Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 30/08/2024 11:03 (GMT+7)

Tôn vinh GS Nguyễn Đình Đức: Nhà khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhà khoa học có tầm ảnh hưởng quốc tế được tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong 135 nhà khoa học được tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.
Nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) sinh năm 1963 tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ), nay thuộc Hà Nội. Từ thời đi học, ông đã sớm bộc lộ tư chất thông minh và khả năng học tập vượt trội.
Ton vinh GS Nguyen Dinh Duc: Nha khoa hoc co tam anh huong quoc te
 GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.
Năm 1984, sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Toán cơ tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), GS Nguyễn Đình Đức được chuyển tiếp nghiên cứu sinh tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lômônôxốp. Năm 1991, bảo vệ xong tiến sĩ toán lý, ông được nhà trường giữ lại làm thực tập sinh, rồi làm tiến sĩ khoa học.
Năm 1997, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học về kỹ thuật tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, năm 1999, khi mới 36 tuổi, ông đã được bầu là thành viên nước ngoài – Viện sỹ của Viện Hàn lâm khoa học tự nhiện Nga.
Về nước, GS Nguyễn Đình Đức được phân công về làm giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ những bước đầu tiên trên con đường của nhà giáo, nhà khoa học, đối mặt và phải vượt qua biết bao khó khăn thử thách, nhưng cũng từ cơ duyên này, ông đã gắn bó với nghề giáo, với nghiên cứu khoa học. Dần dần, ông có được tình yêu, niềm đam mê và thành công với công việc của mình, trở thành người thầy, nhà khoa học lớn của đất nước.
Cho đến nay, ông đã công bố hơn 350 công trình khoa học, trong đó có hơn 200 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có trong danh mục các tạp chí ISI (SCI, SCIE) có uy tín quốc tế.
Ông là người khởi xướng và thành lập ngành Vật liệu và kết cấu tiên tiến, ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng giao thông tại trường Đại học Công nghệ, ngành Tự động và Tin học của Trường Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, sáng lập và mở ngành Civil Engineering của Trường Đại học Việt Nhật.
Từ năm 2019 đến nay, GS Nguyễn Đình Đức liên tục được Tạp chí PLoS Biology (Hoa Kỳ) công bố lọt vào bảng xếp hạng 10.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới. Năm 2023, ông xếp thứ 85 trong bảng xếp hạng 100 nhà khoa học xuất sắc nhất, ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ.
Nhiều năm, ông là nhà khoa học duy nhất của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các nhà khoa học Việt Nam được research.com công bố và xếp hạng trong lĩnh vực Engineering.
Đầu tháng 3/2024, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chính thức trở thành thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí quốc tế về Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ: Journal of Aerospace Science and Technology, Nhà xuất bản Elsevier. Đây là một trong những tạp chí quốc tế có trong danh mục SCI index (top 5%), rất có uy tín và chất lượng cao hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ Hàng không - Vũ trụ.
“Điều đó thể hiện uy tín, vị thế của khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới. Đồng thời, cũng là niềm vinh dự của cá nhân, là sự động viên, cổ vũ dấn thân không chỉ đối với tôi, mà còn với các nhà khoa học trẻ, với các thế hệ học trò. Bởi tôi cũng đâu có nghĩ, đến một ngày mình sẽ có được vinh dự này”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Hạnh phúc nhất là đã đào tạo được thế hệ kế cận
Cho đến nay, GS Nguyễn Đình Đức đã đào tạo thành công nhiều học trò tài năng, kiên trì bền bỉ làm nên một trường phái khoa học về Vật liệu và kết cấu tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội, của Việt Nam vươn tầm quốc tế. Nhiều học trò của ông cũng đã trở thành giảng viên của các trường đại học lớn trong cả nước.
Ton vinh GS Nguyen Dinh Duc: Nha khoa hoc co tam anh huong quoc te-Hinh-2
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức làm việc với sinh viên trong Nhóm nghiên cứu. Ảnh: NVCC. 
Dưới sự dìu dắt của thầy, nhiều thế hệ học trò đã thành công, trở thành những nhà khoa học thành danh. Trong đó, một người được giải thưởng Nguyễn Văn Đạo – Giải thưởng mang tên vị Giám đốc đầu tiên của ĐHQGHN, là giải thưởng danh giá nhất ngành Cơ học ở Việt Nam và một học trò xuất sắc được Forbes Việt Nam vinh danh. Họ đã tiếp nối sự nghiệp của thầy - truyền nhiệt huyết, thắp sáng ước mơ, lan tỏa tri thức, tình yêu và những điều tốt đẹp tới các thế hệ học trò mai sau.
“Chính học trò là động lực rất lớn cho tôi có được tình yêu với nghề. Mỗi học trò là một cuộc đời, một hoàn cảnh, một hoài bão. Khi các thế hệ học trò tiếp nối hoài bão và lý tưởng của tôi trong học thuật và trong sự nghiệp trồng người - với tôi, đó có thể coi là thành công nhất, tự hào nhất của cuộc đời”, GS Nguyễn Đình Đức tâm sự.
Nhận ra tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao, GS Nguyễn Đình Đức đã xây dựng thành công nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến tại Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN). Từ bài học kinh nghiệm của mô hình nhóm nghiên cứu này có thể nhân rộng ở các trường đại học khác ở Việt Nam.
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống về những trăn trở, GS Nguyễn Đình Đức cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã có rất nhiều những chính sách để hỗ trợ phát triển nhân tài, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh để khoa học công nghệ Việt Nam hội nhập với thế giới. Từ bài học của các nước đã đi trước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cho thấy, để đất nước phát triển được thì quan trọng nhất ở hai yếu tố đột phá là chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.
“Khoa học công nghệ chính là chiếc đũa thần để đất nước phát triển nhanh chóng và nắm bắt được những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam cũng không là ngoại lệ”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức khẳng định.
Mong ước, trăn trở lớn nhất của GS Nguyễn Đình Đức là làm sao để giáo dục đào tạo Việt Nam ngày càng nâng cao được chất lượng đào tạo, tạo ra được những con người có tài, có đức, đặc biệt là có hoài bão, có tâm nguyện chấn hưng đất nước.
“Cùng với đó là khoa học công nghệ Việt Nam tiếp tục được đầu tư, quan tâm thỏa đáng với những chính sách quyết liệt, mạnh mẽ và kịp thời, để thế hệ trẻ của Việt Nam có thể đóng góp và mau chóng đưa đất nước ta phát triển vượt bậc, theo kịp với các nước tiên tiến trên thế giới”, GS Nguyễn Đình Đức bày tỏ.
Với những cống hiến của mình, GS.TSKH. Nguyễn Đình Đức đã giành nhiều giải thưởng, huân chương danh giá: Huân chương Lao động hạng Ba năm 2016; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2022; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2019, 2022, 2024; Nhà giáo tiêu biểu của Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh trong chặng đường 40 năm sự nghiệp giáo dục (1982-2022); Nhiều Bằng khen của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Xem Thêm

Tin mới

Quảng Ngãi: Sắp phát hành sách về sự phát triển của ngành Thủy sản
Sáng ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nghề cá tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Bản thảo cuốn sách “Thủy sản Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.
Đắk Lắk: Góp ý dự thảo Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai
Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị hội đồng Tư vấn phản biện và góp ý dự thảo Nghị định phân định quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.