Điều trân quý từ cống hiến thầm lặng
“ Đã bao năm nay chúng tôi thầm lặng làm việc, thầm lặng cống hiến, thầm lặng hy sinh…mà chưa bao giờ nghĩ rằng để mình được người đời ngợi ca, được xã hội tôn vinh thế này thế khác…Chỉ đơn giản là mình thấy yêu nghề, mong muốn được phục vụ cộng đồng, được mang lại sức khỏe và hạnh phúc cho đồng chí, đồng bào. Và đó cũng là hạnh phúc lớn của mình” - Trong những phút đầu tiên gặp nhau, PGS.TS Bùi Văn Lệnh đã tâm tình với tôi như vậy. Nhìn vào mắt ông, tôi cảm nhận được sự chân thành, sự sâu nặng trong lời nói ông dành cho người đối diện. Thực lòng, tôi không thấy ở ông một chút gì xã giao, một chút gì khôn khéo bề ngoài trong cách nói chuyện của ông. Điều đó đáng trân trọng lắm chứ.
Yêu nghề mới sống tốt từ nghề
Đối với bác sĩ Bùi Văn Lệnh, đã mấy chục năm qua ông gánh trên vai hai chữ THẦY cao quý - Thầy giáo và Thầy thuốc. Vừa là bác sĩ trực tiếp tham gia khám chữa bệnh cho mọi người, vừa trực tiếp giảng dạy tại Trường Đại học Y Hà Nội và ở một số trường khác, công việc thật vất vả, không mấy khi được rảnh rỗi, nhưng không vì thế mà ông phai nhạt lòng yêu nghề. Dù trên giảng đường hay tại những khoa, phòng của bệnh viện, PGS.TS Bùi Văn Lệnh vẫn chỉ là một con người mà ở trong tim luôn ấm nóng tình đồng loại, luôn cháy rực ngọn lửa nghề sưởi ấm cho những cuộc đời không may bệnh tật, yếu gầy khi họ đến với ông, với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Hơn 30 năm trước, vừa mới bước ra khỏi cuộc đời sinh viên Đại học Y, bác sĩ trẻ Bùi Văn Lệnh đã được giao trọng trách của một giảng viên rồi. Đó vừa là may mắn, vừa là thử thách để ông nỗ lực vươn lên. Cũng ngay từ ngày ấy, Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh (CĐHA) trong ngành Y đã gắn với sự nghiệp Y học của ông. Rồi những năm sau đó, ông có dịp đi làm Chuyên gia Y tế tại Algerie, lại được học nội trú FFI tại Lille Cộng hòa Pháp... Cùng với những năm tháng làm giảng viên chính tại Đại học Y Hà Nội, đó là những trải nghiệm, những tu luyện vô cùng bổ ích, giúp ông rất nhiều trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề thực tế của mình.
Thấm thoắt mà cũng đã 7 năm PGS.TS Bùi Văn Lệnh được giao cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (từ năm 2007 đến nay). Nhưng đó cũng là khoảng thời gian bằng “tuổi đời” chính thức của Bệnh viện. Cũng có nghĩa ông là một trong những người có mặt ngay từ những ngày đầu tiên xây dựng Bệnh viện Đại học Y với biết bao khó khăn, vất vả, thiếu thốn đủ bề. Cho nên ông hiểu sâu sắc giá trị của những thành quả hôm nay, giá trị của những giọt mồ hôi, của những đêm mất ngủ, của những ngày lo toan đến gầy người mà bao đồng nghiệp của ông đã cùng trải qua... Nhờ đó mà tuy mới đi vào hoạt động từ 2008 đến nay, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã là một trong những cơ sở lớn và có uy tín hàng đầu trong cả nước về khám chữa bệnh với quy mô ngày càng được nâng cao về cả số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2013 có 266.236 bệnh nhân được phục vụ, thì tính riêng 6 tháng đầu năm 2014 con số đó đã là 182.538 người (tăng 35% so cùng kỳ). Bệnh viện đã đang và tiếp tục áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân như can thiệp tim mạch, can thiệp CĐHA như các bệnh viện, viện tiên tiến trong nước cũng như quốc tế. Có những kỹ thuật hàng đầu mà bệnh viện đi đầu thực hiện trong nước cũng như khu vực như thay van động mạch chủ qua đường nội mạch, thu hút các bệnh nhân quốc tế, khu vực đến khám chữa bệnh. Bệnh viện đồng thời là nơi đào tạo kỹ năng, thực hành lâm sàng cho sinh viên nhà trường từ KTV, Y4 đến CKI , CKII, sau đại học, các nghiên cứu sinh; đào tạo nhiều sinh viên quốc tế như sinh viên các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc và các nước ASEAN...Thành công đó được kết tinh từ nhiệt huyết và những cố gắng liên tục của tập thể hơn 570 cán bộ, y bác sĩ và nhân viên HĐ của bệnh viện, trong đó có những đóng góp tích cực của PGS-TS Bùi Văn Lệnh với vai trò là Phó Giám đốc Bệnh viện phụ trách chuyên môn. Hàng chục đầu sách về chuyên ngành và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được ông thực hiện thành công. Trên cái nền của bộ môn CĐHA, ông đã thực hiện rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu, trong đó có những đề tài khoa học nhánh cấp Nhà nước, như: Cắt lớp vi tính chẩn đoán bệnh sỏi mật, Cộng hưởng từ chẩn đoán bệnh sỏi mật và những nghiên cứu về sỏi mật, về bộ máy tiết niệu; rồi hơn 4 chục bài viết của ông đã được giới thiệu trên các báo, tạp chí chuyên ngành... Nhiều công trình nghiên cứu trong số đó đã và đang được áp dụng rộng rãi trong các bệnh viện, mang lại những hiệu quả thiết thực trong khám và điều trị bệnh. Không chỉ như vậy, là một bác sĩ làm việc trực tiếp tại bệnh viện, Phó Giám đốc Bùi Văn Lệnh luôn cùng với các đồng nghiệp gắn mình vào những khoa, phòng mà ở đó hàng ngày, hàng giờ có biết bao bệnh nhân đang phải chiến đấu với bệnh tật, giành lại sức khỏe và sự sống. Bệnh nhân chính là mệnh lệnh của người thầy thuốc, bất kể nửa đêm giá rét hay giữa trưa hè trong cái nóng oi nồng, khi cần cấp cứu, ông và đồng nghiệp đều không nề hà, không ngần ngại, miễn sao chữa trị cho người bệnh với kết quả cao nhất. Không ít những ca bệnh hiểm nghèo, những ca phẫu thuật phức tạp, cam go, giành giật từng ly một cho sự sống con người. Những khi đó - như PGS.TS Bùi Văn Lệnh chia sẻ (nói như đùa nhưng lại rất thật): “ Không chỉ là còn nước còn tát, mà là không còn nước thì đổ nước vào mà tát để cứu người bệnh đến cùng” - Thực tiễn là vậy, không gì sinh động hơn khi biết gắn mình với thực tiễn. Tất cả đều được khởi nguồn từ lòng yêu nghề, từ khát vọng giỏi nghề để phục vụ cộng đồng được nhiều nhất.
Hoạt động thực tiễn mang lại giá trị đích thực của nghề
Ở PGS.TS Bùi Văn Lệnh, tính thuyết phục có lẽ không hẳn là từ những giao tiếp ban đầu, hay từ dáng vẻ hấp dẫn của một đại gia chịu khó chau chuốt bản thân mình? Cuộc sống và hoạt động thực tiễn của ông mới mang lại những giá trị đích thực của con người và nghề nghiệp. Tính chân thực trong con người bác sĩ Bùi Văn Lệnh có vẻ như mang dáng dấp của những người dân chất phác ở vùng đất Yên Mô (Ninh Bình) quê ông - nơi từng sản sinh nhiều danh nhân tiêu biểu như Trần Triệu Cơ, Ninh Tốn, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật, Vũ Xuân Hồng... Và, hẳn là ông cũng từng có một tuổi thơ không ít vất vả, nhưng ắp đầy những kỷ niệm không dễ phai mờ ở làng quê nơi chôn rau cắt rốn của mình, nơi có dòng sông Vạc, bến đò Bâu một thời gắn bó trong trắng, hồn nhiên...
Năm tháng trôi qua với không ít gian nan, vất vả và cả những niềm tự hào được dựng xây, cống hiến, PGS.TS Bùi Văn Lệnh vẫn không nghĩ mình có được những thành tích đáng để trân trọng, nâng niu - Ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và được đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Với ông, những gì xã hội dành cho mỗi người lớn hơn rất nhiều, cao hơn rất nhiều so với những việc làm mà mỗi người cống hiến cho xã hội. Đó là cái tâm, là suy nghĩ chân thực của người trí thức Bùi Văn Lệnh, để rồi cho dù khó khăn, thách thức phía trước không ít, ông vẫn tin, vẫn vững vàng vượt qua để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó; mang lại vẻ đẹp nhân văn vì con người. Đó cũng là giá trị lớn lao từ những cống hiến thầm lặng của PGS.TS Bùi Văn Lệnh.