Đôi vợ chồng đam mê sáng chế
Chúng tôi tìm đến gia đình ông Lượng trên đường Trần Quang Diệu, TP Nha Trang. Đó là một căn nhà mái tôn xập xệ nằm cạnh một khu đất rậm rạp cỏ dại, trên cửa nhà có ghi dòng chữ lớn “Kho chứa rác” kèm một tấm bảng “Đổ rác tại đây”.
Mở cánh cửa sắt đã phai màu, một người đàn ông lấm lem rác, mái tóc lốm đốm bạc, nở nụ cười tươi: “Vâng, tôi là Lượng. Lượng rác đây!”.
Bán tài sản theo đuổi đam mê
Sinh năm 1951, quê ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình và là con của một đại tá quân đội nhưng ông Lượng không nối nghiệp binh. Năm 1971, ông đậu Trường ĐH Nông nghiệp II, rồi làm kỹ sư công tác tại Viện Quy hoạch thiết kế của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đến năm 1977, ông Lượng được điều chuyển vào Nha Trang để phụ trách quy hoạch nông nghiệp các tỉnh miền Trung. Còn bà Hạnh làm tài xế taxi. |
Dẫn chúng tôi qua căn nhà trống trải đồ đạc, ông Lượng chỉ tay về khoảng sân sau, nơi đặt một chiếc máy đang xử lý rác còn dang dở, nói: “Cái ống nghiệm của tôi đấy, chứ máy móc gì đâu, đầu tư chỉ 30-40 triệu đồng thôi, còn cái môtơ 10 ngựa kia là đồ mượn của hàng xóm”. Quả thật, đó là một chiếc máy dài chừng 1m, sơn màu xanh lá cây và có hình dáng giống hệt một ống nghiệm. Kết cấu của máy khá đơn giản gồm một phễu chứa rác, một máng dẫn đưa rác đã xử lý ra ngoài.
Khi ông Lượng đưa rác vào phễu, chiếc máy kêu ro ro, phía đầu kia máng dẫn từ từ trôi ra thứ rác đã nghiền vụn như cám. Nhanh như cắt, ông Lượng chạy vào nhà bốc vài nắm hợp chất dạng bột đủ màu trắng, xanh, đỏ, tím, vàng rồi rắc lên đống rác đã bị nghiền. Sau khi trộn đều hóa chất, ông bốc một nhúm rác đưa lên mũi ngửi, nói: “Hết sạch mùi hôi rồi nhé. Không tin anh cứ ngửi thử xem”. Quả nhiên, mùi hôi thối của rác đã không còn, thậm chí còn có mùi trái cây. “Bí quyết khử mùi của rác chính là thứ hợp chất không hề độc hại này đấy!” - ông Lượng nói đầy bí ẩn. Vừa dứt lời, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh từ trong nhà mang ra cho chúng tôi xem vài sản phẩm đã thành hình làm từ rác: một hòn than tổ ong, một cục bêtông, một cục chất đốt loại đặc biệt...
Đến tháng 3-2011, vợ chồng ông Lượng mới bắt đầu chú tâm tới công nghệ xử lý rác thải. “Thật ra ý tưởng đã có từ lâu rồi, một lần tình cờ xem tivi thấy người ta chế biến quả dừa thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tôi tự hỏi tại sao mình không thử chế biến rác thành các sản phẩm có ích? Nghĩ là làm, tôi bàn với chồng rồi cả hai cùng mày mò chế tạo một chiếc máy xử lý rác” - bà Hạnh cho biết.
Nhìn hai vợ chồng ông cùng làm việc ăn ý, đầy tình cảm, chẳng ai nghĩ họ vênh nhau 30 tuổi và từng có một thời sung túc. “Cơ duyên cả đấy. Năm 2010, tôi đi học lái xe thì gặp cô ấy cũng đang học lái taxi. Trong lớp, tôi là lớp trưởng, còn cô ấy là lớp phó. Thấy hợp tính tình, thế là yêu nhau” - ông Lượng kể. Lấy nhau xong, hai vợ chồng ông Lượng vẫn hằng ngày đi xe hơi lượn phố chỉ để uống cà phê, mua sắm đủ thứ đồ đạc cho biết “mùi đời”.
Chỉ khi dành toàn bộ thời gian và vốn liếng chế tạo một máy xử lý rác, hết thử nghiệm này đến thử nghiệm khác, tài sản của hai vợ chồng mới dần đội nón ra đi, từ chiếc xe hơi Hyundai bán được hơn 600 triệu đồng, đến chiếc xe máy, rồi điện thoại...
Cố giúp ích cho đời
Nhắc đến chuyện tìm tòi, thử nghiệm chiếc máy xử lý rác, ông Lượng trầm ngâm cho biết đã biết bao lần thử nghiệm thất bại. “Có những lúc bế tắc hoàn toàn. Làm là hỏng, làm vẫn thấy rác bốc mùi hôi, hai vợ chồng đã tính quăng máy đi rồi. Nhưng nghĩ, thôi chẳng còn gì để mất, thế là lại chạy đi vay mượn tiền để làm” - ông Lượng nói.
Những ngày đầu còn mắc cỡ với hàng xóm, hai vợ chồng ông phải đi gom rác lúc 22g đêm rồi mang về nhà phân loại, thử nghiệm. Có một điều lạ, suốt ba năm qua, bà con hàng xóm đều không hề biết hai vợ chồng ông Lượng chế tạo máy xử lý rác, chỉ biết họ nhặt rác về nhà. “Hàng xóm thấy vợ chồng tôi mang rác về nhà chỉ góp ý sao không kêu xe rác tới đổ, đi kiếm rác chi cho khổ. Sau đó, tôi làm cái bảng “Đổ rác tại đây” nhưng vẫn không thấy ai tới đổ rác” - ông Lượng cười xòa.
Ông Lượng cho biết nguyên tắc khi chế tạo chiếc máy xử lý rác là phải xử lý triệt để mùi và tận dụng tất cả loại rác (kể cả gạch, đá và nước thải) sang một dạng khác có thể tái sử dụng được. Theo ông Lượng, hiện thế giới có hai cách xử lý rác thải, gồm đốt và chôn. Tuy nhiên, việc chôn rác giống như quả bom nổ chậm, càng làm tăng khả năng ô nhiễm tiềm tàng dưới lòng đất vì một lượng lớn túi nilông không thể phân hủy được, chưa kể rất tốn kém vì thiếu đất chôn. Còn đốt thì càng không triệt để được các loại nhựa, nilông, chưa kể ô nhiễm khói bụi và chi phí rất lớn.
Chính vì vậy, sau khi thử nghiệm thành công chiếc máy xử lý rác thải thô, ông Lượng nghĩ tới việc phát triển thành một dây chuyền xử lý rác chuyên nghiệp, bao gồm máy phân loại rác, hệ thống băng chuyền, máy xử lý thô và máy xử lý tinh (tức sản xuất ra sản phẩm nào sẽ sử dụng từng loại máy khác nhau). Ông Lượng dự tính đầu tư một dây chuyền xử lý rác và có thể xử lý 20 tấn rác mỗi ngày, chế biến thành 4-5 tấn chất đốt và các sản phẩm tái sử dụng.
“Hiện vợ chồng tôi đang làm hồ sơ đăng ký sáng chế độc quyền về công nghệ xử lý rác thải bằng phương pháp tổng hợp lý - hóa - sinh tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ). Nếu thành công, chuyện giàu lên hay nghèo đi từ rác cũng không quan trọng, miễn sao mình đã giúp ích cho đời. Và nếu có ra ngoài đường, được bà con gọi là ông rác thì tôi càng mừng” - ông Lượng nói.