Giáo sư - Bác sĩ - Anh hùng Lao động ĐẶNG VĂN NGỮ
Mặc dù hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để tìm ra vaccine phòng bệnh sốt rét nhưng chỉ mới còn trong giai đoạn nghiên cứu thực nghiệm. Cố Giáo sư Bác sĩ Đặng Văn Ngữ là người thầy thuốc đầu tiên của Việt Nam đã hình thành rất sớm ý tưởng và thực hiện nghiên cứu vaccine chống bệnh sốt rét nhưng công việc bị gián đoạn do Giáo sư đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại chiến trường miền Nam vào ngày 01/4/1967 khiến cho công tác nghiên cứu vẫn còn dang dở ...
Ý tưởng hình thành từ rất sớm
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu trong Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành y tế: “Miền Bắc chúng ta có điều kiện và phương tiện nhiều hơn đề nghiên cứu giải quyết những vấn đề của miền Nam ...”. Qua lời phát biểu của Cố Thủ tướng đã thúc giục Giáo sư Đặng Văn Ngữ suy nghĩ và nẩy ra một ý tưởng rằng phải đi vào miền Nam mới nghiên cứu những vấn đề của miền Nam, Giáo sư đã tìm hiểu tình hình và tìm cách giải quyết các vấn đề về công tác phòng chống sốt rét ở miền Nam.
Như chúng ta đã biết từ trước đến nay, hai vấn đề chính để chống sốt rét là diệt trùng sốt rét và chống muỗi. Sau khi tìm hiểu tình hình, ở miền Nam thuốc sốt rét tác dụng rất hạn chế, có rất nhiều đơn vị uống thuốc phòng sốt rét nhưng vẫn bị mắc bệnh sốt rét. Vấn đề chống muỗi cũng gặp rất nhiều khó khăn như làm thế nào phun thuốc DDT trong khi bộ đội phải hành quân đêm này qua đêm khác giữa rừng núi; chưa nói đến việc làm thế nào có DDT đủ để phun, làm thế nào mà treo màn ngủ trong khi nằm võng treo giữa hai cây và luôn luôn phải sẵn sàng đối phó với máy bay địch đến. Rõ ràng hai vấn đề trên không dễ giải quyết sốt rét ở miền Nam. Vì vậy, cần tìm ra một biện pháp khác có hiệu quả và dễ thực hiện hơn. Tham khảo phương pháp giải quyết các bệnh khác ở miền Bắc lúc bấy giờ, đối chiếu với phương châm phòng bệnh của ngành y tế đã thấy biện pháp tích cực nhất có thể giải quyết được bệnh sốt rét ở miền Nam là tiêm phòng. Qua kết quả tiêm phòng các vaccine đậu mùa, chống thương hàn, lao... đã thực hiện ở khắp nơi trên miền Bắc, tỷ lệ bệnh giảm xuống một cách rõ rệt và nhanh chóng. Nhưng làm vaccine đối với bệnh sốt rét không phải dễ dàng như đối với các bệnh đậu mùa, thương hàn, lao ... Các bệnh trên là những bệnh do vi trùng gây nên, vi trùng sinh sản rất nhanh và rất nhiều trên lưng động vật thí nghiệm hay trong ống nghiệm nên có nguyên liệu để làm vaccine. Cách đây hơn 50 năm, các nhà bác học trên thế giới cũng đã tìm cách nuôi cấy trùng sốt rét trong ống nghiệm, mục đích cũng để có nguyên liệu làm vaccine tiêm phòng sốt rét. Những cố gắng này đều bị thất bại vì ký sinh trùng sốt rét chỉ sinh sản nhiều trong máu người và trong cơ thể muỗi Anopheles. Làm thế nào để nuôi được hàng triệu con muỗi Anopheles, lại phải cho muỗi hút máu bệnh nhân sốt rét, tiếp tục nuôi một thời gian nữa cho đến khi ký sinh trùng sốt rét sinh sản và tập trung vào tuyến nước bọt của muỗi, thật là một vấn đề nan giải ... Nhiều đêm Giáo sư Ngữ trằn trọc, suy nghĩ và tìm cách giải quyết. Ý tưởng đã hình thành: phải dựa vào lực lượng quần chúng ở vùng sốt rét, ở rừng núi muỗi Anopheles không hiếm. Ở đây có tỷ lệ sốt rét cao thì tỷ lệ muỗi mang ký sinh trùng sốt rét cũng nhiều. Nếu sử dụng lực lượng quần chúng như y tế xã, vệ sinh viên, học sinh... để bắt muỗi sẽ giải quyết được nguyên liệu làm vaccine một cách dễ dàng. Nếu phải vận chuyển muỗi vào phòng thí nghiệm ở cơ quan trung ương mới làm được vaccine thì sẽ khó khăn. Vậy phải tìm kỹ thuật làm vaccine thế nào thật đơn giản để có thể làm ở nhiều địa phương.
Thực hiện việc nghiên cứu từ ý tưởng
Để nghiên cứu cách làm vaccine đơn giản và theo dõi tác dụng của nó, tháng 9/1966 Giáo sư Ngữ quyết định tổ chức một đoàn y, bác sĩ từ Viện Sốt rét Trung ương vào Vĩnh Linh, tại một xóm mà theo điều tra của Đội Sốt rét ở đấy có nhiều muỗi Anopheles và nhiều bệnh nhân sốt rét. Đoàn gồm có Giáo sư Ngữ, một số bác sĩ, một nữ y sĩ, một nam y tá và một lái xe. Vừa đến hôm trước thì hôm sau cả đoàn đã tổ chức đến địa điểm dự định để bắt muỗi, nhưng đến nơi chỉ thấy những đống tro còn nóng và cột nhà cháy dở dang bốc khói. Đêm vừa qua, địch đã đến thả bom lửa và bom bi tại đây. Thế là đoàn phải đổi địa điểm, tìm một nơi bắt muỗi khác cách xa địa điểm cả 3 cây số. Đoàn phối hợp với Đội Nghiên cứu sốt rét của Viện đã ở Vĩnh Linh từ đầu năm. Đoàn vừa xây dựng cơ sở, đào hầm trú ẩn, vừa tìm hiểu tình hình sốt rét ở địa phương.
Đây là một xóm dân mới sơ tán vào, nhà chưa được phun thuốc diệt côn trùng, muỗi khá nhiều và tỷ lệ bệnh nhân sốt rét khá cao (30%). Đúng ở đây là một ổ dịch sốt rét đang phát triển, nếu cứ để như thế mà bắt muỗi làm vaccine nhất định sẽ hoàn thành được kế hoạch nghiên cứu sốt rét. Nhưng nếu phải giải quyết nhanh chóng ổ dịch bằng biện pháp phun hóa chất DDT ngay thì sẽ khó bắt được muỗi thí nghiệm. Vấn đề được đưa ra thảo luận trong đoàn và cả đoàn đều thống nhất là phải phun hóa chất diệt muỗi, phát thuốc điều trị để giải quyết nhanh chóng ổ dịch với yêu cầu giải quyết bệnh tật cho nhân dân là hàng đầu mặc dù thực hiện như vậy sẽ gây khó khăn cho kế hoạch nghiên cứu. Sau khi giải quyết phun thuốc diệt muỗi, không thể bắt được muỗi trong nhà ban ngày nữa mà phải chuyển sang bắt muỗi ban đêm ở quanh nhà. Vì vậy phải dùng phương pháp vén ống quần, tay áo làm mồi cho muỗi đốt máu để bắt. Khi ngồi bắt muỗi, nếu thấy đau nhận biết có muỗi đốt, bật đèn pin để bắt muỗi vào ống nghiệm. Tháng 9 là tháng máy bay địch hoạt động mạnh cả ngày lẫn đêm tại khu vực Vĩnh Linh nên nhiều lúc phải chịu muỗi đốt máu mà không dám bật đèn pin lên để bắt muỗi. Tất cả anh chị em trong đoàn nghiên cứu đều biết với phương pháp bắt muỗi này sẽ rất dễ bị mắc bệnh sốt rét dù có uống thuốc phòng hay không, nhưng không ai ngần ngại và đêm nào cũng hăng hái, phấn khởi để bắt muỗi.
Đến ngày 19/10/1966, đợt vaccine sốt rét đầu tiên đã hoàn thành. Giáo sư Ngữ tiêm thử 0,1ml trong da và tiếp tục theo dõi hàng ngày. Sau đó, đến hai cán bộ khác, một nam, một nữ cũng xung phong tiêm thử. Nữ Y sĩ Lịch chưa bị sốt bao giờ nhưng Anh Sản sốt hai đợt, được điều trị thuốc sốt rét cho sạch ký sinh trùng trong máu. Một tuần sau, mọi người lại tiêm vaccine một lần nữa, sau khi theo dõi không thấy phản ứng sau khi tiêm và biết vaccine không gây sốt. Số vaccine còn lại được tiêm cho 60 người khác của một đơn vị quân y. Đêm 8/11/1966, bố trí một nữ y sĩ trong đoàn nghiên cứu khi bắt muỗi, để một con muỗi hút no máu và bắt. Ngày mai, mổ con muỗi này thấy muỗi có ký sinh trùng sốt rét. Như vậy, sau khi tiêm vaccine sốt rét, nữ y sĩ này đã được gây nhiễm bệnh một cách tự nhiên do muỗi đốt. Cũng sáng ngày 9/11/1966, thấy tuyến nước bọt của muỗi có rất nhiều ký sinh trùng sốt rét, đã lấy và tiêm vào da của Giáo sư Ngữ. Bình thường nếu bị nhiễm bệnh sốt rét, triệu chứng sẽ xuất hiện sau từ 12 đến 15 ngày nhưng từ ngày ấy đến ngày 10/12/1966, đã hơn một tháng mà chị nữ y sĩ và Giáo sư Ngữ vẫn không bị sốt. Còn Anh Sản từ ngày được tiêm vaccine cũng không bị sốt trở lại. Từ việc nghiên cứu đơn giản này, một suy luận rằng có thể Giáo sư Ngữ và một số anh chị em trong đoàn sau khi tiêm vaccine đã gây được miễn dịch.
Nhờ đợt công tác thực tế này ở Vĩnh Linh, Giáo sư Ngữ được trực tiếp tiếp xúc với nhiều người mắc bệnh sốt rét từ miền Nam ra. Giáo sư đã đề ra được nhiều biện pháp điều trị bệnh sốt rét trong những trường hợp ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Kết quả của các biện pháp ấy đã được áp dụng trong các phác đồ điều trị sốt rét ở các địa phương.
Và từ đây, những ước muốn nghiên cứu vaccine chống sốt rét ngay tại thực địa chiến trường miền Nam càng thôi thúc. Giáo sư Ngữ đã ra sức luyện tập đi bộ, đeo nặng để chuẩn bị đi B. Thời gian đã ủng hộ, Giáo sư được cấp trên chấp thuận. Vào một ngày đầu xuân năm 1967, Giáo sư đã cùng một đoàn cán bộ nghiên cứu sốt rét gồm trên một chục người lên đường vào chiến trường B. Chính ở tại chiến trường B, Giáo sư và cả đoàn đã làm hết sức mình, vùi đầu để nghiên cứu vaccine chống sốt rét và nhiều đề tài nghiên cứu về phòng chống bệnh sốt rét khác. Và cũng tại đây, chiến trường B2 thuộc khu vực Thừa Thiên Huế, ngay chính trên mảnh đất quê hương của mình; Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã ngã xuống, hy sinh như một người chiến sĩ trên chiến trường. Đó là ngày 1 tháng 4 năm 1967, một ngày đáng ghi nhớ, một ngày buồn và đau thương của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương; Tổ quốc Việt Nam mất đi một giáo sư giỏi toàn diện, lỗi lạc; mất đi một người thầy đáng kính, một Giáo sư Viện trưởng xuất sắc. Giáo sư Đặng Văn Ngữ đã cống hiến cả một cuộc đời cho dân tộc, cho đất nước; đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Giáo sư cũng là một trong 12 nhà khoa học y học đầu tiên của Việt Nam được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ nhất vào năm 1996.
BS.CKI. Nguyễn Tràng Phi
Nguyên cán bộ Viện SR-KST-CT TW- Thư ký của cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ