Sáng chế từ đầm tôm của 3 học trò
Sáng chế này của 3 học sinh Nguyễn Thanh Thương, Phạm Ngọc Bình và Thái Nhật Minh, đã nhận được giải thưởng đặc biệt của trường Đại học Cần Thơ và giải khuyến khích của Hội thi khoa học kỹ thuật toàn quốc 2014. Các em cũng vừa được UBND tỉnh Khánh Hòa khen thưởng.
Ông Nguyễn Tấn Tuyển 52 tuổi, ở phường Cam Phúc Bắc, TP Cam Ranh, đang áp dụng sáng chế đánh vôi tự động kể trên của nhóm học trò. Trước kia, khi chưa có hệ thống tự động này thì việc đánh vôi cho đầm tôm của ông rất cực.
"Bất kể đêm hay ngày, cứ thấy tôm nổi đầu lên là biết pH trong nước tụt, phải đánh vôi khử gốc axit cho nước trở về trung tính, oxy hòa tan dễ hơn. Đánh vôi xong lên bờ là mệt lả người, chưa kể vôi bám vào người gây ngứa ngáy rất khó chịu”, ông nói.
Giờ thì ông Tuyển và nhiều người nuôi tôm đã có thể vừa đánh vôi vừa uống trà, vì “chỉ cần đổ vôi vào bồn, cắm điện có khi chỉ 5 phút là đã đánh xong cả một bao vôi”, ông Tuyển nói.
Ý tưởng về sáng chế này bắt đầu từ Nguyễn Thanh Thương. Cô học trò cho biết, mỗi lần thấy cha mình cùng người dân trong vùng đánh vôi cho đìa nuôi tôm phải trực tiếp lội xuống đìa làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nên em nghĩ phải tìm ra cách đánh vôi tự động để bớt đi sức lao động con người. Thương đem ý tưởng của mình bàn với hai người bạn cùng lớp là Phạm Ngọc Bình giỏi về Lý và Thái Nhật Minh chuyên về Tin học, để thực hiện.
Nhóm bạn đã bàn với nhau thực hiện bằng mô hình. Minh phụ trách làm hệ thống guồng quay, Bình chuẩn bị mọi thứ về máy đo pH, Thương nghiên cứu về hệ thống ống nước. Lần đầu tiên khi lắp hệ thống cả nhóm gặp khó khăn vì lượng nước hút vào nhanh hơn lượng nước chảy ra, dẫn đến nước tràn qua bình chứa. Suy nghĩ, tìm cách và hỏi các thầy cô trong trường, ba bạn đã tìm ra được nhược điểm là do tiết diện của hai ống vào và ra bằng nhau. Sau khi thay ống dẫn nước vào chỉ to bằng một phần hai tiết diện ống nước ra thì nước bơm vào bình tạo được dòng xoáy đánh tan lượng vôi trong bình rồi chảy ra mà không bị tràn bình như lúc đầu.
Để có hệ thống guồng quay của mô hình giống như của hệ thống guồng quay đập nước thực tế ngoài đìa cả nhóm mất nhiều nghiên cứu, tìm tòi vật dụng, cải tiến cho phù hợp. Thương kể: “Mô-tơ các em mua được là loại dành cho hồ cá cảnh để trực tiếp dưới nước để hút nước. Còn mô-tơ của mô hình này phải đặt ở trên cao nên phải độ chế lại". Em về nhà mượn mô-tơ lớn của ba để tháo ra xem và so sánh hai cánh quạt, phát hiện cánh quạt của mô-tơ lớn có độ xoắn, cong nhiều hơn cánh quạt mô-tơ nhỏ. Thương uốn cánh quạt nhỏ cho cong lại và bỏ thêm một viên bi vào ống hút nước của mô-tơ để nước có thể vào bên trong mà không ra chảy ngược ra lại. "Vậy là máy bơm đặt trên cao mà vẫn hút được nước”, nhà sáng chế trẻ kết luận.
Hệ thống mô hình sáng chế được lắp đặt hoàn chỉnh, chỉ cần sử dụng một máy bơm hút nước từ dưới hồ lên, dẫn vào một bồn chứa và có một ống dẫn nước từ bình chứa ra. Trên thân ống dẫn nước ra ngoài có đục nhiều lổ thủng nhỏ và đặt ống chạy dọc theo trục của guồng quay tạo oxy trong hồ nuôi tôm. Khi bơm ra, nước có vôi và dung dịch đã hòa tan sẽ túa ra hồ qua các lổ thủng trên thân ống. Sau đó, nhờ sức đẩy của guồng quay tạo oxy sẽ trộn đều dung dịch vôi túa ra, làm hòa tan trong nước và lan khắp hồ nuôi tôm.
Nhật Minh chia sẻ: “Từ mô hình này, áp dụng vào thực tế những người nuôi thủy sản có thể tận dụng những thiết bị đã có sẵn tại các đìa như máy bơm nước, máy đập nước tạo oxy, mô-tơ, thùng phuy nhựa… rồi chỉ cần mua thêm hai ống nhựa có độ lớn gấp đôi nhau là sẽ lắp đặt được hệ thống đánh vôi tự động cho đìa nuôi tôm của mình". Minh nói rằng, vì vậy sẽ không mất nhiều chi phí và đó lợi ích đầu tiên của hệ thống đánh vôi mà các em sáng chế”.
Nhóm của Thương - Bình - Minh đã đưa mô hình sáng chế của mình ra làm thực nghiệm ba lần tại đìa nuôi của gia đình. Thương cho biết, công việc hòa tan 60 kg vôi bằng tay và lội xuống ao đánh ra cả hồ phải mất 30 phút cho mỗi lần. Còn nếu đánh vôi bằng hệ thống tự động của các em chỉ mất 18-25 phút là xong. Trong khi đó người đánh vôi không phải ngâm mình dưới nước và tốn công di chuyển vòng quanh ao để hòa tan lượng vôi. Cách đánh vôi tự động còn khắc phục được nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh cho các đìa nuôi thủy sản khi người nuôi phải ngâm mình từ đìa này sang đìa khác để hòa tan vôi.
Cả nhóm cũng đã nghiên cứu, thiết kế thêm hệ thống đo pH tự động để khi pH đạt giá trị mong muốn thì sẽ có chuông báo động reo lên, giúp người làm biết để điều chỉnh lượng vôi hợp lý.
Theo Minh, cả nhóm đã tính toán giá thành lắp đặt cả hệ thống đánh vôi tự động khi thiết kế mô hình của mình, chỉ tốn tổng cộng hơn 4,2 triệu đồng. Đó là đã tính luôn giá trị của máy bơm nước và mô-tơ vốn đều có sẵn tại các đìa nuôi thủy sản, nên ai cũng có thể ứng dụng được.