Vai trò của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài với ngành thiên văn trong nước
Điều đáng mừng cho cộng đồng thiên văn Việt Nam là gần đây Chính phủ ta đã có những dấu hiệu thể hiện sự quyết tâm đầu tư cho sự phát triển của ngành. Theo TS. Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm Vệ tinh Quốc gia Việt Nam, Chính phủ đang có một chương trình đầy tham vọng mang tên Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, trong đó sẽ xây dựng một Đài thiên văn Quốc gia, bao gồm một nhà chiếu hình vũ trụ và một kính thiên văn quang học – một trong những ứng dụng đáng kể của chương trình là hỗ trợ cho các dự án vệ tinh nhân tạo, có vai trò ngày càng lớn trong quan sát, truyền thông, định vị hay nghiên cứu.
Tuy nhiên, những khoản đầu tư lớn của Chính phủ vào các trang thiết bị chỉ phát huy được hiệu quả khi được sử dụng và quản lý một cách có trách nhiệm bởi cộng đồng các nhà nghiên cứu thiên văn trong nước. Bởi vậy, một mặt Nhà nước cần những đánh giá nghiêm túc mọi mặt của dự án, tham khảo ý kiến từ các thành viên của cộng đồng các nhà vật lý thiên văn Việt Nam, mặt khác chú trọng tới công tác đào tạo để nguồn nhân lực trong cộng đồng này ngày một phát triển. Trong đó, chúng ta rất cần sự góp ý và những nỗ lực hỗ trợ nhiệt tình từ các nhà thiên văn Việt Nam giàu uy tín ở nước ngoài, những người luôn dành tâm huyết cho việc động viên, hướng dẫn đào tạo đội ngũ các nhà thiên văn trẻ trong nước.
Vừa qua công chúng đã được biết đến tên tuổi của TS. Nguyễn Trọng Hiền trong vai trò là một nghiên cứu viên của NASA đã góp phần giúp tìm ra bằng chứng về sóng hấp dẫn qua dự án BICEP2. Tuy nhiên, các nhà thiên văn trẻ ở Việt Nam từ lâu đã biết đến ông qua những nỗ lực tâm huyết, thường xuyên dành thời gian về nước giảng dạy cho sinh viên về thiên văn và vũ trụ học hay liên lạc từ xa để động viên học trò của mình. Chúng ta cũng phải kể đến công lao của một số nhà thiên văn như GS. Nguyễn Quang Riệu ở Pháp, người đã góp phần đáng kể trong những nỗ lực đào tạo và nghiên cứu ở trong nước trong lĩnh vực thiên văn vô tuyến. Cùng với ông còn có hai nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu ở Đài Loan, nay đã trở về trực tiếp làm việc cống hiến cho đất nước là GS. Đinh Văn Trung, nhà nghiên cứu về thành phần phân tử khí của vũ trụ ở lớp vỏ của sao và môi trường giữa các sao, và GS. Phan Bảo Ngọc, nhà nghiên cứu về sao lùn nâu. Hiện nay, GS. Đinh Văn Trung đang dẫn dắt một nhóm nghiên cứu ở Hà Nội, còn GS. Phan Bảo Ngọc dẫn dắt một nhóm nghiên cứu ở thành phố Hồ Chí Minh.
Những nỗ lực đóng góp cho ngành thiên văn Việt Nam của các nhà thiên văn từ nước ngoài đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nhà thiên văn trẻ trong nước. Bên cạnh hai nhóm thiên văn vô tuyến kể trên, hiện nay trong nước đã hình thành một nhóm nghiên cứu thứ ba, là những nhà nghiên cứu viên trẻ của Phòng thí nghiệm đào tạo vật lý thiên văn Việt Nam– gồm tiến sĩ Phạm Ngọc Điệp và Phạm Tuyết Nhung, cùng một số nghiên cứu sinh và học viên cao học – phụ trách vận hành một kính thiên văn vô tuyến đường kính 2,6 m (quan sát ở quanh vạch phổ HI 21 cm) được sử dụng với mục đích đào tạo sinh viên. Nhóm đang nghiên cứu về những ngôi sao tương tự như Mặt trời nhưng ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển, và nghiên cứu về những thiên hà chứa một chuẩn tinh ở tâm của chúng hình thành rất sớm trong vũ trụ.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc hợp tác với các nhà thiên văn Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta phải mở rộng và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác nghiên cứu, đào tạo về thiên văn học với những nước trong khu vực như Thái Lan, nơi rất quan tâm và đầu tư cho sự tiến bộ và phát triển của khoa học và công nghệ không gian; đồng thời tham gia Hội Thiên văn Quốc tế với tư cách là một thành viên tích cực, tận dụng từ mạng lưới này những lợi ích vô giá về chuyên môn. Đặc biệt, chúng ta rất nên thành lập một ủy ban tư vấn quốc tế để giúp các chương trình và dự án thiên văn quan trọng trong nước được đầu tư một cách hiệu quả và đúng hướng.
Phạm Ngọc Điệp và Phạm Tuyết Nhung cùng nhóm chuyên gia viết nhân “Hội thảo Thiên văn vô tuyến và vật lý thiên văn” tổ chức tại Viện KH&KT Hạt nhân, ngày 07-11/04/2014.