Thái Bình: Bảo tồn nguồn gen cây thuốc nam trên địa bàn
Chiều ngày 15/11, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Hội Đông y tỉnh tổ chức hội thảo khoa học bảo tồn nguồn gen cây thuốc nam trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Trần Thị Hòa chủ trì hội thảo
Thái Bình hiện có khoảng 1.300ha trồng cây dược liệu trong đó 400ha cây dược liệu hàng năm, 900ha cây dược liệu lâu năm. Nhiều năm qua, việc trồng và phát triển cây dược liệu đã giúp cho nông dân một số địa phương của Thái Bình khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của đặc điểm đất đai, từng bước hình thành vùng trồng cây dược liệu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những vùng đất cấy lúa kém hiệu quả, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Các huyện có vùng trồng cây dược liệu gồm: Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Tiền Hải, Vũ Thư, Thái Thụy với nhiều loại cây dược liệu như: đinh lăng, cà gai leo, ngưu tất, xạ can, hoài sơn, bồ công anh…
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ rõ những hạn chế, khó khăn trong việc phát triển cây dược liệu; các giải pháp thúc đẩy trồng cây dược liệu như: quy hoạch, phát triển vùng sản xuất cây dược liệu; xây dựng cơ chế chính sách phát triển cây dược liệu; xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm dược liệu. Ngoài ra, các đại biểu cũng tham luận một số kinh nghiệm chữa bệnh bằng 70 cây thuốc nam theo quy định của Bộ Y tế tại cơ sở. Thông qua hội thảo nhằm bảo tồn nguồn gen cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Nhân dịp này, 10 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen cây thuốc nam đã được tuyên dương, khen thưởng.