Niềm đam mê kết nối công nghệ
Hiện tại, Tiến sĩ Mai Anh giữ cương vị Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ CEO&CIO Việt Nam… công việc chuyên môn, quản lý bận rộn là thế nhưng căn nhà ấm áp trên phố Hàn Thuyên của ông luôn rộng mở trước bạn bè, đồng nghiệp. Ở cái tuổi sắp chạm ngưỡng thất thập, nhiều người vẫn ngỡ ngàng, cảm giác như vị thần tuổi tác đã vô tình hay cố ý “lãng quên” ông. Từ ngoại hình đến thần thái, biểu cảm, ông đều toát lên tinh thần làm việc trí óc không ngừng nghỉ, nguồn năng lượng cống hiến, hưởng thụ rất nhịp nhàng. Trong những ngày tháng 5 rộn ràng hoa nắng, câu chuyện đầu tiên Tiến sĩ Mai Anh ngỏ cùng chúng tôi không hề liên quan tới CNTT. Ngạc nhiên hơn, đó là câu chuyện về lịch sử…
Tiến sĩ Mai Anh cất tiếng khóc chào đời đúng vào tháng 10/1946 thì đến ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Quốc hội đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, hiệu triệu quốc dân đồng bào đứng lên bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Khi ấy, các barrier, hầm hào được dựng khắp phố phường nội ô Hà Nội, những đội cảm tử quân được thành lập, sẵn sàng dùng bom kích nổ nhằm thẳng kẻ thù tiêu diệt… cậu bé Mai Anh mới 2 tháng tuổi, bé nhỏ, yếu ớt sau ca mổ đẻ của người mẹ được đặt trong võng cùng gia đình tạm biệt Thủ đô lên chiến khu Thanh Ba - Phú Thọ. Hai cụ thân sinh ra Tiến sĩ Mai Anh đều là những nhà trí thức tiêu biểu tham gia cách mạng; cùng học một lớp và cùng tốt nghiệp tú tài Pháp tại trường Bưởi Hà Nội; Cụ ông học tiếp đại học, tốt nghiệp kỹ sư canh nông. Cho đến bây giờ, chiến tranh vẫn còn để lại nỗi ám ảnh trong tâm trí Tiến sĩ Mai Anh với tuổi thơ chạy loạn, hình ảnh người mẹ thông minh sắc sảo, dùng tiếng Pháp để đối thoại với kẻ thù bảo vệ con mình, hình ảnh nhân dân đói khổ khốn cùng… Những mảnh đất phía Tây Bắc của Tổ quốc đọng lại nhiều dấu ấn ân tình sâu nặng trong ông. Ông nhớ từng dãy núi đồi mây phủ, từng đêm pháo địch cắt xé bầu trời, từng dòng sông muôn đời âm thầm cuộn chảy…
Sau gần 8 năm đi kháng chiến cùng gia đình, năm 1954, ông trở về Hà Nội theo học trường Ngô Sỹ Liên, Trưng Vương… rồi vào Đại học Bách khoa; Những năm cuối đại học lại được chuyển sang lớp Cầu đường để phục vụ chiến tranh. Tốt nghiệp cuối năm 1968 ông về công tác tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được phân công sử dụng máy tính Minsk - 22, chiếc máy tính đầu tiên có mặt ở Việt Nam để giải các bài toán về kết cấu công trình. Từ 1971 ông được phân công vào nhóm đảm bảo giao thông thời chiến. Trong những năm tháng gian nan, oanh liệt ấy, người kỹ sư cầu đường không đi sơ tán cùng cơ quan mà kiên quyết bám trụ với Thủ đô, sau từng trận mưa bom bão đạn lại kịp thời tính toán trên Minsk 22 để đưa ra phương án sửa chữa công trình bị thiệt hại. “Vậy ông đã học về công nghệ thông tin vào thời điểm nào?”, đáp lại câu hỏi của chúng tôi, ông trầm ngâm tâm sự: “Có thể nói, hơn 40 năm qua là hơn 40 năm tôi… tự học, tự vận dụng, tự truyền đạt những kiến thức về lĩnh vực này. Thực ra không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước XHCN cho đến các năm đầu 70 chưa có khoa Tin học”.
Tiến sĩ Mai Anh có 4 năm tu nghiệp tại Viện Hàn lâm Khoa học CHLB Đức (từ 1974 - 1978). Về nước ông tiếp tục công tác tại Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (Cục Máy tính điện tử). Đến đầu những năm 80, ông đã cùng đồng nghiệp đưa các máy PC IBM đầu tiên về Việt Nam, hình thành ra 2 trung tâm máy tính PC đầu tiên tại: Bộ Tổng Tham mưu và Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.
Mỗi lần nhắc đến Hội Tin học Việt Nam, giới chuyên môn vẫn dành cho Tiến sĩ Mai Anh niềm trân trọng bởi ông là một trong những thành viên sáng lập đồng thời có 2 nhiệm kỳ giữ cương vị Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam. Ở cương vị ấy, ông luôn tạo được sự kết nối, liên hệ chặt chẽ và hiệu quả giữa các hội viên, đối tác nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các Bộ, ngành. Bên cạnh đó, ông còn tham gia tích cực vào các nhóm chuyên gia đóng góp ý kiến về chiến lược phát triển ngành hay nghiên cứu các vấn đề cấp thiết của ngành như : xây dựng Cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ KHKT toàn quốc trên dòng máy IBM 360/50 năm 1982, vấn đề chữ Việt trên PC từ những năm 1986 -1987, đến các vấn đề hiện nay làm sao có được một khung pháp lý công nhận giá trị pháp lý của Dữ liệu điện tử, hay các vấn đề về “thương mại điện tử”, “Chính phủ điện tử”, “Quốc hội điện tử”, v.v… Năm 2002 đánh dấu bước ngoặt với ông khi ông trúng cử Đại biểu Quốc hội và là Ủy viên ủy ban KHCN&MT Quốc hội khoá XI. Năm 2003 ông đã có sáng kiến pháp luật, được Ủy ban KHCN&MT ủng hộ trình Quốc hội bổ sung dự án luật Giao dịch Điện tử vào chương trình làm luật của Quốc hội nhiệm kỳ XI. Luật được thông qua năm 2005 cùng với các nghị định được ban hành trong các năm 2006, 2007, luật Giao dịch điện tử đã nhanh chóng đi vào đời sống trở thành khung pháp lý đầu tiên công nhận giá trị của giao dịch qua phương tiện điện tử, luật đã đẩy nhanh sự hình thành và phát triển Thương mại điện tử, Thanh toán điện tử - Ngân hàng điện tử, Kế toán, Hải quan, Thuế điện tử... tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội khoá XI đánh giá: Đây là đầu tiên từ năm 1946 một cơ quan của Quốc hội (UBKHCNMT) có sáng kiến pháp luật, trình, chủ trì soạn thảo luật được Quốc hội thông qua và ban hành.
Sẽ không quá lời khi gọi Tiến sĩ Mai Anh là người trí thức tâm huyết với tinh thần kết nối. Hơn 40 năm hoạt động trong ngành, ông luôn nhận được sự yêu mến, tín nhiệm. Ông luôn đề cao các sáng kiến, sáng lập, tham gia vận hành nhiều Hội, hiệp hội nhằm tạo sân chơi lành mạnh, tập hợp trí tuệ và hỗ trợ nghề nghiệp cho hội viên. Tiêu biểu là: Hội Tin học Việt Nam năm 1989, Hội Tin học Viễn thông Hà Nội năm 1999, Hội thể thao Điện tử Việt Nam năm 2009, Câu lạc bộ lãnh đạo Điều hành và Lãnh đạo CNTT (CEO&CIO Club) năm 2008. Đánh giá về CEO&CIO Club, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng từng phát biểu: “Ngành công nghệ thông tin Việt Nam những năm qua đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Thành quả này có được là nhờ có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành liên quan, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, đặc biệt còn có vai trò đóng góp rất lớn của các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó có CEO&CIO Club”.
Trở lại với câu chuyện cùng chúng tôi, Tiến sĩ Mai Anh tâm sự về niềm trăn trở của mình cho thế hệ tương lai: “Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, giới trẻ Việt Nam hôm nay nhiều người giỏi. Song đội ngũ này chưa đông đảo, nhiều thanh niên còn khó khăn trong định hướng cuộc sống. Tôi nghĩ, mọi công dân khi trưởng thành phải có nghề và phải giỏi nghề. Nghề gì dù bình thường nhất mà giỏi cũng quý. Đồng thời cần luôn phải trau dồi một tính cách tốt, có trách nhiệm với mình với xã hội, với ngành nghề cũng rất quan trọng. Nếu thế hệ trẻ nói chung và thế hệ trẻ CNTT Việt Nam nói riêng có nghề, giỏi nghề lại có lương tâm nghề nghiệp, coi đây như một văn hoá nghề nghiệp, văn hoá xã hội thì đất nước ta sẽ phát triển rất nhanh và bền vững”.