Shubham Banerjee - “Thần đồng công nghệ với trái tim vàng”
Cậu bé Shubham, hiện 13 tuổi và đang học lớp 8, chia sẻ rằng ý tưởng về chiếc máy in Braigo hình thành khi em đọc được một tờ bướm gây quỹ giúp đỡ người mù của một tổ chức từ thiện. Lúc đó, nam sinh trường Champion ở San Jose (bang California) mới bắt đầu quan tâm đến cuộc sống khó khăn của người khiếm thị. Khi đem thắc mắc của mình đi hỏi cha rằng làm thế nào người khiếm thị đọc được chữ, cha của Shubham chỉ nói: "Hãy tra Google". Với sự cảm thông đặc biệt, Shubham bắt đầu tìm kiếm thông tin về hệ thống chữ nổi Braille và máy in Braille dành cho người khiếm thị trên mạng Internet. Và khi phát hiện những loại máy in chữ nổi trên thị trường có giá rất đắt, lên tới 2.000 USD, Shubham quyết định tìm cách làm cho nó rẻ hơn để hợp túi tiền người khiếm thị.
Sau khi tìm hiểu về nguyên tắc hoạt động, Shubham bắt tay chế tạo chiếc máy in chữ nổi mang tên Braigo với nguyên liệu từ bộ đồ chơi lắp ráp Lego kết hợp với một số linh kiện và phần mềm máy tính. Các tổ chức, hỗ trợ người khiếm thị ở Mỹ đánh giá rất cao tiềm năng máy in chữ Braille do cậu bé người gốc Ấn Độ sáng chế. Họ cho rằng chúng có thể giúp người mù tiếp cận tốt hơn với văn học và tin tức, cũng như nâng cao tỷ lệ đọc hiểu chữ Braille, vốn chỉ chiếm khoảng 8,5% trong số 60.000 trẻ em khiếm thị ở xứ cờ hoa – theo số liệu của Nhà in cho người Mù tại Mỹ. Cậu bé Shubham ngày càng trở thành tâm điểm của giới truyền thông. "Thần đồng công nghệ với trái tim vàng" là câu chuyện được chia sẻ khắp thế giới.
Với máy in Braigo, Shubham đã đi khắp đất nước để giới thiệu với mọi người về sản phẩm.Vào mùa hè vừa rồi, em nhận được lời mời tham dự Hội chợ các nhà sáng tạo trẻ được tổ chức tại Nhà Trắng. Đặc biệt, em còn nhận được giải thưởng danh dự 2014 về công nghệ của Bảo tàng công nghệ tân tiến, giải Thiếu niên sáng tạo 2014 của OPEN Silicon Valley đồng thời được vinh danh trong Tháng Di Sản Người Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương (APAHM). Ngoài ra, Shubham còn được mời tham dự một hội nghị công nghệ ở Ấn Độ và Hội nghị thượng đỉnh Intel Capital toàn cầu hôm 4/11 tại California, nơi em nhận được thông báo tài trợ của Intel.
Mặc dù thành công, nhưng Shubham cho biết em vẫn tiếp tục tìm tòi để nâng cấp máy in chữ nổi chi phí thấp này. Sản phẩm mới nhất của em là Braigo 2.0, không phải là máy in chữ Braille từ đồ chơi lego mà là một sản phẩm tiêu dùng thực thụ, trong đó sử dụng chip Edison mới nhất của Intel. Braigo Labs dự kiến bán sản phẩm với giá chỉ 350 USD. Không chỉ vậy, cậu bé vẫn đang nỗ lực để biến Braigo thành một dự án mã nguồn mở mà qua đó tất cả mọi người đều có thể tự tạo ra máy in Braigo cho riêng mình. Shubham hy vọng, phát minh của mình có thể truyền cảm hứng và giúp đỡ cho các quốc gia đang phát triển - nơi mà người dân khó có thể sở hữu một chiếc máy in chữ Braille với giá đắt đỏ.
Quyết định đầu tư của Quỹ đầu tư Intel Capital nói trên đã giúp Shubham trở thành doanh nhân công nghệ trẻ tuổi nhất nhận được tài trợ từ Tập đoàn công nghệ Intel, dù số tiền cụ thể vẫn chưa được tiết lộ. Thậm chí, nhiều báo còn nhận định cậu bé đã "soán ngôi" của doanh nhân người Anh Nick D’Aloisio (lớn hơn Shubham 2 tuổi), từng là doanh nhân công nghệ trẻ nhất thế giới được tài trợ khởi nghiệp với ứng dụng đọc tin tức hồi năm 2011. Công ty Summly của Nick sau đó đã được Yahoo mua lại với mức giá lên tới 30 triệu USD.
Khác với những doanh nhân trẻ tuổi thường bỏ dở con đường học vấn để lao vào kinh doanh, Shubham khẳng định em sẽ tiếp tục hoàn thành chương trình giáo dục ở trường và chỉ chuyên tâm nghiên cứu sau giờ học.