Các cơ quan quản lý nhà nước phải nỗ lực hơn nữa trong phát triển nông thôn mới
Trong bối cảnh thế giới đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức, vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nói riêng, ngày càng trở nên quan trọng đối với mục tiêu của chương trình nông thôn mới mà Việt Nam đã đề ra…
Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao; Chủ tịch Liên hiệp Hội Thái Nguyên Nguyễn Văn Vỵ chủ trì hội thảo.
Ngày 21/11 Liên hiệp các Hội Việt Nam đã phối hợp với Liên hiệp Hội tỉnh Thái Nguyên tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả tham gia của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đối với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” nhằm khẳng định vai trò và những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành, các hội thành viên, các nhà khoa học Liên Hiệp hội tỉnh Thái Nguyên.
Tại Thái Nguyên, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn được triển khai từ năm 2011. Đến nay, toàn tỉnh đã có 118/126 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân mỗi xã đạt 18,6 tiêu chí, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Toàn tỉnh có 3 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, 3 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới…
Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao phát biểu khai mạc hội thảo
Theo Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Vỵ, đây là thành tựu, công sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thuộc Liên hiệp Hội Thái Nguyên. Từ năm 2015 đến năm 2024, Liên hiệp Hội Thái Nguyên đã hoàn thành 12 nhiệm vụ tư vấn, phẩn biện và giám định xã hội thuộc các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực thông qua 02 hình thức: Hội thảo và đề tài, qua đó góp phần quan trọng trong thực hiện các tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới.Điển hình như: “Nhận diện và xác định các giải pháp cụ thể nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030” (năm 2017-2019); “Gắn kết hoạt động của các tổ chức Hội với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” (năm 2020); hội thảo “Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ đối với chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Nguyên” (năm 2017); Tư vấn, phản biện xã hội về các quy định quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể đối với các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên (năm 2024);… Trong bối cảnh, các quốc gia trên thế giới đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức và đang triển khai thực hiện “Cách mạng Công nghiệp lần 4 (4.0)”, vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nói riêng, ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên và thực hiện mục tiêu của chương trình Nông thôn mới.
Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Vỵ phát biểu tại hội thảo
Tuy nhiên, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, lực lượng này vẫn gặp một số khó khăn nhất định như: hạn chế về nguồn lực tài chính và vật chất; Khó khăn trong quá trình chuyển giao công nghệ và đào tạo; Thách thức về địa hình và điều kiện tự nhiên; Thiếu đồng bộ giữa các chính sách và thủ tục hành chính… ông Nguyễn Văn Vỵ trăn trở!
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề cụ thể đã được đề cập như: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên hiện nay; Vai trò của khoa học và công nghệ đối với chương trình xây dựng nông thôn mới; Vai trò của sản xuất nông nghiệp với chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên …
TTK Liên hiệp Hội tỉnh Thái Nguyên Hoàng Thị Quỳnh Ngân phát biểu tại hội thảo
Từ các ý kiến đóng góp của các đại biểu có thể thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ của Liên hiệp Hội tỉnh Thái Nguyên đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, thông qua các chính sách, chuyên môn và sự đồng lòng từ cộng đồng, điều này đã giúp đội ngũ trí thức vượt qua nhiều thử thách.
Cũng tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được thành công bền vững, lực lượng này cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các cấp chính quyền trong việc cải thiện nguồn lực, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện tốt hơn cho đội ngũ trí thức tiếp cận và phục vụ, góp phần chung tay xây dựng và phát triển nông thôn mới.