Sáng chế của 3 chàng trai làng biển
Trong tiệm cơ khí nhỏ ở tổ 159, P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà), 3 chàng trai Lê Văn Hoàng (1986), Phan Thành Nhân (1986) và Nguyễn Văn Xuân (1984) đang tất bật lắp ráp những chi tiết cuối cùng cho chiếc máy thu dây câu để chuẩn bị giao cho khách hàng. Từ ngày chế tạo ra chiếc máy, Hoàng, Nhân và Xuân đã trở nên “nổi tiếng” ở làng biển Nại Hiên Đông, bởi cả ba chẳng được đào tạo hay học chuyên ngành về chế tạo máy. “Chỉ có Nhân và Xuân là được học lớp điện thôi, còn em làm nghề cơ khí cũng lâu rồi”, Hoàng cười hiền khi bắt đầu kể về quá trình chế tạo ra máy thu dây câu.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất gắn với nghề biển, không ít lần theo các tàu đi đánh cá, nên cả ba hiểu nỗi vất vả của ngư dân. Trong nhiều cách bắt cá ngoài biển thì việc kéo dây câu là công việc nặng nhọc, đòi hỏi nhiều sức lực, chỉ những ngư dân khỏe mạnh nhất mới đảm nhận công việc này. “Trước đây em cũng đi theo tàu câu cá, nên biết mỗi lần kéo rất khổ. Sau này, khi ba em mất ngoài biển thì em chuyển qua đi học cơ khí, lúc đó em đã nghĩ đến việc chế tạo một chiếc máy để kéo dây câu thay cho sức người”, Hoàng kể. Để thực hiện ý tưởng của mình, Hoàng cùng Nhân và Xuân đã góp kinh phí mua vật liệu, rồi tự mày mò nghiên cứu nguyên lý hoạt động, thiết kế kiểu dáng của máy thu câu. Tuy vậy, phải sau hai năm chuẩn bị chiếc máy đầu tiên mới được lắp ráp và đưa vào thử nghiệm. “Để có vật liệu, chúng em phải đặt mua ở TP Hồ Chí Minh, ngoài ra các chi tiết khác thì đến chợ trời trên đường Tăng Bạt Hổ, rồi sau đó mang về gia công, chế tạo lại cho phù hợp với máy. Chiếc máy đầu tiên chạy bằng động cơ điện, được chúng em lắp ráp từ tháng 3 năm nay nhưng phải đến tháng 6 mới hoàn thành. Nhưng lúc đưa vào chạy thử nghiệm thì trục trặc phải chỉnh sửa lại nhưng sau đó thì máy chạy tốt”.
Khi biết tin nhóm của Hoàng chế tạo được chiếc máy thu dây câu, ông Phạm Lên (P. Nại Hiên Đông) là người tiên phong đưa máy này sử dụng trên tàu cá của mình và nó mang lại hiệu quả rất lớn. Nhìn chiếc máy kéo dây câu phăng phăng trên tàu cá ông Lên, ngư dân Phạm Tích trú cùng phường cũng đã đặt mua một chiếc từ nhóm của Hoàng. Ông Tích cho biết, tàu câu mỗi ngày thường bủa hai lần, mỗi lần khoảng 5.000 đến 10.000 lưỡi câu nên chiều dài một dây câu có khi dài hơn 20 km. “Dây câu dài như thế nên mỗi lần thu câu mất rất nhiều công sức, phải mất 7 đến 9 tiếng đồng hồ mới thu xong, nhiều trường hợp khi kéo dây câu bị rơi xuống biển vì quá nặng. Vì thế tàu câu nào cũng cần nhiều lao động để thay phiên kéo câu, nếu không đủ người thì phải nằm nhà. Nhưng từ khi có máy này thì khỏe lắm. Thay vì cần 4 người để kéo thì bây giờ chỉ cần 1 người đứng điều khiển máy thu câu. Thời gian thu câu giảm còn một nửa vì thế mà ngư dân chúng tôi có thể tăng số lần kéo câu, thu được nhiều cá hơn”, ông Tích nhận xét.
Dù chế tạo thành công máy thu câu chạy bằng động cơ điện, nhưng nhóm của Hoàng vẫn chưa hài lòng. Nhân chia sẻ: “Động cơ điện có nhiều hạn chế, đòi hỏi tàu cá phải có công suất điện lớn, mà phần lớn tàu cá đi câu lại không có, vả lại công suất hoạt động không đều, thế là chúng em nghiên cứu, cải tiến để máy chạy bằng hệ thống thủy lực. Hệ thống này chạy ổn định hơn, chúng em chế \\\\\\\\\\\\\\\hùng đựng dầu riêng cho máy bằng sắt chống rỉ rét, có bộ lọc bên trong nhằm ngăn bọt dầu và cặn, ảnh hưởng tới chất lượng khi sử dụng máy, nếu sử dụng tốt thì máy này có thể hoạt động được trên 20 năm. Hiện đã có 3 chủ tàu ở Nại Hiên Đông và 1 chủ tàu ở P. Cẩm Thanh (TP Hội An, Quảng Nam) đặt mua và lắp máy trên tàu để đánh bắt. Chúng em chỉ mong sáng chế của mình giảm bớt sức lao động và nguy hiểm cho ngư dân”.
Nhân đang lắp ráp máy thu câu cho tàu ngư dân Phạm Tích. |
Dù mang lại hiệu quả nhưng chi phí để lắp ráp một chiếc máy này lại rất lớn, lên đến 35 triệu đồng, vì thế nhiều chủ tàu còn e ngại. Ông Bùi Sửu, Chủ tịch Hội Nông dân P. Nại Hiên Đông nói: “Đây là sáng chế rất có ích và thiết thực, mang lại nhiều lợi nhuận hơn, giảm sức lao động cho ngư dân. Nhưng vì số tiền đầu tư lớn nên chưa thể nhân rộng, chỉ mong Nhà nước cho vay ưu đãi để ngư dân có vốn đầu tư chiếc máy này”.
Từ nhu cầu cuộc sống, Hoàng, Nhân và Xuân đã chế tạo chiếc máy hữu ích cho ngư dân, nhưng để sáng chế đó đi vào cuộc sống, phát huy tối đa hiệu quả thì cần lắm sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của chính quyền