Hai nhà sáng chế của miền quê chuyên thu mua phế liệu
Chế tạo máy nổ từ khi còn là học sinh
Đặng Đình Nam quê ở làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Làng Quan Độ chuyên thu mua, tái chế phế liệu, kim loại màu. Tất cả các loại máy móc, thiết bị hỏng hoặc hết thời gian sử dụng từ các nhà máy, xí nghiệp trên cả nước được thu gom về đây, sau đó được “xẻ thịt” phân loại thành phế liệu, hoặc tiếp tục tái chế, hoặc đem bán cho các làng nghề chế biến đồ cơ khí khác.
Khắp làng chất từng đống dây cáp, dây đồng, biến thế điện, mô tơ, các khối sắt lớn tách từ máy hỏng, thậm chí từ xác máy bay nặng hàng chục tấn đến các loại vỏ lon nước ngọt và kim loại vụn vặt.
Nam cho biết: "Gia đình mình nhiều đời làm nghề sắt nên mình tiếp xúc với cơ khí từ nhỏ. Từ khi học tiểu học, mình đã tự tay quấn mô tơ, sau này lớn lên, cùng bố thành thục "chế" chiếc máy nổ. Những người ở làng Quan Độ, từ lúc mới đẻ ra đã phải ngửi được mùi cơ khí" - Nam cười.
Chiếc xe chuyên dụng vận chuyển hàng hóa cho công nhân do Nam và Huynh sáng chế rất đặc biệt. Không cần tốn sức lực, chỉ cần bấm nút điều khiển, xe sẽ tự động bốc dỡ, nâng hàng và di chuyển mọi hướng trong không gian nhỏ hẹp.
"Bánh xe đa hướng được tạo thành bởi những con lăn nhỏ, lắp nghiêng 45 độ so với trục quay chính. Bốn động cơ có hộp giảm tốc được gắn độc lập. Nhờ kết cấu này, bánh xe có thể tạo ra rất nhiều chuyển động phức hợp theo phương pháp cộng vector. Khi thay đổi tốc độ và hướng của bốn bánh, chiếc xe có thể tiến, lùi, đi ngang, sang trái, sang phải, di chuyển chéo, xoay trái, xoay phải trong không gian hẹp" - Nam mô tả.
Dù Chàng trai Nguyễn Duy Huynh không phải "công dân làng Quan Độ" nhưng nhà cũng ở gần đó, cách khoảng 3km. Huynh kể: "Bố mẹ mình sinh hai anh em. Gia đình làm nông nhưng bố kiêm thêm nghề sửa chữa máy nông nghiệp. Là thợ lành nghề, nên bố sửa chữa công nông, máy cày rất giỏi. Vì thế xưởng nhà mình lúc nào cũng đông khách".
Cũng như Nam, từ nhỏ, chàng trai này tiếp xúc rất nhiều với máy cũ, hỏng. Huynh kể, những lần chứng kiến hình ảnh công nhân tại các khu công nghiệp Bắc Ninh còng lưng bốc dỡ hàng hóa, nên cùng Nam lên ý tưởng thiết kế mô hình xe chuyên dụng để nâng, vận chuyển hàng trong công xưởng.
Trước khi thực hiện, cả hai cẩn thận hỏi ý kiến các thầy giáo trong khoa Cơ - Điện tử về tính khả thi của mô hình và được các thầy trong khoa cùng Ban giám hiệu nhà trường ủng hộ, khuyến khích thực hiện.
Nhiều đêm hai bạn trẻ thức trắng trong phòng thí nghiệm nhà trường. "Phần cơ khí tụi mình làm rất nhanh vì ai cũng có kinh nghiệm. Nhưng phần khó nhất của mô hình là thiết kế các mạch điều khiển. Số lần làm mạch rất nhiều nhưng liên tục thất bại. Tuy nhiên cả hai quyết bắt tay vào làm." - Nam kể.
Sau những nỗ lực không ngừng, hai chàng trai đã chế tạo thành công mạch điện. Quá trình chạy thử nghiệm cho thấy, chiếc xe không những nâng vận chuyển khối lượng hàng lớn mà còn di chuyển nhanh, hệ thống nâng hàng có hộp giảm tốc chuyển động ổn định, chính xác. Trước ngày mang xe đi dự thi, cả hai thử xếp đầy đồ đạc lên xe để kiểm tra trọng tải thực. "Mình không bao giờ quên cảm giác sung sướng khi xe có thể nâng được tới 30 kg hàng hóa, gấp đôi trọng lượng của xe. Nhìn nó chạy bon bon, mình mừng rơi nước mắt. Nhưng thực lòng lúc đó cũng không dám nghĩ sẽ giành được giải cao, chỉ mong mô hình được các nhà khoa học biết đến để ứng dụng vào thực tiễn." - Huynh trải lòng.
Chiếc xe của hai chàng sinh viên đã được Ban giám khảo đánh giá rất cao. Theo ông Lê Duy Tiến, Giám đốc Quỹ Vifotec: “Mô hình được các em thực hiện rất tỉ mỉ, công phu, đẹp về mặt thẩm mỹ và thể hiện tính sáng tạo cao. Xe nâng hàng chuyên dụng trong phân xưởng có thể áp dụng vào sản xuất công nghiệp và đời sống của xã hội. Với sản phẩm này, hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề bốc xếp tại các kho hàng có không gian hẹp và những nơi nguy hiểm mà con người không thể đến được”.
Càng con nhà giàu càng phải tiết kiệm...
Trong căn phòng thuê trọ gần trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, Nam luôn tự hào kể về quê hương và những sản phẩm cơ khí của những người nông dân nơi cậu sinh sống.
"Ở quê mình, hầu như nhà nào cũng xây rất to. Cách đây mấy năm, cả làng đã có hơn 100 chiếc xe ô tô các loại, từ xe vận tải, xe cẩu đến những chiếc xe con trị giá tới cả tỉ đồng. Hàng chục hộ gia đình có vốn từ chục tỷ đồng trở lên. Gia đình mình không giàu bậc nhất nhì, nhưng cũng có đủ tiền cho mình ăn học".
Nam chia sẻ về "quỹ chi tiêu" của mình: "Mỗi tuần, về quê một lần và xin mẹ 500 nghìn đồng, chi cho cả tuần. Bữa sáng tự nấu đồ ăn hoặc ra chợ mua xôi. Bữa trưa và chiều mình cắm cơm và mua đồ ăn 30 nghìn đồng cho hai người. Mình không thích tụ tập, nhậu nhẹt".
Rồi chàng trai mải mê nói về những dự tính trước mắt là tập trung hoàn thiện phiên bản mới chiếc xe để nó tinh xảo hơn. Ngoài chức năng bốc hàng xuống, xe còn có thể đẩy hàng lên cao.
Nguyễn Duy Huynh cùng hào hứng với Nam nói về kế hoạch "dài hơi": "Từ thành công này, tới đây bọn mình sẽ nghiên cứu thêm mô hình xe đồ chơi cho trẻ em và xe lăn cho người khuyết tật với giá bình dân. Riêng với xe nâng hàng, sau khi thử nghiệm hoàn thiện, bọn mình sẽ chuyển giao kỹ thuật để sản xuất hàng loạt. Học xong đại học, mình có thể về quê mở xưởng sản xuất cơ khí, hoặc tình nguyện nhập ngũ, nguyện đem những kiến thức đã học phục vụ chế tạo vũ khí cho quân đội nước nhà...".