KỶ NIỆM 101 NĂM NGÀY SINH GIÁO SƯ, VIỆN SĨ TRẦN ĐẠI NGHĨA (13/9/1913 - 13/9/2014) Trần Đại Nghĩa- gương sáng đất học Vĩnh Long
Đặc biệt Vĩnh Long còn là quê hương của cố Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa- một trong những nhà khoa học xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX.
Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, quê ở xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thuở nhỏ cũng như bao đứa trẻ khác, Lễ cũng ham chơi, tinh nghịch và thường hay trốn học, nhưng đã sớm bộc lộ tư chất thông minh.
Năm 1926, Lễ tốt nghiệp tiểu học hạng ưu, rồi tiếp tục thi đậu hạng ưu vào Trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho (Collège de My Tho). Trong suốt 4 năm học ở đây, Lễ đều đạt học sinh xuất sắc, đặc biệt luôn đứng đầu về Toán và các môn khoa học tự nhiên.
Năm 1930, Lễ thi đỗ vào Trường Trung học đệ nhị cấp Petrus Ký- đây là trường trung học nổi tiếng ở Sài Gòn và cả vùng Nam Kỳ thời đó. Ở đây, Lễ nhận được học bổng toàn khóa và sớm thể hiện tư chất thông minh, hiếu học, được bạn bè thầy cô nể phục.
Theo lời kể của bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng học cùng lớp với Lễ: “Lễ rất nghèo, có thể nói là nghèo nhất trường, tốt bụng, luôn luôn giúp đỡ bạn bè, nhưng học rất giỏi. Có lần thầy đang giải bài toán thì bí. Lễ lên bảng giải tiếp, giải bằng nhiều cách khác nhau. Thầy rất cảm phục, Lễ trở nên nổi tiếng khắp vùng”.
Qua quá trình học tập và tận mắt chứng kiến đời sống tủi nhục của người dân mất nước, Phạm Quang Lễ nhận thấy rằng nhân dân ta một lòng nồng nàn yêu nước, các chiến sĩ ta đều rất gan dạ, dũng cảm nhưng tất cả các cuộc đấu tranh của ta đều bị giặc Pháp dìm trong biển máu, nguyên nhân một phần là vì thiếu vũ khí hiện đại. Từ đó Phạm Quang Lễ hạ quyết tâm phải nghiên cứu và chế tạo vũ khí để giúp nước.
Tuy nhiên muốn thực hiện được hoài bão đó, trước hết phải học thật giỏi, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên, vì vậy khi đỗ đầu cả 2 kỳ thi tú tài ta và tú tài Tây, Lễ quyết định chờ thời cơ du học.
Vì theo Lễ, để chế tạo vũ khí hiện đại phải đến tận thủ đô của các nước Châu Âu, nhất là Pháp, Đức… Và cơ hội đã đến, Lễ được nhà báo Vương Quang Ngươu- một Việt kiều yêu nước- giúp đỡ một năm học bổng sang Pháp.
Mong muốn lớn nhất của Phạm Quang Lễ là học về kỹ thuật chế tạo vũ khí nhưng đây là lĩnh vực bị tuyệt đối cấm nên ông phải tự mày mò, nghiên cứu một mình, vì nếu để lộ ra sẽ bị trục xuất ngay, thậm chí bị bỏ tù.
Ông nhận thấy muốn chế tạo được vũ khí đòi hỏi phải có kiến thức tổng hợp của rất nhiều chuyên ngành, vì vậy sau khi thi đậu vào trường Đại học Cầu đường Paris, để rút ngắn thời gian học tập, Phạm Quang Lễ đã đăng ký học cùng lúc nhiều trường có liên quan như: Đại học Socbonne, Đại học Điện, Đại học Mỏ, Học viện Hàng không và Đại học Bách khoa.
Do phải học cùng lúc ở nhiều trường khác nhau nên hàng ngày Lễ phải học từ 14 đến 16 giờ, vừa đọc sách vừa nấu ăn, vừa tranh thủ sưởi ấm. Hơn 10 năm sống nơi đất Pháp nhưng Lễ chỉ biết có học và học.
Những bạn bè du học cùng thời với anh như: bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Khắc Viện kể lại: “Suốt nhiều năm bên Pháp, anh Lễ không biết đến rượu bia, không tập nhảy đầm, ít đi chơi giải trí. May ra trong các dịp nghỉ hè mới rủ được anh thuê xe về miền Nam nước Pháp thăm các vùng trồng nho”.
Với quyết tâm và sự nỗ lực cao nhất của bản thân, Lễ đã hoàn thành chương trình và tốt nghiệp ở tất cả những ngành mà mình theo học. Ngoài ra, ông còn bí mật nghiên cứu các tài liệu về vũ khí ở các thư viện công cộng của nước Pháp.
Có những tài liệu không thể tìm thấy ở các thư viện, Lễ nghĩ ngay đến tủ sách của các giáo sư và tìm mọi cách để khai thác nó. Với cách làm này, ông đã thu thập được hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí và thuốc nổ, phần lớn là tài liệu mật.
Ngoài ra, Phạm Quang Lễ còn quyết tâm học tiếng Đức để nghiên cứu những tài liệu về vũ khí của quốc gia này. Và chỉ trong 2 tháng hè, ông đã có đủ vốn ngoại ngữ cần thiết, để có thể đọc và dịch những tài liệu có liên quan đến vũ khí.
Tuy nhiên học thì phải gắn với hành và cơ hội thực hành chỉ có thể trải nghiệm trong các nhà máy xí nghiệp của các nước Châu Âu.
Làm việc ở những nơi này, Phạm Quang Lễ có thể công khai tìm hiểu các tài liệu về bom, mìn, các loại súng pháo, súng bộ binh, được trao đổi với đồng nghiệp những gì còn vướng mắc những điều mà khi còn là sinh viên anh không thể nào làm được.
Ngoài ra, Lễ còn cố gắng ghi chép tất cả những kinh nghiệm thực tiễn, nhất là những sự cố trong lắp ráp vận hành.
Để tích lũy thật nhiều kinh nghiệm, cứ nửa năm anh lại thay đổi nơi làm việc một lần, ở những công ty này Lễ được trả lương rất hậu mỗi tháng 5.500 Phrăng (tương đương với 22 lạng vàng). Sau này có người hỏi: “Tại sao khi ở Pháp lương 22 lạng vàng mà ông vẫn về nước chấp nhận thiếu thốn, gian khổ?” và nhận được câu trả lời:“Sinh mệnh Tổ quốc là vô giá, tôi không thể nhận 22 lạng vàng để trả giá”.
Bước ngoặt cuộc đời khi Phạm Quang Lễ gặp Bác Hồ, được Bác cho theo về nước và giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới, trực tiếp lo vũ khí cho bộ đội đánh giặc. Kỹ sư Lễ còn vinh dự được Bác Hồ đặt cho tên mới Trần Đại Nghĩa- cái tên nhắc nhở ông nhớ đến nhiệm vụ với dân, với nước.
Thử thách đầu tiên đối với kỹ sư Nghĩa là chế tạo súng chống tăng Bazoca theo mẫu sẵn có của Mỹ, trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, nhất là những cán bộ kỹ thuật. Sau nhiều tháng tìm tòi nghiên cứu và 2 lần thử nghiệm, việc chế tạo Bazoca đã thành công, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 và nhiều chiến dịch quan trọng khác.
Chiến tranh ngày càng khốc liệt, địch đã có nhiều phương án phòng bị để khống chế Bazoca của ta. Lúc này, Trần Đại Nghĩa nghĩ ngay đến loại súng không giật SKZ của Mỹ.
Đây là một ý tưởng hết sức táo bạo, vì ông không hề có bất kỳ tài liệu hay mẫu SKZ nào. Sau gần 2 năm mày mò, SKZ của Việt Nam đã xuất hiện lần đầu tiên trong trận phố Lu, đánh tan tành lô cốt địch.
Tên tuổi của Trần Đại Nghĩa còn gắn với nhiều sáng chế và cải tiến vũ khí khác như bom bay, tên lửa SAM 2… góp phần quan trọng vào thắng lợi của toàn dân tộc ViệtNam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Sinh thời, luận về tài và đức, Bác Hồ từng dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, bằng cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình đã thể hiện trọn vẹn cả 2 điều ấy. Ông không chỉ tô đẹp thêm truyền thống hiếu học của quê hương Vĩnh Long mà còn góp phần nâng truyền thống ấy lên một tầm cao mới.
Ông là hình mẫu tiêu biểu cho lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh sống có ước mơ, hoài bão, đem hết tài năng, trí tuệ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ông mãi là hình tượng cao đẹp cho lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, noi theo và ngợi ca về một nhà khoa học đức độ, tài năng Trần Đại Nghĩa.
Đó cũng chính là những gì ông muốn nhắn nhủ đối với thế hệ trẻ “Tuổi trẻ phải có hoài bão lớn, hãy cố gắng giữ gìn và phát huy nó. Đó là mong mỏi của cả đời tôi”.