Sơn La: Những vấn đề đặt ra trong phòng trừ sâu bệnh ở cây ăn quả
Ngày 15/11 tại Sơn La, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả trên địa bàn tỉnh”.
Dự hội thảo có đại biểu một số sở ngành, hội thành viên Liên hiệp hội, UBND các huyện, Chi cục Trồng trọt và BVTV , một số HTX, các hộ nông dân trồng cây ăn quả ở các huyện, thành phố…
Phó Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh Nguyễn Minh Đức và PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cầm Thị Phong chủ trì hội thảo.
Hiện nay, tình hình sâu bệnh đang ngày càng phát triển mạnh và khó phòng trừ hơn. Đã Tăng thêm 12 loại sâu bệnh hại, đối tượng bị hại tăng mạnh hơn, diện tích dịch hại tăng mạnh hơn, thành phần gây hại nhiều hơn, mức độ dịch bệnh cao hơn. Nhiều dịch bệnh trước đây đã được hạn chế và không trở thành mối lo thì hiện nay đã quay trở lại và khó phòng trừ hơn.
Năm 2021 trở lại đây dịch bệnh đối với cây xoài đã phát triển mạnh và trở thành dịch bệnh phát triển mạnh, trở thành mối lo của người trồng xoài như: Ruồi đục quả gây thiệt hại khá lớn đối với nhà vườn; Bệnh phấn trắng, gây hại giai đoạn xoài ra cành, lá non, nụ, hoa và quả. Bệnh gây hại nhiều hơn đối với giống xoài mới; hiện bị sâu đục cuống quả, sâu đục thân, bệnh thối quả, chổi hồng… hiện nay, sâu đục cuống nhãn tấn công trái nhãn từ khi còn nhỏ đến khi sắp thu hoạch, ảnh hưởng xấu đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm…
Để phòng chống sâu bệnh, các địa phương và đơn vị, cá nhân sản xuất nông nghiệp đã có nhiều biện pháp phù hợp như: Quản lí chặt chẽ canh tác, tổ chức tập huấn, định kì phát hiện dịch bệnh; Cải tạo nhiều giống, ứng dụng công nghệ hiện đại; sử dụng thuốc BVTV an toàn; xây dựng mô hình canh tác an toàn, sản xuất bền vững như áp dụng IPM (Quản lí dịch hại tổng hợp). Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại như sử dụng thuốc BVTV tràn lan khó kiểm soát, chưa tuân thủ quy trình sử dụng thuốc; Một số loại cây trồng chưa có hoặc chỉ có 1-2 loại thuốc BVTV nên dẫn đến khó cho công tác tổ chức hướng dẫn sử dụng phòng chống dịch bệnh.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham luận từ góc độ nhà quản lí, đến người sản xuất cây ăn quả; Đã cung cấp nhiều thông tin góp phần nâng cao trình độ canh tác và phòng chống dịch bệnh của nông dân; đề xuất về cách thức quản lí hiệu quả; áp dụng và mở rộng sản xuất hiệu quả, an toàn, cùng hướng tới sản xuất nông sản bền vững. Qua đó góp phần hỗ trợ tốt công tác quản lí nhà nước. Sau hội thảo Liên hiệp hội tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả Hội thảo và đưa ra các khuyến nghị trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để phòng trừ sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trong phát triển kinh tế xanh, bền vững.