Tình yêu của 2 nhà khoa học Việt thanh toán bệnh dại
Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, bệnh dại là nỗi kinh hoàng của nhân dân cả nước. Hàng năm có tới 3 đến 4 vạn người chết vì bệnh dại. Khi ấy, có 2 nhà khoa học không quản khó khăn, thiếu thốn đã sản xuất ra những liều vắc-xin đầu tiên phòng bệnh dại và tổ chức thực hiện tiêm phòng trên quy mô rộng lớn, ngay cả khi chưa có sự giúp đỡ của nhà nước.
Đó là vợ chồng PGS – TS. Nguyễn Bá Huệ và TS Nguyễn Thu Hồng. Sức mạnh đã giúp họ có đủ nghị lực để đối phó với những khó khăn chồng chất ấy chính là tình yêu, sự tôn trọng và những chia sẻ cảm thông từ hai phía.
Người cộng sự tài năng
PGS Nguyễn Bá Huệ khi đó là Phó Viện trưởng Viện thú y, ông đã rất trăn trở để tìm ra hướng giải quyết giúp nhân dân khắc phục dịch toi gà và bệnh chó dại. Một may mắn lớn đối với PGS Nguyễn Bá Huệ là ông có được một người cộng sự tài năng và cũng là người vợ tuyệt vời luôn bên cạnh.
Ông bà quen nhau khi đang học ở Trung Quốc, khi đó ông đã là một nghiên cứu sinh, còn bà mới là một cô sinh viên nhỏ bé. Từ buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, rồi khi về nước 2 người đã gắn bó cuộc đời với nhau và gắn bó với Viện Thú y, với những công trình nghiên cứu khoa học.
Công trình đầu tiên mà vợ chồng ông nghiên cứu là đề tài vắc-xin Laxôta điều trị bệnh toi gà ở nước ta những năm 60-70 của thế kỷ XX. Đây là thời kỳ chiến tranh ác liệt, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, ban đầu lại không có sự hỗ trợ của nhà nước nên vợ chồng ông đã mày mò, tìm kiếm những thiết bị cũ ở các bệnh viện về cải tiến để làm phòng thí nghiệm, nghiên cứu vắc-xin.
Vợ chồng PGS – TS. Nguyễn Bá Huệ và TS Nguyễn Thu Hồng
Khi đã có sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp, vợ chồng ông lại loay hoay tìm cách làm thế nào để đưa vắc-xin đó phổ biến trên diện rộng đến được với mọi vùng của đất nước. Việc nghiên cứu vắc-xin trong điều kiện đất nước chiến tranh đã khó, nhưng việc làm thế nào để có thể cùng lúc sản xuất được nhiều vắc-xin phục vụ cho cả nước còn khó khăn hơn.
PGS Nguyễn Bá Huệ là người chủ trì đề tài, nhưng người thực hiện đề tài đó lại là TS Nguyễn Thu Hồng, bằng sự thông minh, khéo léo của người phụ nữ và niềm đam mê khoa học, bà đã vận dụng sáng tạo những gì được học để đưa ra những phương hướng giải quyết kịp thời.
Bà đã trực tiếp về ở các Trạm thú y của các tỉnh để giúp họ xây dựng phòng thí nghiệm, tận dụng và cải tiến trang thiết bị để tiến hành sản xuất vắc-xin, đồng thời mở lớp tập huấn cho các bác sĩ thú y ở các Trạm để họ nắm vững được quy trình tự sản xuất vắc-xin.
TS Nguyễn Thu Hồng kể lại: Ngày ấy khó khăn lắm, vừa đi vừa phải tránh đạn, tay bế con, tay cầm thuốc, đến các tỉnh thì không giống như bây giờ, vì họ cũng khó khăn nên không giúp được gì nhiều.
Vừa làm, vừa nuôi con, vừa sơ tán, bao nhiêu khó khăn chồng chất nếu không có tình yêu với nghề và muốn chia sẻ những khó khăn với chồng thì chắc là khó mà làm nổi.
Trong cuốn hồi ký của mình, PGS Nguyễn Bá Huệ viết: “Tôi không ngờ, Thu Hồng - cô sinh viên mảnh khảnh và xinh đẹp ngày xưa ở Hoa Nam Nông học Viện Trung Quốc, cô bác sĩ thú y mới ngày nào còn rụt rè khi mới về tập sự ở bộ môn vi rút do tôi làm trưởng Bộ môn, đã có ý chí mạnh mẽ phi thường, có quyết tâm rất cao, đã khắc phục được mọi khó khăn của thời chiến, và đặc biệt rất thông minh, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học, đã hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu ứng dụng thành công vắc-xin Laxôta nhỏ mũi vẫn gây được miễn dịch cao cho gà.
Rồi lại đứng ra tổ chức cơ sở sản xuất vắc-xin tại Viện, tại các tỉnh đã chế ra được hàng trăm triệu liều vắc-xin Laxôta phục vụ đủ cho yêu cầu giải quyết bệnh toi gà cả nước”.
Gia đình PGS - TS. Nguyễn Bá Huệ |
Không chỉ dừng lại ở đó, 20 năm sau ngày chiến dịch tiêu diệt dịch toi gà thành công, PGS Nguyễn Bá Huệ lại tiếp tục nghiên cứu một đề tài hết sức hóc búa và đang trở nên cấp bách trong thực tại nước ta những năm 80 của thế kỷ XX.
Đó là bệnh chó dại đang lan truyền rộng khắp cả nước, hàng năm ước tính cả nước ta có tới 3 - 4 vạn người chết vì chó dại cắn. Đã có biết bao nhiêu cái chết thương tâm diễn ra ngay trước mắt bác sĩ và những người thân mà không ai làm gì được.
Sau đó, nhà nước có chủ trương phải giết tất cả chó trong cả nước, nhưng chủ trương này không được nhân dân hưởng ứng vì chó là con vật quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Khi ấy, ông đã bàn với vợ về kế hoạch nghiên cứu một đề tài mới tiêm phòng cho những chú chó theo mô hình khép kín mà trước đây vợ chồng ông đã từng làm rất thành công đối với đàn gà.
Đến ngày 19/ 5/1983, vợ chồng ông chính thức thành lập tổ chức lấy tên là “Chương trình thanh toán bệnh dại ở Việt Nam”, đây là chương trình tự nguyện của các nhà khoa học, do vợ chồng ông đứng đầu.
Vì vấp phải những ý kiến cho rằng kế hoạch của vợ chồng ông là hoang tưởng nên ông không có sự hỗ trợ nào về mặt kinh phí. Tất cả vốn ban đầu đều do vợ chồng ông bỏ ra.
Những ai đã đến nhà ông vào những năm ấy, thì sẽ còn nhớ mãi “trang trại chuột bạch” do chính vợ chồng ông nuôi để làm thí nghiệm cho vắc-xin phòng dại. TS Nguyễn Thu Hồng lúc đó đang phụ trách bộ phận nghiên cứu bệnh dại thuộc bộ môn vi-rút Viện Thú y là người đứng ra liên hệ, tổ chức phối hợp với các ngành nghiên cứu bệnh dại khác để thực hiện.
Vừa là người chỉ đạo, vừa là người thực hiện trực tiếp, TS Thu Hồng đã chế ra được hàng triệu liều vắc-xin mỗi năm, phục vụ cho kế hoạch thanh toán bệnh dại trên cả nước.
Cho đến nay, những công trình nghiên cứu của vợ chồng ông vẫn được sử dụng rộng rãi trong cả nước. Đến bất cứ một miền quê nào, người dân vẫn luôn biết ơn những cố gắng mà vợ chồng ông đã làm trong suốt thời gian qua.
Những đóng góp âm thầm, lặng lẽ nhưng mang lại hiệu quả thiết thực, vợ chồng ông đã chứng minh được rằng, những công trình nghiên cứu của họ là hoàn toàn phù hợp. Từ cơ sở đó, những nghị quyết, những quyết định kịp thời đã được đưa ra cho công tác phòng bệnh và chữa bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cũng như tính mạng của người dân.
Nhiệt huyết của vợ chồng nhà khoa học ấy đối với đời sống nông dân vẫn chưa bao giờ giảm bớt. Ngay cả khi đã bước sang tuổi xế chiều, họ vẫn tiếp tục cùng nhau nghiên cứu những đề tài mới cho xóa đói giảm nghèo.
Trên bất cứ con đường nào, trước bất cứ khó khăn nào, họ vẫn luôn mỉm cười vì bên cạnh họ luôn có người cộng sự đắc lực và thấu hiểu.
Những trăn trở buổi xế chiều
Nỗ lực và thành công trong sự nghiệp, bận rộn với các nghiên cứu của chồng, có khi phải thay chồng đi đến các tỉnh để triển khai chương trình nhưng TS Thu Hồng vẫn là người vợ, người mẹ và người con dâu chu đáo.
Cả 2 người con của ông bà đều thành đạt, học hành đến nơi đến chốn. Bây giờ khi đã ở tuổi xế chiều, các con đều trưởng thành thì ông bà lại tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu của mình nhưng giờ thì mỗi người nghiên cứu một hướng mới và coi đó là thú vui tuổi già.
PGS Nguyễn Bá Huệ vẫn đau đáu một niềm trăn trở đối với nông dân, khi xem chương trình “Lục lạc vàng” phát sóng trên truyền hình, ông đã nghĩ tại sao lại không có cách nào đồng bộ hướng dẫn nông dân họ làm để cải thiện đời sống cho bớt đói nghèo.
Trên cơ sở những kinh nghiệm của 2 chiến dịch mà ông đã làm rất thành công trước đây trong việc tiêu diệt chó dại và gà toi, ông đã lập ra một chương trình mang tên “Chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh bằng tiến bộ kỹ thuật”.
Và ông hy vọng rằng với cách làm đồng bộ, có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cơ quan, đoàn thể sẽ tạo thành một dây chuyền khép kín trong việc giúp đỡ người nông dân đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó cải thiện đời sống của người dân.
Những ấp ủ đó của ông đã được thể hiện khá chi tiết trong công trình nghiên cứu của mình, và cũng như những lần trước, ông lại bỏ tiền lương hưu ra để in những tập tài liệu ấy gửi đến từng tỉnh, từng huyện, từng cơ quan ban ngành, và cũng từ tiền túi, ông lại đi đến các tỉnh thân quen để thuyết phục họ làm tỉnh thí điểm kiểu mẫu.
Nhìn tập tài liệu dưới ngăn bàn, TS Thu Hồng cười: “Ông ấy giấu không nói lấy tiền ở đâu để in rồi để gửi hết đống tài liệu ấy nhưng tôi biết rõ. Tôi không phản đối mà chỉ thương ông ấy thôi, giờ không còn sức khỏe như trước đây nữa nên việc triển khai sẽ khó khăn hơn.
Tôi chỉ hy vọng, các tỉnh khi đọc tập tài liệu này thấy được cái hay, cái mới mà thực hiện.” - Nói rồi, bà xếp lại những tập tài liệu cho ngay ngắn… Đã bao năm qua, bà vẫn luôn ân cần bên cạnh chăm sóc ông, động viên ông và cùng ông cố gắng cho sự nghiệp khoa học của mình.
Đối với họ tình yêu không đơn giản chỉ là tình cảm nam nữ bình thường, không phải chỉ là sự cảm mến của 2 trái tim mà còn là tình yêu với nghề, là sự tôn trọng và chia sẻ với nhau mọi việc trong cuộc sống. Tôi vẫn nghĩ, đó mới là ý nghĩa thực sự của tình yêu!