Sáng chế thành công Hợp bộ đa năng OLTC CM&TA: Chiếc máy nhỏ, hiệu quả lớn
Kỹ sư Nguyễn Văn Hải, Phó quản đốc Phân xưởng cao thế thuộc Cty Thí nghiệm điện miền Trung - Tổng Cty Điện lực miền Trung cho biết, sau một thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, anh cùng 3 kỹ sư khác của Phân xưởng cao thế đã chế tạo thành công Hợp bộ đa năng OLTC CM&TA. Đây là công cụ đắc lực phục vụ công tác chẩn đoán chuyên sâu tình trạng làm việc của các bộ điều áp dưới tải, qua đó nhanh chóng tìm ra các khiếm khuyết và bất thường trong quá trình nghiệm thu lắp mới hay công tác bảo dưỡng định kỳ.
Kỹ sư Hải nói rõ thêm, thí nghiệm điện là công tác cực kỳ quan trọng, gồm nhiều công đoạn với các thử nghiệm tỉ mỉ, công phu, tốn rất nhiều thời gian. Thậm chí để có kết quả chính xác, nhiều thử nghiệm phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Chính vì thế, thời gian thực hiện các hạng mục thử nghiệm này chiếm phần lớn tổng thời gian thí nghiệm trọn vẹn một MBA.
Bên cạnh việc tốn thời gian (đồng nghĩa với việc phải cắt điện) thì các trở ngại khác trong quá trình thí nghiệm cũng rất lớn. Cụ thể là khi thí nghiệm MBA mà trạm biến áp không có nguồn điện tự dùng (nguồn 3 pha) dẫn đến không có nguồn để cung cấp cho động cơ để thực hiện thí nghiệm. Khi đó, để thực hiện thí nghiệm buộc các kỹ sư phải thực hiện điều áp bằng tay hoặc phải thuê máy phát điện 3 pha nên không thể chủ động trong công tác thí nghiệm, lại tốn chi phí. Việc chuyển động cơ 3 pha sử dụng nguồn 1 pha trở nên nhu cầu cấp thiết.
Chưa hết, trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi nấc đối với các MBA tại hiện trường buộc phải có kỹ sư thường xuyên đứng tại tủ truyền động để thực hiện việc điều chỉnh và theo dõi vị trí nấc phân áp, vừa không hiệu quả vừa tốn nhân lực. Đặc biệt hơn, việc chụp sóng bộ điều áp là công đoạn tối quan trọng nhưng với các giải pháp công nghệ hiện tại cũng tốn rất nhiều thời gian mà kết quả lại không cao. Đấy là chưa kể thêm hàng loạt các phát sinh xấu rất dễ xảy ra trong quá trình chụp sóng bộ điều áp.
Theo kỹ sư Phạm Văn Phương, cộng sự của kỹ sư Nguyễn Văn Hải - những trở ngại nói trên là tình trạng chung của ngành thí nghiệm điện cả nước hiện nay. Thực tế đó đòi hỏi phải có một giải pháp để khắc phục tất cả các hạn chế trên, tối ưu hóa công tác thí nghiệm điện. Tức là phải có một sản phẩm để vừa giải quyết được việc cung cấp nguồn, điều chỉnh các nấc từ xa đồng thời có chức năng phối hợp với tất cả các thiết bị chụp sóng cho hiệu quả chính xác nhất.
Từ yêu cầu đó, nhóm kỹ sư của Phân xưởng cao thế đã dốc sức chế tạo thành công Hợp bộ đa năng trên. Kỹ sư Phương cho biết thêm, kể từ khi chế tạo thành công sản phẩm này, được đưa vào sử dụng tại các trạm biến áp cao thế trên lưới điện miền Trung đã phát huy hiệu quả rất tốt. Cụ thể nó đã phát hiện nhanh chóng các khiếm khuyết, hư hỏng trong công tác lắp đặt tại nhà sản xuất cũng như quá trình vận hành nên giảm thiểu được các sự cố có thể xảy ra trên MBA. Đáng nói hơn, trên thế giới chưa từng xuất hiện sản phẩm đa năng này, tức là nó hoàn toàn mới, làm từ Đà Nẵng, do chính các kỹ sư Việt Nam sáng tạo.
Có thể nói, với sản phẩm “made in Danang” trên đã mang tới hiệu quả kinh tế, xã hội rất lớn. Chỉ với trọng lượng khoảng 4kg, chiếc máy trên có thể giúp con người tối giản được nhiều công đoạn vừa gây ảnh hưởng sức khỏe, mất an toàn trong khi công tác thí nghiệm điện lại tốn kém nhiều nhân công, kinh phí mà hiệu quả không cao. Đây cũng chính là sản phẩm đã thể hiện tính sáng tạo rất tự hào của các kỹ sư Việt Nam.