An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.

Họp mặt và tôn vinh “Trí thức khoa học và công nghệ tiểu biểu tỉnh An Giang” năm 2025 do Liên hiệp hội tỉnh tổ chức ngày 15/5/2025.
Những nhiệm vụ cụ thể
Tiềm lực, trình độ KHCN, ĐMST tỉnh thuộc nhóm các địa phương ở mức khá; Năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu.
Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế tối thiểu 55%. Xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) nằm trong nhóm 30 cả nước.
Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 20% GRDP của tỉnh; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp.
KHCN và ĐMST góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người An Giang duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) trên 0,7; Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách địa phương hằng năm cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; Tổ chức KHCN công lập được sắp xếp lại bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo.
Nguồn nhân lực về KHCN đạt 12 người/vạn dân; Số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm; số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm.
Hạ tầng số tiên tiến, hiện đại; từng bước triển khai ứng dụng thành công một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: AI, IoT, Big data, điện toán đám mây, chuỗi khối, thông tin di động 5G, 6G; Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh tại các xã, phường, đặc khu có đủ điều kiện và đạt tối thiểu 01 đô thị; Thực hiện quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt trên toàn bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
8giải pháp thực hiện đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS:
1.Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triểnKHCN, ĐMST và CĐS.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, Đảng viên cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về CĐS, phát triển KHCN, ĐMST, xác định rõ trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện. Người đứng đầu phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu thực hiện. Triển khai sâu rộng phong trào “học tập số”, phổ cập, nâng cao kiến thức KHCN, kiến thức số trong cán bộ, công chức và Nhân dân.
- Tập trung hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định, cơ chế, chính sách của địa phương về KHCN, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế,… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia, phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao hiệu quả QLNN về KHCN, ĐMST và CĐS. Đơn giản hóa thủ tục hành chính; giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
- Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; về nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong lĩnh vực có lợi thế như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghệ chế biến sâu, bảo quản nông sản, du lịch thông minh và các lĩnh vực khác như công nghệ sinh học, khám chữa bệnh, tự động hóa trong sản xuất, quản lý tài nguyên và môi trường, CĐS trong quản lý hành chính công và doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc triển khai và đưa vào hoạt động Khu Công nghệ thông tin tập trung hoặc hình thành phát triển Khu đô thị công nghệ số tại các xã, phường đặc khu có đủ điều kiện.
- Thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Ưu tiên thu hút chuyên gia về KHCN, ĐMST và CĐS, chú trọng các lĩnh vực công nghệ cốt lõi, chiến lược (bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, robot, tự động hóa, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu nông sản, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và công nghệ số,…). Tăng cường kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Tỉnh. Kịp thời triển khai chính sách thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ, trọng dụng, giữ chân nhân lực về nhân lực KHCN và CĐS làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị.
- Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Có kế hoạch và lộ trình đưa toàn bộ hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị lên môi trường số, bảo đảm liên thông, đồng bộ, bí mật Nhà nước; phát triển hệ thống giám sát, điều hành thông minh nhằm tăng cường quản lý công. Đổi mới toàn diện việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp.
- Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp.
Triển khai chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho CĐS, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về KHCN, ĐMST và CĐS, cùng với chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, hình thành ít nhất 01 Khu công nghệ thông tin tập trung theo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030.
- Tập trung nguồn lực vào các ngành có lợi thế, tiềm năng và tránh dàn trải:
Ưu tiên nguồn lực cho một số ngành kinh tế có lợi thế và tiềm năng phát triển so với các địa phương khác trong cả nước, tránh dàn trải, kém hiệu quả và lãng phí, bao gồm giải pháp công nghệ cho những vấn đề của thực tiễn Tỉnh như khai thác sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, an ninh lương thực, khoa học về sức khỏe con người, các ngành công nghiệp 4.0.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các địa phương, quốc gia có trình độ KHCN, CĐS phát triển, nhất là các lĩnh vực AI, Biotechnology, Big data, IoT, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo và các công nghệ chiến lược khác. Có chính sách mua, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Tỉnh; khuyến khích ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực học hỏi, tiếp thu, làm chủ, cải tiến tri thức, công nghệ của các tỉnh, thành phố có thế mạnh về công nghệ và các nước trên thế giới có hợp tác, đầu tư tại Việt Nam.