Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 09/07/2025 14:49 (GMT+7)

Lần đầu ứng dụng AI trong dự báo ngập lụt do biến đổi khí hậu

Kịch bản biến đổi khí hậu 2025 của Việt Nam tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá nguy cơ ngập lụt, nhấn mạnh hiện tượng cực đoan đô thị và nước biển dâng.

Ngày 2/7, tại Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã phối hợp cùng Cục Biến đổi khí hậu và Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh tổ chức hội thảo tham vấn về cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam giai đoạn mới. Đây là phiên bản cập nhật thứ năm sau các lần công bố vào các năm 2009, 2012, 2016 và 2020.

Lần đầu ứng dụng AI trong dự báo ngập lụt do biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Theo đó, phiên bản 2025 được xây dựng trên nền tảng khoa học mới nhất từ Báo cáo Đánh giá lần thứ sáu (AR6) của IPCC, hướng tới phục vụ hiệu quả hơn cho công tác quy hoạch, lập chính sách và ứng phó biến đổi khí hậu ở các địa phương.

Theo đại diện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, trọng tâm của kịch bản năm 2025 sẽ tập trung vào các hiện tượng khí hậu cực đoan, nhất là trong môi trường đô thị và những ảnh hưởng ngày càng rõ rệt từ tình trạng mực nước biển dâng.

Bên cạnh đó, kịch bản được thiết kế sát nhu cầu thực tế của các bộ ngành, chính quyền địa phương, góp phần định hướng phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành đang tái cấu trúc theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Một điểm nhấn nổi bật của kịch bản 2025 là việc lần đầu tiên tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình dự báo, phân tích nguy cơ ngập lụt trong các tình huống khí hậu cực đoan. Các yếu tố như đê biển, hạ tầng ven biển, và quy hoạch đô thị tương lai cũng được đưa vào mô hình để mô phỏng tác động chính xác hơn.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế chia sẻ về việc áp dụng mô hình CPM (Convection Permitting Model) – mô hình khí hậu phân giải cao 4,4km lần đầu áp dụng cho Việt Nam – nhằm dự báo chính xác hơn hiện tượng mưa lớn, nắng nóng kéo dài, dông lốc. Các kết quả mô phỏng bước đầu cho thấy độ tương thích cao với số liệu quan trắc thực tế, củng cố độ tin cậy của mô hình.

Theo các kịch bản phát thải mới (SSP1-2.6, SSP2-4.5 và SSP3-7.0), đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng từ 2 đến 3,7°C, trong khi lượng mưa có thể tăng nhẹ từ 0–4 mm/ngày. Những thay đổi này được mô phỏng với độ phân giải cao, đặc biệt tại các vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Bộ, TP.HCM và Hà Nội.

Dữ liệu sử dụng trong kịch bản mới được cập nhật đến năm 2022, giúp cải thiện độ chi tiết trong các mô hình tính toán. Việc sử dụng bộ mô hình CMIP6 thay thế CMIP5, cùng với các phương pháp hiệu chỉnh thống kê phi tuyến hiện đại, giúp tăng độ chính xác và khả năng áp dụng trong thực tiễn.

Kịch bản cũng mở rộng phạm vi các biến khí hậu được tính toán như mưa cực đoan (R50mm), nắng nóng kéo dài, hạn hán, và tần suất các hiện tượng này theo chu kỳ 10, 20, 50 năm. Những phân tích này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Việc tích hợp AI trong phân tích ngập lụt không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn là bước tiến chiến lược, giúp xây dựng kịch bản chính sách chủ động hơn trong điều kiện thời tiết ngày càng bất ổn. Kết quả mô phỏng sẽ là cơ sở quan trọng để các ngành và địa phương điều chỉnh quy hoạch, đầu tư hạ tầng thích ứng và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Theo đại diện Cục Biến đổi khí hậu, kịch bản mới dự kiến sẽ được hoàn thiện và công bố vào quý I năm 2026, đúng thời điểm nhiều địa phương đang chuẩn bị chiến lược phát triển mới. Đây cũng là công cụ then chốt hỗ trợ mục tiêu quốc gia đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, phù hợp với cam kết tại COP26.

Xem Thêm

Tin mới

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam được thành lập ngay sau giải phóng năm 1975. Trong suốt 50 năm qua, Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động tư vấn chính sách đối với các vấn đề trọng đại của đất nước. Gần đây nhất là phản biện trong góp ý văn kiện Đại hội XIII và XIV của Đảng, các đề án tăng trưởng xanh, đường sắt cao tốc, quy hoạch vùng và dự thảo nhiều chính sách kinh tế quan trọng...
Lãnh đạo VUSTA tham dự Hội nghị IAS 2025
Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch VUSTA, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu - VUSTA về phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Khoa học quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS 2025 (Hội nghị IAS 2025) tại Rwanda từ ngày 12/7 đến ngày 17/7/2025.
Thắp nến tri ân nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ
Ngày 24/7, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947–27/7/2025), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Hội Nhà báo Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trang trọng tổ chức Chương trình “Thắp nến tri ân” tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội).
Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.