Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song – Người không lùi bước trước thời gian
Giáo sư, Viện sĩ Phạm Song sinh năm 1931 |
Con đường đến với chuyên ngành truyền nhiễm của ông cũng rất ngẫu nhiên. Còn nhớ, vào năm 1958, lúc đó ông đang là bác sĩ chuyên khoa tim mạch thì được Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là bácsĩ Phạm Ngọc Thạch (1909 - 1968) cử đi học về ngành virut và vi khuẩn học. Nhận nhiệm vụ, ông bắt đầu lên đường theo đuổi một ngành khoa học mới. Ông đã sang Rumani học ngành virut họctại Viện Quốc gia virut học, đến Hà Lan tu nghiệp về ngành nhiễm trùng gan, rồi tới Thụy Sĩ học ngành miễn dịch học... Sau khi hoàn thành xuất sắc các khóa học trở vềnước, ông được cử làm chủ nhiệm Khoa bệnh nhiễm trùng của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô trong 18 năm liền (1966 - 1984).
Những công trình nghiên cứu của GS.VS Phạm Song. ảnh: Trần Thanh Giang
GS.VS Phạm Song (thứ nhất, hàng đầu từ trái sang) trong đoàn Hội Y học Đông Nam Á tại lễ kỉ niệm 102 năm Hội Y học Philippine. ảnh: Tư liệu.
GS.VS Phạm Song (thứ tư, hàng đầu từ trái sang) tại Hội nghị Y học Đông Nam Á ở Malaysia (12/2006). ảnh: Tư liệu.
GS.VS Phạm Song hướng dẫn các cán bộ trẻ tại phòng xét nghiệm sinh học phân tử Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương. ảnh: Trần Thanh Giang
GS.VS Phạm Song làm việc với tổ biên soạn từ điển Bách khoa y học Việt Nam chuyên ngành truyền nhiễm. ảnh: Trần Thanh Giang
Theo ông, khoa học trong ngành y tế không chỉ xây dựng trên lí thuyết mà đòi hỏi phải có thực tiễn bệnh học. Có lẽ vì thế mà ông đã tập trung triển khai thành công nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng cao. Điển hình là vào những năm 80 của thế kỉ XX, trước tình hình Việt Nam và nhiều nước trên thế giới có nhiều người bị nhiễm bệnh sốt rét Plasmodium falciparum kháng thuốc, ông đã cùng với các đồng nghiệp nghiên cứu việc đưa cây thanh hao hoa vàng vào chiết xuất ra Artesiminin và các dẫn xuất có tác dụng ngăn ngừa sốt rét. Năm 1988 ông đã sản xuất thử nghiệm thành công 37kg Artesiminin. Hai năm sau, chương trình này đã được ủng hộ đưa ra sản xuất đại trà và thu được 3 tấn Artesiminin.
Sau khi tiến hành kiểm nghiệm thực tế thành công ở nhiều tỉnh thành, năm 1990, chất Artesiminin đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng đại trà trong việc điều trị sốt rét. Và 9 năm sau, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã công nhận và chọn Artesiminin là thuốc hàng đầu để điều trị sốt rét do Plasmodium falciparum. Thành công ấy đã được ghi nhận trong cuốn "Khoa học công nghệ mới và phát triển con người trên thế giới" (sách do Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc xuất bản năm 2001) như sau: "Việt Nam biết kết hợp kinh nghiệm truyền thống và hiện đại góp phần quan trọng giảm hẳn tỉ lệ tử vong sốt rét ác tính". Hiện nay, Việt Nam vẫn đang là nước xuất khẩu Artemisinin sang các nước châu Phi và châu Âu.
GS.VS Phạm Song còn là người có tầm nhìn và khả năng dự báo đặc biệt. Ông từng nhận định rằng Việt Nam là nước có khí hậu nóng, ẩm, nhiệt đới gió mùa nên các loại bệnh truyền nhiễm nhiệt đới sẽ có nguy cơ phát triển mạnh. Vì vậy, ông đã xin ý kiến thành lập Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới và trở thành vị Viện trưởng đầu tiên của Viện. Sự ra đời của Viện này đã góp phần rất quan trọng vào việc phòng chống nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đặc biệt, năm 2003, khi cả thế giới điêu đứng trước đại dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) thì tại Việt Nam, các nhà khoa học trong lĩnh vực truyền nhiễm đã tìm ra được cách đối phó với đại dịch này và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công đại dịch SARS.
Không những thành lập nên Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, GS.VS Phạm song còn là người đề nghị thành lập nên Ủy ban Quốc gia phòng chống HIV/AIDS ngay từ khi Việt Nam chưa có ca lây nhiễm HIV nào. Tiếp theo đó, ông còn đóng góp công sức vận động thành lập nên nhiều đơn vị y tế quan trọng khác như Viện Tim mạch, Viện Tâm thần học, Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai)… góp phần vào việc xây dựng nên những thành tựu chung cho nền y tế Việt Nam.
Nay tuy đã vượt qua tuổi 80 nhưng GS.VS Phạm Song vẫn say sưa ấp ủ với nhiều dự định nghiên cứu mới bằng việc cho ra đời nhiều công trình khoa học về nhiều lĩnh vực như phòng chống HIV/AIDS, Y tế cộng đồng, Dân số kế hoạch hóa gia đình, Sức khỏe sinh sản… Thật hiếm có ai ở tuổi như ông vẫn ngày ngày miệt mài gõ máy tính, sử dụng innternet, đọc sách báo, tra cứu tài liệu hàng giờ đồng hồ để viết sách.
Hôm chúng tôi đến thăm thấy ông đang loay hoay với một tập sách dày cộp, hỏi ra mới biết đó là tập bản thảo cuốn “Từ điển Bách khoa Y học” do ông làm chủ biên cùng tập thể hàng trăm nhà khoa học khác sắp được ra mắt bạn đọc. Thế mới biết sức làm việc và niềm say mê nghiên cứu khoa học của ông thật phi thường như vượt qua cả sự thử thách của thời gian và tuổi tác vì một nền y học tiến bộ của nước nhà./.