năng vận hành và ra quyết định dựa trên các hệ thống thông minh.
Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến chuyên sâu về nội dung phát triển hạ tầng xanh hướng tới xây dựng đô thị bền vững của các đại biểu như: Quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững; Quy hoạch công viên nghĩa trang khu vực ven đô Hà Nội hướng tới xây dựng đô thị bền vững, sự gắn kết giữa “xanh” và “thông minh”…
Hạ tầng xanh không còn là khái niệm mang tính xu hướng, mà đang trở thành một yêu cầu tất yếu trong tiến trình đô thị hóa tại Việt Nam. Những chia sẻ tại Hội thảo không chỉ làm rõ vai trò chiến lược của hạ tầng xanh trong quy hoạch và phát triển đô thị, mà còn gợi mở các giải pháp thiết thực về chính sách, công nghệ và huy động nguồn lực xã hội.