Là thầy thuốc Y đức và giỏi nghề cả hai đều phải có
…Chờ đợi mãi rồi tôi cũng gặp được GS.TS Trương Việt Bình ngay tại phòng làm việc của ông ở Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam. Có thể nói ông có quá ít thời gian để tôi có thể trò chuyện với Giáo sư về chuyện nghề, chuyện đời; chỉ đơn thuần là sự thăm hỏi, là trao đổi một vài việc liên quan…Nhưng, mới vậy thôi cũng đủ cho tôi một cảm nhận ban đầu về một nhà khoa học, một nhà giáo nặng lòng với nghề, với cuộc sống cộng đồng vốn ắp đầy những gian khó, lo toan.
Sinh ra và lớn lên ở Núi Nưa - huyện Triệu Sơn - Thanh Hóa, cuộc sống thuở thiếu thời của Giáo sư Trương Việt Bình cho dù được gia đình lo cho học hành đến nơi đến chốn, nhưng những vất vả ở làng quê thời đất nước có chiến tranh vẫn đeo bám hàng ngày, để khi lớn lên một chút, khát vọng được cống hiến, được góp sức mình cho quê hương, đất nước phát triển luôn cháy bỏng trong suy nghĩ của ông. Muốn vậy, phải có kiến thức. Ông không chỉ chăm học mà còn học giỏi, thi đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội năm 1972 trong niềm vui chung của gia đình, bè bạn.
Nhưng - cuộc đời luôn có những chữ “nhưng” - Đất nước chưa hết chiến tranh, thanh niên phải gánh vác trọng trách lớn lao. Ông tình nguyện lên đường nhập ngũ khi đang học dở Đại học Y, đó là vào đầu năm 1975. Năm 1978 hoàn thành nghĩa vụ của người lính, chàng thanh niên Trương Việt Bình trở về trường tiếp tục học tập, rồi sau đó trở thành bác sĩ nội trú bệnh viện, thực hành ở Bệnh viện Đông y Trung ương 4 năm trời. Học xong, ông được điều về Bệnh viện Việt - Xô; sau đó được cử đi làm nghiên cứu sinh, rồi lại được điều về Đại học Y Hà Nội...
Năm 1999, Giáo sư Trương Việt Bình đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng Trường Trung cấp y học cổ truyền Tuệ Tĩnh 1 Bộ Y tế (tiền thân của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam ngày nay). Đi từ không đến có, ông phải thuyết phục tới 5 bộ ngành đồng thuận, hơn nữa phải có bệnh viện thực hành, hệ thống đào tạo, viện nghiên cứu chuyên sâu, hệ thống chuyển giao công nghệ… mà lúc đó cả trường chỉ có 30 giảng viên. Cuối cùng, ông đã hoàn thành được tâm nguyện của mình. Đến nay, nhờ những nỗ lực rất lớn của ông và sự chung sức chung lòng của tập thể, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã phát triển lớn mạnh với hơn 500 cán bộ, nhân viên; đào tạo đa hệ, từ Trung cấp tới Đại học, Cao học…Học viện đã đào tạo được trên 800 bác sĩ y học cổ truyền, 1.080 y sỹ, dược sỹ và Cao đẳng điều dưỡng, 40 Thạc sĩ, 120 Bác sỹ chuyên khoa 1 và chuyên khoa 2, và Hội đồng chức danh Giáo sư cơ sở của Học viện đã xét được 11 phó giáo sư…
Thời gian đã minh chứng cho những cống hiến to lớn của Giáo sư Trương Việt Bình cho nền Y dược học dân tộc. Ông không chỉ thành công trong công tác đào tạo, hợp tác quốc tế, đưa một nhà trường trung cấp bé nhỏ thành một Học viện uy tín; ông còn có nhiều dự án, ý tưởng lớn để nâng tầm cây thuốc Việt Nam, phát huy được bàn tay chữa bệnh tài hoa của người Việt Nam , mang niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người. Sự phát triển của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam hôm nay thật sự mang đến niềm tin, niềm hy vọng và cả sự khâm phục của nhân dân trong việc phát huy vốn quý của dân tộc để chữa bệnh cứu người.
Kết hợp giảng dạy, học tập với nghiên cứu, từ năm 2006, Học viện thành lập Viện Nghiên cứu Y Dược cổ truyền Tuệ Tĩnh với 06 labo, 04 phòng nghiên cứu hiện đại, một trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GAP, GACP. Bên cạnh đó, Học viện đã mở rộng liên kết đào tạo bác sĩ trung y theo chương trình tiên tiến của Trung Quốc với hình thức du học tại chỗ, hiện có 474 lưu học sinh; liên kết đào tạo thạc sĩ điều dưỡng với Trường USF - California, Hoa Kỳ; liên kết nghiên cứu khoa học với Trường đại học Trung y dược Quảng Châu, Ðại học Trung y dược Thành Ðô (Trung Quốc); hợp tác nghiên cứu khoa học và điều trị bằng YHCT với U-crai-na, Liên bang Nga, Tây Ban Nha, Ðài Loan (Trung Quốc), Thái-Lan, Ô-xtrây-li-a, Ấn Ðộ…
Hàng năm Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam tuyển sinh 1.000 sinh viên đại học YHCT và dược sĩ đại học YHCT. Tổng số sinh viên hiện đang theo học là 5.000 cùng với hơn 100 học sau đại học; Mỗi năm Học viện đào tạo 10 tiến sĩ YHCT, 40 thạc sĩ YHCT đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc YHCT, vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Đặc biệt, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam luôn chủ trương thực hiện “tiết kiệm, chống lãng phí”. Ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh mỗi năm cũng thu viện phí khoảng hơn 20 tỷ đồng, nhưng viện phí chỉ thu bằng 40 - 50% các bệnh viện khác vì luôn tiết giảm tối đa các loại thuốc và xét nghiệm không cần thiết. Cách làm này vừa giúp người bệnh giảm chi phí, vừa là giúp học viên hình thành cách làm việc khoa học, không vụ lợi, để sau này ra hành nghề tránh việc lạm dụng thuốc, các xét nghiệm, các phương pháp thăm dò chức năng. Ðể duy trì được hoạt động của bệnh viện, học viện chủ trương không làm dịch vụ để thu tiền của bệnh nhân mà tăng cường các hệ đào tạo quốc tế để có nguồn thu, tăng thu nhập cho đội ngũ khám chữa, chăm sóc bệnh nhân.
Bệnh viện Tuệ Tĩnh của Học viện do ông trực tiếp kiêm Giám đốc có 250 giường; hàng năm công suất đều đạt 150-160% chỉ tiêu, nhưng viện phí chỉ thu từ 11-13 tỷ đồng mỗi năm, cũng bởi ông luôn muốn bệnh nhân đỡ khó khăn. Nhiều năm liền bệnh viện liên tục đạt danh hiệu xuất sắc toàn diện.
Học đi đôi với hành, giảng dạy đi cùng với nghiên cứu và mở rộng liên kết đào tạo, nghiên cứu quốc tế đã giúp cho Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam có được đội ngũ cán bộ giảng dạy chất lượng cao với 541 cán bộ cơ hữu bao gồm: 01 giáo sư, 11 phó giáo sư, 33 tiến sĩ, 125 thạc sĩ, 248 đại học và 54 giảng viên kiêm nhiệm có trình độ GS, PGS, TS, Ths, CKII, và quan trọng nhất là đào tạo ra những bác sĩ có “Tâm - Tài - Đức” cho ngành y học cổ truyền nói riêng và y học nước nhà nói chung…
Kể về sự lớn mạnh của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, không thể không nhắc tới vai trò và tâm sức của GS.TS Trương Việt Bình. Ông làm việc không kể thời gian, công sức để cốt sao Học viện ngày một phát triển, bệnh nhân được chữa trị ngày một tốt hơn, nền y dược học cổ truyền ngày một phát huy được nhiều hơn giá trị quý báu phục vụ con người. Ở GS.TS Trương Việt Bình, lòng nhân hậu, sự cảm thông chia sẻ với người bệnh luôn gắn liền với nỗ lực học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Ông tâm sự: “ Y đức là điều đầu tiên phải có ở người thầy thuốc. Nhưng quan trọng nữa là người thầy thuốc phải giỏi nghề để cứu chữa người bệnh…Đào tạo thầy thuốc là phải tạo ra sản phẩm hoàn hảo, vừa có tài, vừa phải có tâm, như thế mới trị được bệnh, cứu được người”.Trò chuyện một chút với ông thôi, tôi cũng đã cảm nhận được phần nào cái Tâm lớn ấy của người thầy thuốc, của Giáo sư Trương Việt Bình. Lòng thương người thể hiện ngay trong công việc hàng ngày, trong những chủ trương, quy định của Học viện mà ông là người chỉ đạo trực tiếp. Theo ông, “ Giảng đạo lý bao nhiêu cũng không thấm bằng một lần được tận mắt chứng kiến sự khổ ải của bệnh nhân. Những hình ảnh ấy làm cho tình yêu con người trỗi dậy và là hành trang về giá trị nhân bản của người thầy thuốc trong suốt cuộc đời mình”.
Cũng từ cái Tâm ấy, hằng năm, Học viện đều tổ chức đưa cán bộ giảng dạy cùng học viên đi tới vùng sâu, vùng cao còn nhiều khó khăn để khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào, nhất là những người nghèo ở Thanh Hóa, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Cạn, Hòa Bình... Chăm sóc người cao tuổi, cựu chiến binh, học sinh phổ thông ở địa phương. Khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí với chi phí hàng trăm triệu đồng cho 10 xã với hàng nghìn người ở vùng bị bão lụt thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh, đào tạo miễn phí kĩ thuật viên xoa bóp bấm huyệt cho hơn 1.000 người khiếm thị trong cả nước. Mới đây nhất , nhân kỉ niệm 59 năm ngày thầy thuốc Việt Nam, Học viện đã tổ chức lễ ra quân khám, chữa bệnh tình nguyện của học viện năm 2014, đưa gần 1.000 thầy thuốc gồm Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh và sinh viên năm cuối của Học viện lên đường tới 80 xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc của 4 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong thời gian 1 tháng (từ 25/2/2014 đến 24/3/2014)... Đó là những nghĩa cử quý báu của Tập thể cán bộ, y bác sĩ và sinh viên Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đối với cộng đồng mà trong một vài trang viết không thể kể đầy đủ được.
Đối với GS.TS Trương Việt Bình, chỉ có làm tốt nhiệm vụ, phục vụ tốt người bệnh và mang được nụ cười, niềm vui đến với cộng đồng, mới làm cho ông thanh thản và hạnh phúc. Đó là những tấm Huân chương cao quý nhất mà ông có được .