An Giang: 200 năm Kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai
Sáng ngày 14/11, tại trụ sở Thành ủy Châu Đốc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh An Giang đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “200 năm Kênh Vĩnh Tế - Giá trị lịch sử và tầm nhìn tương lai”.
Sự kiện có tham dự của nhiều chuyên gia hàng đầu từ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cùng các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN và ĐHQG TP.HCM), các nhà khoa học ở các tỉnh lân cận và đại diện chính quyền tỉnh An Giang và Kiên Giang. Về phía tỉnh An Giang, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng, cùng các lãnh đạo tỉnh khác.
Hội thảo do Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang; Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng; Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Nguyễn Quang Ngọc; Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Ngô Quang Láng và ThS. Lâm Quang; Bí thư Thành ủy Châu Đốc Lâm Quang Thi đồng chủ trì.
Mục tiêu hội thảo là đánh giá vai trò lịch sử của kênh Vĩnh Tế trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc phòng vùng biên giới Tây Nam. Bên cạnh đó, hội thảo cũng hướng đến xác định các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của kênh trong bối cảnh hiện tại và tương lai.
Phát biểu khai mạc, Bí thư tỉnh uỷ Lê Hồng Quang nhấn mạnh, công trình kênh Vĩnh Tế là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của tiền nhân trong khẳng định chủ quyền lãnh thổ và khai phá vùng đất phương Nam. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, giúp kết nối giao thương, cung cấp nước ngọt, bồi đắp phù sa cho vùng Tứ giác Long Xuyên và đảm bảo an ninh vùng biên giới…
Hội thảo đã nhận được 85 bài tham luận, trong đó có 51 báo cáo tập trung vào phát huy giá trị của Kênh Vĩnh Tế trong việc bảo vệ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên, và định hướng tầm nhìn mới cho Kênh Vĩnh Tế trong tương lai. Các tham luận đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khai thác lợi thế kinh tế, quốc phòng, an ninh và du lịch, nhằm tăng cường giá trị của kênh như một di sản lịch sử và tài nguyên phát triển.
Một số tham luận nổi bật của các nhà khoa học đã được trình bày tại hội thảo: GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, bàn về tác động của Kênh Vĩnh Tế đối với sự chuyển đổi kinh tế, xã hội và môi trường tại tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên. GS.TS Nguyễn Văn Kim - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam, chia sẻ quan điểm về giá trị lịch sử và văn hóa của Kênh; GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), giới thiệu tư liệu lưu trữ về Kênh Vĩnh Tế, bao gồm các châu bản triều Nguyễn và tài liệu thời Pháp, với đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm phục vụ cho nghiên cứu sâu và khai thác tư liệu trong bảo tồn và phát triển du lịch; TS. Ngô Quang Láng cũng có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh tầm vóc và giá trị lịch sử của Kênh không chỉ trong phát triển kinh tế mà còn trong việc bảo vệ biên cương và chủ quyền quốc gia. Ông cũng đề xuất nghiên cứu thêm về vai trò của Kênh qua các giai đoạn lịch sử để hiểu rõ hơn những đóng góp và giá trị bền vững của công trình này.
Phát biểu bế mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mừng khẳng định hội thảo đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, góp phần tôn vinh giá trị lịch sử của Kênh Vĩnh Tế và tạo cơ sở khoa học cho việc quản lý, bảo tồn và khai thác di sản này. Các báo cáo khoa học của hội thảo sẽ được biên tập và xuất bản thành sách nhằm phổ biến đến thế hệ trẻ và phục vụ phát triển bền vững của tỉnh.
Nhân dịp kỷ niệm 200 năm Kênh Vĩnh Tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cũng sẽ phối hợp với tỉnh An Giang xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác bảo tồn và khai thác giá trị của kênh. Đây là bước tiến quan trọng, kết nối tầm nhìn của các thế hệ đi trước với mục tiêu phát triển bền vững của An Giang trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên nước cho khu vực.