Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch: Biểu tượng của người trí thức Việt Nam thế kỷ XX
Lịch sử và con người sẽ không bao giờ quên được những ngày sôi nổi của bước ngoặt lịch sử 1945 ở Nam Bộ với vai trò, nhiệt huyết của người trí thức yêu nước Phạm Ngọc Thạch. Xuất thân trong một gia đình vừa điền chủ vừa trí thức lớn, du học bên Tây, đậu bác sĩ, lấy vợ «đầm», Phạm Ngọc Thạch rất dễ bị «lạc» giữa nhân dân Việt Nam lao khổ .. .. Ông đã là Thủ lãnh của phong trào Thanh niên Tiền phong hợp pháp bên ngoài; bên trong là một tổ chức do Đảng lãnh đạo. Đây là một phong trào yêu nước, một sự tập hợp lực lượng rộng rãi công khai ở Sài Gòn, ở toàn Nam bộ để chờ thời cơ giành lấy chính quyền. Người ta không thể quên, lúc ấy, ở Vườn Ông Thượng (Vườn Tao Đàn ngày nay), hàng vạn thanh niên Tiền phong như vỡ lồng ngực hát những bài hành khúc yêu nước của Lưu Hữu Phước, và quì xuống trước lư trầm, trước hai chữ «Tổ Quốc», trước Thủ lãnh Phạm Ngọc Thạch đứng trên lễ đài, để thề hiến thân cho Độc lập. Lực lượng thanh niên ấy, cùng hàng triệu thợ thuyền, nông dân, trí thức, công chức, người lao động.. .. đã nhất tề đứng lên, dùng bạo lực chính trị giành lấy chính quyền về tay mình. Phạm Ngọc Thạch chính là một trong những nhân vật lịch sử của Nam bộ, của Sài Gòn vào giây phút đó! Người bác sĩ cầm ống nghe, đã trở thành một trong những người lãnh đạo nhân dân cầm súng, cầm gậy tầm vông.. .. giành chính quyền, giành tự do và tổ chức kháng chiến.
Chín năm kháng chiến ở Nam bộ, lúc ra Hà Nội, Việt Bắc, lúc ở bưng biền, anh Tư Thạch, với cương vị Chủ tịch Ủy ban đặc khu Sài gòn.. .. đã như mọi trí thức lớn khác làm mọi việc, chịu gian khổ, lòng cháy rực một khát vọng thiêng liêng: Độc lập, Tự do cho dải đất này. Tập kết ra Bắc, làm Bộ trưởng, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch vẫn không thôi làm chuyên môn, ông vẫn giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện chống lao Trung ương, lo chữa bệnh cho đồng chí, đồng bào.. .. đồng thời lãnh đạo cả ngành Y tế của một đất nước vừa mới hòa bình, đang đói nghèo, thiếu người, thiếu phương tiện , thuốc men càng thiếu.. .. Đức tận tụy, hy sinh xả thân của người Bác sĩ, kiêm Bộ trưởng, là tấm gương cho toàn Ngành trong những năm dựng xây sự nghiệp gian khổ ấy. Thế rồi Mỹ vào miền Nam, chiến tranh chiến trường trở nên ác liệt; và chiến trường thiếu thuốc, thiếu bác sĩ. Cái chết đến với cán bộ, chiến sĩ không chỉ vì bom đạn mà nhiều khi vì thiếu một loại vắc xin, một loại thuốc, và đành bó tay nhìn đồng đội ra đi.. .. Có thể nào yên, có thể nào không xúc động, không hành động.. .. trước một tình hình như thế. Và Bác sĩ Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã giã từ miền Bắc, ra đi, về lại chiến trường quê hương, để rồi hy sinh sau một cơn sốt ác tính !
Người chiến sĩ yêu nước, chiến sĩ Cộng sản, người có trái tim nhân ái đã cứu chữa hàng vạn người, người tìm tòi khám phá trong chữa trị y học, con người giản dị lạ thường giữa cuộc đời.. .. con người ấy đã ra đi mà không thấy được ngày toàn thắng; không được gặp lại Sài Gòn vô cùng thân yêu trong trái tim mình.. ..
Và như thế, một tên tuổi và một tấm lòng, một nhân cách cao thượng và dũng cảm sẽ sống mãi, sẽ định hướng, đúng hướng cho cuộc sống của những trí thức, đặc biệt là trí thức ngành Y tế thế hệ kế tiếp. Không phải danh và lợi là hạnh phúc của một con người, một đời người: cao hơn thế nhiều, nơi chỉ có lòng ta biết, vẫn tồn tại một thế giới trong lặng, không ồn ã vinh hoa phú quí, thế giới của hiến dâng, khoa học, lòng yêu người, yêu cuộc sống và chiến đấu cho cuộc sống, bởi vì «Đời yêu ta ta phải thắng cho đời!». Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, Bác sĩ Nguyễn Văn Thủ, Bác sĩ Tôn Thất Tùng, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ.. .. bảng vàng của những bác sĩ lớn dài dằng dặc, cả những bác sĩ tưởng như vô danh mà vô cùng đáng trọng, đáng là anh hùng chiến sĩ. Tất cả họ xứng đáng với lòng biết ơn của hậu thế. Trong số họ, nổi bật lên như một cánh chim đầu đàn, người Anh Cả của ngành Y: Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch.
Ba mươi năm sau ngày hy sinh của bác sĩ, chúng ta nguyện học tập, và đi theo con đường sáng ngời y đức, y đạo của Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, để ngành chúng ta ngang tầm của những hy sinh cao quý, ngang tầm đòi hỏi của sự phát triển đất nước đi vào hiện đại, công nghiệp hóa.
Phạm Ngọc Thạch (y; 1909 -- 1968)
Bác sĩ chuyên khoa lao và bệnh phổi Việt Nam. Anh hùng lao động (1958). Quê Quảng Nam. Gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (3.1945); thủ lĩnh Thanh niên tiền phong Nam Bộ (1945); chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn -- Chợ lớn (1950 -- 53); thứ trưởng Bộ Y tế (1953); Bộ trưởng Bộ Y tế (1958 -- 68); viện trưởng Viện Chống lao Trung ương (1957 -- 68); chủ tịch Uỷ ban Điều tra tội ác của đế quốc Mĩ ở Việt Nam (từ 1966); đại biểu Quốc hội (khoá II, khoá III). Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (1956 -- 61). Là người sáng lập Viện Chống lao Trung ương. Đã chỉ đạo nhiều công trình nghiên cứu về phòng lao (BCG chết), chữa lao (kích sinh chất filatop, subtilis)cũng như nhiều bệnh phổi (viêm phế quản mạn, bụi phổi, nấm phổi, kí sinh trùng phổi, vv.), đặt nền móng cho hình thành chuyên khoa lao và các bệnh phổi ở Việt Nam. Xây dựng mạng lưới y tế Việt Nam, tổ chức y tế cơ sở làm tiền đề cho triển khai đường lối chăm sóc sức khoẻ ban đầu sau này. Được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (1996).