Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 26/08/2024 16:33 (GMT+7)

Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!

Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết sinh năm 1954, ông trưởng thành từ một làng quê nghèo khó của tỉnh Nam Định, thời thơ ấu của cậu bé Nguyễn Tiến Quyết gắn chặt với đồng ruộng, với những ngày vừa vắt vẻo trên lưng trâu vừa tranh thủ học bài. Nhà đông con, là con trai lớn, đi học về cậu còn vớt bèo, băm rau lợn, giúp mẹ trông em...Vượt qua những khó khăn thuở thiếu thời, ông luôn say mê, miệt mài và phấn đấu học tập, nghiên cứu những mong thành công trong sự nghiệp sau này. Nhưng khi đó cũng là những năm tháng đất nước còn chìm trong bom đạn chiến tranh. Với mong muốn góp sức mình cho sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, đến tuổi nhập ngũ, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Quyết khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Năm 1976, hết nghĩa vụ, ông trở về và đến với ngành y như hai chữ “Duyên phận” cuộc đời.

Là một bác sĩ ngoại khoa được đào tạo bài bản tại ĐH Y khoa Hà Nội và Bệnh viện (BV) Việt Đức, năm 1985, BS. Nguyễn Tiến Quyết được cử đi học nội trú ngoại khoa tại Đức. Trở về Việt Nam năm 1991, ông gắn bó với Khoa Phẫu thuật gan mật - BV Việt Đức.

tm-img-alt

AHLĐ.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết

Đứng trước những  cái chết bất ngờ từ người bệnh

Nỗi băn khoăn, trăn trở, dằn vặt nhất của người bác sỹ là thấy người bệnh lìa xa sự sống. Nhiều đêm trở về từ phòng mổ thấm mệt, nhưng trong đầu ông hình ảnh bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối, vật vã trong tuyệt vọng cứ ám ảnh theo đuổi. Và chính sự ám ảnh đó thôi thúc ông bắt đầu cuộc hành trình đi tìm sự sống cho những người bệnh trong tình trạng "thập tử, nhất sinh".

Khi còn làm việc ở bệnh viện, bác sỹ Nguyễn Tiến Quyết đã phải đối diện với những cái chết bất ngờ từ người bệnh, có những người bị tai nạn giao thông, có những người do nhiều nguyên nhân khác dẫn đến chết não. Chỉ riêng tại Bệnh viện Việt Đức, mỗi năm có khoảng 1.000 người tử vong do chết não. Trong khi đó, những người ung thư gan, chạy thận thì cũng vật vã với những cơn đau và chờ chết nếu như không được phẫu thuật ghép gan, thận kịp thời. Vấn đề là ở chỗ, muốn cứu sống bệnh nhân suy tạng nguồn tạng ghép chính phải từ người cho chết não.

Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Quyết, ghép tạng là công việc rất khó nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong những năm qua, Bệnh viện đã áp dụng thành công ghép tạng với nội tạng được lấy từ 3 nguồn: từ chính bản thân bệnh nhân, từ người cho tạng khỏe mạnh và từ người cho chết não không có quan hệ thân thuộc. Lợi ích từ việc ghép tạng thay thế đã quá rõ ràng, tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các bệnh viện hiện nay là không có nguồn tạng, trong khi nhu cầu ghép quá lớn mà nguồn tạng thì khan hiếm. Chỉ riêng nhu cầu ghép gan, ước tính cả nước có khoảng 23.000 người. Tại Việt Nam luôn có hàng chục nghìn người bệnh chờ ghép thận, gan, tim nhưng nguồn cho thì cực kỳ khan hiếm.

Khác với các nước phát triển, 90% nguồn tạng cung cấp từ người chết não, thì Việt Nam chủ yếu vẫn từ người cùng huyết thống. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khan hiếm nguồn tạng, trong đó có lý do tế nhị về quan niệm của người dân nước ta khi chết phải toàn thây vẫn còn rất sâu sắc, mặc dù cơ sở pháp lý để lấy nguồn tạng từ người chết não đã có. Mặc dù đã có Luật Hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người, có văn bản hướng dẫn dưới Luật, nhưng vận động được gia đình thân nhân người chết não hiến tạng là cực kì khó khăn. Yếu tố xã hội, tâm linh không dễ vượt qua.

Vẫn biết rằng đây là công việc cực kì khó khăn cả về kỹ thuật cũng như về kinh tế, tổ chức trong điều kiện Việt Nam,“nhưng không nhẽ cứ ngồi chờ đủ điều kiện mới thực hiện, không nhẽ cứ để người bệnh âm thầm ra đi trước sự đau đớn xót xa của người thân?”. Ông luôn đặt câu hỏi với bản thân và đồng nghiệp: Tại sao thế giới làm được? Tại sao mình được đào tạo đầy đủ ở trong và ngoài nước mà chịu bó tay?... Nhiều đêm trở về từ phòng mổ thấm mệt nhưng trong đầu ông, hình ảnh bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối, vật vã trong tuyệt vọng cứ ám ảnh theo đuổi. Trong khi có hàng chục ngàn người chờ ghép thận, hàng nghìn người chờ ghép gan, ghép tim và hàng năm có hàng nghìn người không may bị tai nạn chết não ra đi trong sự đau đớn của người thân, sự xót xa của thầy thuốc.

Nhưng làm thế nào để vận động được người thân và gia đình đồng ý cho hiến tặng tạng của những người chết não là cả vấn đề nan giải. Tuy nhiên, thấy bệnh, biết bệnh mà không cứu được thì ông làm việc không đành. Ông quyết định đi gặp từng người thân của các bệnh nhân chết não để vận động. Ông và các đồng nghiệp đã đích thân trải qua hàng nghìn cuộc vận động thân nhân người chết não, giải thích để họ hiểu được tính hữu ích của việc làm này. Những lời giải thích đều "nặng trĩu" với bác sĩ và người thân. “Có những khoảng lặng đến nghẹt thở, có lúc cả thân nhân người chết não và bác sĩ cùng rơi lệ”- bác sỹ Nguyễn Tiến Quyết kể lại đầy tâm trạng.

Ngoài những công việc về xã hội, về tâm linh, người thầy thuốc phải chia sẻ nỗi đau tột cùng của thân nhân người chết não và làm cho họ hiểu được khi cái chết này lại hồi sinh một sự sống khác thì không có gì lớn lao và tốt đẹp hơn. Đó là sự kỳ diệu mang tính nhân văn cao cả.

Cuối cùng, những lời nói và cử chỉ ân cần của người bác sỹ đầy tâm huyết và trách nhiệm với sự sống của con người đã được những người thân của bệnh nhân chết não đồng ý hiến tặng tạng. Lúc này, bác sỹ Nguyễn Tiến Quyết và đồng nghiệp mới chỉ hoàn thành được giai đoạn đầu của quá trình tìm lại sự sống cho những người cần ghép tạng. Vấn đề tiếp theo ông và các đồng nghiệp phải làm và làm cho kỳ được đó là phẫu thuật thành công những ca ghép gan, mật, tim từ nguồn tạng hiếm hoi đó.

tm-img-alt

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết và các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật Gan Mật đang mổ cấp cứu cho bệnh nhân.

Sự sống hồi sinh từ cái chết

Để không phụ tấm lòng nhân ái của gia đình người hiến tạng, ông luôn tâm niệm phải thực hiện tốt các ca phẫu thuật và đem lại sự kỳ vọng cho những người đang bị ung thư gan, chạy thận và suy tim.

Thế là điều kì diệu đã làm được, sau 2 đêm thức trắng săn sóc điều trị cho bệnh nhân chết não, đúng 0h40 phút ngày 20/5/2010, ông và các đồng nghiệp bắt đầu thực hiện ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam. Bác sỹ Nguyễn Tiến Quyết nhớ lại: “Mặc dù đã lên kế hoạch chi tiết đến từng phút cho mọi công việc, đã cầm dao mổ cho hàng ngàn ca bệnh hiểm nghèo nhưng lúc này trong tôi là một cảm giác khó tả "vừa lo, vừa sợ". Sợ chỉ cần một thoáng mất tỉnh táo bệnh nhân sẽ ra đi. Lo là vì đây là lần đầu tiên ghép tạng từ người cho chết não”. Nhưng bằng những kiến thức tích lũy của nhiều năm tháng học tập nghiên cứu, ông đã thành công. Sau 5h20 phút thực hiện ghép, đúng 6h ngày 20/5/2010 tất cả các ca ghép đã kết thúc, các ca ghép thận bệnh nhân đã về phòng hậu phẫu, ca ghép gan lá gan đã chuyển màu, bắt đầu tiết mật báo hiệu sự sống đã hồi sinh.

Bác sỹ Nguyễn Tiến Quyết vẫn nhớ khoảng khắc đó: “Chúng tôi theo dõi từng tín hiệu, có lẽ lá gan bệnh nhân chuyển màu đến đâu, tâm trạng chúng tôi chuyển niềm vui theo đến đó. Vui mừng nào khó nói thành lời, toàn ekíp gần 100 cán bộ y tế nhìn nhau với những bàn tay siết chặt, đã thành công bằng cả tâm huyết và nghị lực!”. Danh dự, uy tín của một người bác sỹ, người từng đứng mũi chịu sào của một bệnh viện danh tiếng được khẳng định và nhân lên niềm tin cho những bệnh nhân vật vã với nhưng cơn đau gan, đau thận, đau tim. Ông cũng đã chứng minh được và khẳng định với những gia đình, người thân của những bệnh nhân chết não đã hiến tạng đúng địa chỉ, giúp người khác nối dài sự sống.

Ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên đã thành công mở ra triển vọng tốt đẹp để điều trị bệnh nhân xơ gan, ung thư gan, suy gan giai đoạn cuối. Ca ghép gan thành công từ người cho chết não do các thầy thuốc Việt Nam thực hiện không có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài chỉ trong vòng 5h20 phút ngắn hơn nhiều so với thời gian dự kiến đã khẳng định trình độ của bác sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Từ những người suy thận, suy gan không thể rời khỏi bệnh viện, nay được thay tạng mới, cuộc sống của họ mới trở về đúng nghĩa là cuộc sống, rời xa giường bệnh, máy móc, mệt mỏi, thất vọng. Một người không may từ giã cõi đời đã mang lại cuộc sống ý nghĩa cho những người bệnh trọng, hàng giờ, hàng phút luôn phải chiến đấu với bệnh tật để dành lại sự sống.

tm-img-alt

Các đồng nghiệp chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết và kíp phẫu thuật BV Việt Đức thực hiện thành công ca mổ ghép tạng năm 2016.

Mở ra kỷ nguyên mới cho những người suy gan, suy thận

Thành công của ca ghép gan đầu tiên ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức với bộ phận được hiến tặng từ người “chết não” đã chứng tỏ rằng, nền y học Việt Nam có thể thực hiện được tất cả những kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép tạng. Đây là ca ghép gan hoàn toàn do bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức thực hiện, không có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Thời gian thực hiện ghép nhanh, 5 giờ 20 phút. Trong khi những ca như thế này ở nước ngoài thường phải thực hiện 7 - 8 giờ. So với ca ghép gan đầu tiên ở người lớn và người cho sống ở Việt Nam được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện từ năm 2007, thì lần ghép này là một bước tiến vượt bậc. Lần ghép trước có tư vấn của chuyên gia nước ngoài, 5 - 6 ngày mới rút nội khí quản, còn ca ghép gan lần này chỉ sau vài giờ là có thể rút nội khí quản.
Điều đặc biệt là những ca ghép gan, ghép thận tại Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới.

PGS.TS Quyết khẳng định, tại bệnh viện Việt - Đức cũng như ở nhiều bệnh viện khác của Việt Nam nói chung, kỹ thuật ghép tạng không hề thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Ghép thận giờ đã trở thành thường quy tại bệnh viện, hầu như tuần nào cũng có ghép. Hay như với ghép gan - một kỹ thuật ghép khó nhất hiện nay thì các bác sĩ của Việt Đức cũng đã hoàn toàn làm chủ. Đặc biệt, với cùng kỹ thuật đó, người bệnh ở Việt Nam được hưởng lợi hơn rất nhiều bởi chi phí rẻ. Hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Ví như chi phí ghép thận, ở các nước cùng khu vực bệnh nhân sẽ mất khoảng 35.000 USD, còn tại bệnh viện Việt Đức người bệnh chỉ nộp từ 200 - 230 triệu. Còn ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí chỉ hết 500 triệu, trong khi chi phí này ở các nước trên thế giới là từ 1 - 1,5 tỷ đồng.

Với PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, niềm vui, niềm hạnh phúc trong công việc là được lao động, được cống hiến, khẳng định và vươn lên chinh phục những đỉnh cao khoa học. Ông chia sẻ "Còn biết bao bệnh nhân đang chờ được nhận tạng và phía trước, chúng tôi vẫn sẽ là những đêm dài mất ngủ. Nhưng còn gì vui hơn khi chinh phục được đỉnh cao của khoa học trong điều kiện còn khó khăn để đổi lấy mạng sống cho con người".

Tháng 5/2015 PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết phụ trách Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ông đã  chủ trì 05 đề tài cấp Nhà nước, trong đó có 01 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 02 đề tài thuộc chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; chủ trì 02 đề tài cấp Bộ. Viết gần 200 bài nghiên cứu khoa học là tác giả hoặc đồng tác giả đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước. Tham gia biên soạn hoặc là tác giả, đồng tác giả của 08 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo, hướng dẫn chuyên ngành y. nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.

Ông nhận anh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011; Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân năm 2008; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Toàn quốc năm 2005; Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2012; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2006; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010; Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2011; Liên hiệp Hội Việt Nam tôn vinh là Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Xem Thêm

Tình cảm và những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người giữ cương vị cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong gần 3 nhiệm kỳ liên tiếp, đồng thời cũng là một Giáo sư, một nhà khoa học lớn của đất nước. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đến đội ngũ trí thức nước nhà, trong đó có đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam.

Tin mới

Vĩnh Long: 42 mô hình, sản phẩm đoạt giải Cuộc thi lần thứ 13
Sáng ngày 14/9/2024, tại hội trường Tỉnh ủy Vĩnh Long, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long (Liên hiệp hội tỉnh) phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục & Đào tạo Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ Tổng kết trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Vĩnh Long lần thứ 13,năm học 2023-2024 và phát động Cuộc thi lần thứ 14, năm học 2024-2025.
An Giang: Tuyên truyền, triển khai Cuộc thi và Hội thi trong địa bàn của tỉnh
Trong thời gian từ 02/8 -13/9, Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tuyên truyền và phổ biến thông tin về Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên - Nhi đồng năm 2024 (Cuộc thi) và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật 2024-2025 (Hội thi) tại 11 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Thủ tướng chia sẻ về '6 điểm tựa Việt Nam'
Phát biểu tại chương trình "Điểm tựa Việt Nam", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về 6 điểm tựa để góp phần khắc phục hậu quả siêu bão số 3, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng trao Biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu tới các trí thức cao tuổi
Sáng ngày 11/9, TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch VUSTA đã tới thăm và trao Biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024 tới một số các trí thức KH&CN tiêu biểu năm 20024 vì lý do sức khỏe đã không tham dự được Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024 diễn ra vào ngày 28/8/2024.
VUSTA kêu gọi toàn hệ thống ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Nhằm kịp thời huy động nguồn lực giúp đỡ đồng bào các địa phương bị thiệt hại bởi thiên tai và lũ lụt, vào sáng ngày 13/9, VUSTA đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Tham dự buổi lễ có các đồng chí Thường trực ĐCT VUSTA, đại diện các Hội thành viên, các TC KH&CN trực thuộc, các tổ chức CĐ, ĐTN trong hệ thống, cán bộ công chức người lao động CQ TW VUSTA.
Sơn La: Ông Phạm Văn Chung tái đắc cử Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh khoá III
Ngày 12/9, Hội Luật gia tỉnh Sơn La đã tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 – 2029. PCT hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh và 68 đại biểu đại diện cho 289 hội viên của Hội Luật gia tỉnh Sơn La tam Đại hội.
Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế cho các hội thảnh viên và tổ chức trực thuộc trong hệ thống VUSTA
Ngày 09/9/2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế cho các hội thành viên và các tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc khu vực phía Nam”.