Khơi nguồn sáng tạo trẻ góp phần xây dựng quê hương
1. T hủ lĩnh trong phong trào sáng tạo trẻ
Nhắc đến Nguyễn Trọng Thủy, không bạn học sinh nào trường THCS Bình An Thịnh, huyện Lộc Hà là không biết. Được bạn bè, thầy cô yêu quý, khâm phục với những thành tích xuất sắc em đạt được trong các cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng ở huyện, tỉnh, quốc gia và quốc tế, nhưng trong cuộc sống đời thường em luôn thân thiện và dễ gần với mọi người. Năm 2012, em đạt giải nhì cuộc thi sáng tạo toàn quốc, và đạt huy chương vàng tại triển lãm khoa học giành cho các nhà sáng tạo trẻ quốc tế AYIE tại Malaysia với đề tài giải pháp “FAN LED”. Năm 2013, Thủy tiếp tục đạt giải nhất quốc gia và huy chương bạc cũng tại cuộc triển lãm này với đề tài giải pháp “rô bốt tránh vật cản”.
Tại cuộc thi sáng tạo toàn tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 5 (2013-2014), em đăng ký tham dự hai giải pháp thuộc lĩnh vực tin học, trong đó giả pháp “Rôboot thám hiểm điều khiển qua internet” được Ban giám khảo đánh giá cao. Tính mới của rôbot là sử dụng mạch điều khiển trung tâm Raspberry Pi Model B Rev 2,nên nó có thể điều khiển một cách linh hoạt trên máy tính thông qua wifi. Qua camera được gắn trên rôboot chúng ta có thể quan sát được các hình ảnh trên đường nó đi qua. Chúng ta có thể sử dụng robot vào việc thám hiểm các hang động nhỏ, những nơi nguy hiểm con người không tới được.
2. Giúp nhà nông bằng “mái che di động”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông của huyện Cẩm Xuyên, nên ngoài việc học hành, Lê Ngọc Khang (THPT Hà Huy Tập, huyện Cẩm Xuyên) đã sớm biết phụ giúp bố mẹ công việc hàng ngày. Vào những ngày mùa, bố mẹ bận rộn với việc thu hoạch ngoài đồng ruộng, em thường phụ trách việc ở nhà phơi nông sản. Em nhận thấy mái che của gia đình ngày thường có tác dụng giúp che nắng che mưa, nhưng vào mùa thu hoạch, diện tích mái che lại chiếm mất diện tích phơi nông sản, làm cho việc phơi nông sản gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, vào mùa mưa bão, để bảo vệ mái che, gia đình em phải chằng chống rất vất vả. Bằng những kiến thức đã học, và niềm say mê khoa học, Khang đã thiết kế và hoàn thiện giải pháp “mái che di động”, với mong muốn ý tưởng sẽ giúp cho công việc mùa màng của bố mẹ em và người nông dân đỡ vất vả hơn.
EmLê Ngọc Khang - THPT Hà Huy Tập, huyện Cẩm Xuyên
Mái che hoạt động theo nguyên lý đóng mở mạch bằng sóng thông qua một bộ điều khiển trung tâm theo hai cách là sử dụng điều khiển cầm tay và gọi điện thoại. Khi nhận tín hiệu, bộ điều khiển trung tâm sẽ cấp nguồn khởi động cho các motor để đóng hoặc mở mái che theo ý của người sử dụng. Mái che sẽ giúp che mưa nắng đồng thời vào mùa thu hoạch có thể thu lại để dành diện tích cho việc phơi khô nông sản. Khi mưa người dân có thể mở mái che ra để che mà không cần phải vất vả thu gom nông sản tránh mưa. Vào mùa mưa bão, có thể tháo mái che để cất đi, tránh hư hỏng do gió bão gây ra.
3. Ước mơ làm sạch nước sinh hoạt bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Đang là học sinh lớp 5 nhưng Lê Thị Minh Nguyệt (Trường Tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) đã sớm bộc lộ niềm say mê khoa học, trong cuộc sống học tập hàng ngày, em luôn biết đặt ra các câu hỏi và tự tìm tòi câu trả lời bằng những kiến thức em học được từ sách vở và gia đình. Năm 2013, Nguyệt đạt giải ở tỉnh với giải pháp “Bánh tiết kiệm ga”. Không ngừng tìm tòi sáng tạo, tại vòng chung kết Cuộc thi năm nay, em lại mang đến giải pháp “Máy lọc nước sinh hoạt” được Hội đồng Giám khảo đánh giá cao.
Khác với các máy lọc nước hiện nay hoạt động theo nguyên lý lọc từ trên xuống (lọc xuôi), máy lọc nước do Nguyệt thực hiện lại lọc theo nguyên lý từ dưới lên (lọc ngược). Phương thức lọc này khắc phục được nhiều nhược điểm của các hệ thống lọc nước hiện nay, như quá trình lọc triệt tiêu được các cặn bẩn, lớp lọc luôn ngâm trong nước nên không có hiện tượng đông váng, quá trình sục rửa dễ dàng, loại bỏ các cặn bẩn nhanh chóng.
Em Lê Thị Minh Nguyệt - Trường Tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh.
Khả năng ứng dụng của máy lọc nước sinh hoạt trong thực tiễn cao, do giá thành thấp, vật tư đơn giản (thùng nhựa, cát, sỏi, than hoạt tính, ống lọc, ống nhựa), dễ thao tác. Theo tác giả thì máy lọc nước xuất phát từ ước mơ làm sạch nước sinh hoạt bảo vệ sức khỏe cộng đồng, máy áp dụng tại gia đình và cho kết quả tốt.
4. Phân loại trứng bằng hệ thống đèn chiếu soi phôi
Được trực tiếp quan sát công việc lựa chọn trứng trong các lò ấp trứng gia cầm, qua các buổi thực hành, nhìn các cô chú dùng đèn pin soi từng quả trứng, nhóm tác giả Đào Xuân Dưỡng, Nguyễn Nhật Long, Trần Đình Quốc, Hà Vĩnh Nhật Quân (Trường Tiểu học Hộ Độ, huyện Lộc Hà) đã nảy ra ý tưởng tạo ra máy soi phôi để giảm thời gian lựa chọn trứng với mức độ chính xác cao hơn, giúp cho công việc chọn trứng trước khi vào lò ấp đỡ vất vả.
“Hệ thống đèn chiếu soi phôi phân loại trứng cho các lò ấp ở các trang trại chăn nuôi gia cầm” của các em có thể áp dụng ở tất cả các trang trại, giúp cho người chăn nuôi tiết kiệm thời gian kiểm tra phôi trong quá trình ấp trứng, đảm bảo lượng gia cầm khi ra lò. Những quả trứng không có phôi trong suốt được người chăn nuôi nhặt ra kịp thời để sử dụng trong các bữa cơm hàng ngày, tránh bị hỏng và lảng phí.
Sản phẩm của các em đã được thử nghiệm tại các lò ấp ở địa phương cho kết quả tốt. Nếu được đầu tư hoàn hảo hơn, máy soi phôi của các em sẽ giúp những người nông dân vơi bớt đi những giọt mồ hôi nhọc nhằn, vất vả.
Nhóm tác giả Đào Xuân Dưỡng, Nguyễn Nhật Long, Trần Đình Quốc, Hà Vĩnh Nhật Quân (Trường Tiểu học Hộ Độ, huyện Lộc Hà)
Qua năm lần tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng đã trở thành phong trào thi đua học tập sáng tạo khoa học, kỹ thuật rộng khắp trong tầng lớp học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho các em gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, phát triển trí tuệ, từng bước thực hiện ước mơ trở thành nhà sáng chế trong tương lai.