Một trí thức 'Ba Nhà'
Nhà giáo
Sau khi hoàn thành chương trình PTTH, ông sang học tập và tốt nghiệp khoa Ngữ Văn thuộc Trường đại học Tổng hợp Budapest - Cộng hòa Hungari (Tốt nghiệp năm 1978). Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Trương Đăng Dung trở về nước và làm việc tại Viện Văn học. Trong quá trình làm việc và nghiên cứu, ông tự nhận thấy phải tiếp tục học tập, nâng cao trình độ hơn nữa mới có thể phục vụ tốt nhất những yêu cầu cấp thiết của việc đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực khoa học nghiên cứu văn học. Phải tích cực góp phần đưa khoa học dần tiến kịp với thế giới… Trương Đăng Dung trở lại Hungari làm nghiên cứu sinh rồi bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1984. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, ông có đủ cơ hội và khả năng để cống hiến nhiều hơn cho khoa học. Năm 1996, ông được phong tặng học vị phó Giáo sư. Những nỗ lực của ông được thể hiện bằng các trọng trách quan trọng tại Viện Văn học.
Với mong muốn truyền đạt những kiến thức học được từ phương Tây, đặc biệt là những kết quả mà mình nghiên cứu bằng tất cả tâm huyết cho thế hệ trẻ, Trương Đăng Dung tích cực tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo sau đại học, các trường đại học, Viện Văn học và các Viện nghiên cứu trong cả nước. Đối với ông, đến với học viên luôn là một niềm hạnh phúc, ông tâm sự: “ Hạnh phúc vì nhìn thấy các em học tập và nghiên cứu, thầy như trẻ lại, như được trở về với những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường ở Hungari. Hạnh phúc hơn nữa là thầy được truyền đạt những kiến thức đã tích luỹ được từ phương Tây và cả những kiến thức mà thầy đã dành nhiều công sức để nghiên cứu. Thầy luôn tin ở các em – những người có đủ khả năng làm cho nền khoa học văn học nước nhà phát triển kịp với thế giới”.
Học viên tiếp thu được từ ông nhiều bài học bổ ích ngay trong đời sống hằng ngày. Ông nói: “ Trong cuộc sống phải rất nghiêm túc. Nghiêm túc với chính bản thân mình: lao động nghiêm túc, học tập nghiêm túc, sinh hoạt nghiêm túc… nhất là trong nghiên cứu khoa học lại càng phải nghiêm túc gấp trăm lần mới hy vọng đạt được những kết quả như mong muốn”. Quả đúng như thế, ở ông toát lên phong thái của một nhà giáo, nhà khoa học mẫu mực. Từ lời nói, tác phong làm việc đến nếp sinh hoạt ăn, nghỉ… ông luôn đúng giờ, sạch sẽ, ngăn nắp và đã nói là làm. Trương Đăng Dung là một tấm gương đáng kính, xứng đáng để học tập cả về phong cách sống và tác phong làm việc, nghiên cứu khoa học.
Nhà khoa học
Sự mẫu mực trong đạo đức, cách sống có nguyên tắc là nền tảng cho những thành công trên con đường nghiên cứu khoa học của Trương Đăng Dung. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, các công trình khoa học của ông lần lượt được công bố: “Các vấn đề của khoa học văn học” (chủ biên, 1990), “Văn học và hiện thực” (viết chung, 1990), “Từ văn bản đến tác phẩm văn học” (1998), “ Tác phẩm văn học như là quá trình” (2004). Với mong muốn nền văn học Việt Nam được phổ biến đến bạn đọc trên toàn thế giới, ông đã nỗ lực dịch “ Truyện Kiều” sang tiếng Hungari (1984) và ngược lại dịch các tác phẩm: “Đứa trẻ mồ côi” của Moricz Zigmond (1987), “Lâu đài” của F.Kafka (1998), “Thằng điên và quỷ sứ” của Sarkadi Imre (2000), những công trình mỹ học lớn của Lukats như: “ Đặc trưng mỹ học”, “ Nghệ thuật và chân lý khách quan”, các công trình lý luận và mỹ học của Roman Ingardon, H. Robert Jauss… sang tiếng Việt.
Các công trình khoa học của ông được các nhà nghiên cứu, phê bình văn học có uy tín đánh giá cao về mọi mặt. “C ách làm khoa học của Trương Đăng Dung rất bài bản và dễ hiểu. Những ai không tường tận cách làm này sẽ thấy sốt ruột, còn Trương Đăng Dung thì không. Anh cứ lẳng lặng một mình một ngựa “ Thét roi cầu Vị ào ào gió thu”. Trương Đăng Dung là người có ý thức về công việc của mình và thực trạng nghiên cứu lý luận ở Việt Nam” - GS. TS. Nguyễn Đăng Điệp. Với các công trình: “Từ văn bản đến tác phẩm văn học” (1998), “ Tác phẩm văn học như là quá trình” (2004)… Trương Đăng Dung đã thực sự khai mở cho khoa học văn học Việt Nam nguồn ánh sáng lý luận mới về văn bản và tác phẩm văn học.
Bằng công trình nghiên cứu “ Tác phẩm văn học”, những ý tưởng học thuật về phương thức tồn tại của tác phẩm văn học đã được khai triển, đào sâu và làm phong phú thêm. Trên cơ sở những phát hiện mang tính bản lề trong khoa học nghiên cứu văn học thì những gì nhà văn viết ra chưa thể gọi là tác phẩm văn học. Có chăng đó chỉ đơn giản là văn bản văn học mà thôi! Nếu xem những gì mà nhà văn viết ra bằng sự kết hợp giữa hai yếu tố thực tại tự nhiên, xã hội và tâm hồn, trí tuệ, sự rung cảm của nhà văn là văn bản văn học thì cái văn bản văn học ấy chỉ trở thành tác phẩm văn học khi và chỉ khi có hoạt động cụ thể hoá của người đọc. Văn bản văn học muốn trở thành tác phẩm văn học trước hết nó phải có một đời sống riêng, đời sống ấy chỉ thực sự bắt đầu khi có sự cụ thể hóa của người đọc.
Chuyên luận “ Tác phẩm văn học như là quá trình”(2004) đã khẳng định những đóng góp quan trọng của ông vào lĩnh vực nghiên cứu phương thức tồn tại của tác phẩm văn học trên cơ sở lý thuyết tiếp nhận. Giáo sư Trần Đình Sử đánh giá: Đây là một chuyên luận xuất sắc của Trương Đăng Dung. Ông đã xác lập được hệ thống của riêng mình. Không ít những luận điểm khoa học của Trương Đăng Dung đã đi vào đời sống và được nhiều người vận dụng. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao hướng tìm tòi mới mẻ và hiện đại của ông. “ Trong các công trình khoa học, Trương Đăng Dung là người hay nói đến sự vận động, và bất cứ sự vận động nào cũng là một quá trình. Nếu hiểu như thế thì các ý tưởng khoa học của Trương Đăng Dung cũng chính là quá trình khiêu khích các giới hạn để vươn đến những giới hạn khác. Mà ý thức vượt lên các giới hạn thì vẫn còn nguyên vẹn trong nhiệt huyết khoa học của Trương Đăng Dung” (GS. TS. Nguyễn Đăng Điệp).
Nhà thơ
Bạn đọc không chỉ biết đến Trương Đăng Dung với tư cách là “ một trong những nhà khoa học uy tín nhất” (TS. Mai Bá Ấn) mà còn biết đến một Trương Đăng Dung - Nhà thơ. Từ lâu, độc giả đã được thưởng thức những vần thơ với những cách tân, hiện đại và đặc biệt ấn tượng cả về nội dung lẫn hình thức trên Tạp chí Sông Hương và các tạp chí khác. Năm 2011, tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành thì độc giả thật sự ngỡ ngàng và hoàn toàn choáng ngợp. Ngỡ ngàng không phải vì lần đầu tiên được đọc những vần thơ độc đáo của nhà lý luận này mà vì nó mang đến nhiều khoái cảm thẩm mỹ sâu sắc. Người đọc còn thực sự choáng ngợp bởi: thời gian thơ có sức ám ảnh lạ thường, không gian thơ lạ hóa - mơ hồ…
Nhận xét về thơ Trương Đăng Dung, Hoàng Thụy Anh viết: “ Thơ ông chứa một thế giới phi lý, nghiệt ngã, bất an… Thế giới ấy được giải phẫu bằng tư duy của một nhà thơ mang tâm thức hậu hiện đại. Kiến tạo hình ảnh lạ, ít có sự tương đồng là đặc điểm chung của các nhà thơ theo tinh thần hậu hiện đại. Trương Đăng Dung cũng dấn thân vào con đường thơ hậu hiện đại bằng những chuỗi hình ảnh lạ”.
Với những nỗ lực cách tân trong sáng tạo nghệ thuật, ngay sau khi tập thơ ra đời đã được độc giả cả nước nhiệt tình đón nhận. Ngay trong năm đó, tác phẩm được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội - thơ năm 2011. Bằng những đóng góp lớn lao trong khoa học, những cống hiến cho nghệ thuật và giáo dục, Trương Đăng Dung xứng đáng là “ một trong những nhà khoa học uy tín nhất”, một trí thức đáng kính trên nhiều lĩnh vực.