Bác sĩ của nhà nông
Không khoanh tay trước thiệt hại của dân
Sinh ra ở thị trấn Thắng huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang, Lê Văn Dương từng học Đại học Nông - lâm Thái Nguyên, Khoa Chăn nuôi. Khi ấy, anh là một trong hai sinh viên xuất sắc của khoa giành học bổng do Pháp tài trợ. Vào những kỳ nghỉ hè, anh được theo các giảng viên tham gia những chuyến công tác dài ngày ở các tỉnh miền núi phía Bắc để thực hiện đề tài khoa học về phòng, chống bệnh trên đàn gia súc. Trải nghiệm thực tế đã giúp anh nắm vững kiến thức chuyên môn, phương pháp tổ chức, thu thập số liệu áp dụng cho các đề tài nghiên cứu sau này.
Tốt nghiệp đại học năm 1994, anh trở về quê hương công tác tại trạm thú y một số huyện, nay giữ chức Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Thú y tỉnh.
Những năm trước đây, bệnh E.coli và tai xanh kèm theo bệnh kế phát chưa có biện pháp phòng, điều trị hiệu quả khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Bệnh E.coli xảy ra quanh năm, chủ yếu ở lợn dưới 2 tháng tuổi, tỷ lệ chết gần 20%. Có giai đoạn dịch tai xanh liên tiếp bùng phát, nhất là năm 2010, toàn tỉnh Bắc Giang có 100 nghìn con chết và 24 nghìn con bị tiêu hủy.
Trăn trở “không lẽ đành khoanh tay bất lực trước thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng của người dân”, anh và một số cộng sự đặt quyết tâm nghiên cứu hai đề tài khoa học cấp tỉnh, đó là: “Phân lập, xác định vai trò gây bệnh của Escherichia coli (E.coli) gây tiêu chảy ở lợn con tại một số huyện của tỉnh Bắc Giang và biện pháp phòng trị năm 2010” và “ Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ của bệnh tai xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và biện pháp phòng, chống năm 2011-2012”.
Say mê nghiên cứu khoa học
Quá trình nghiên cứu hai đề tài trên, anh gặp nhiều khó khăn. Cùng thời gian này anh phải liên tục hoàn thành 2 chương trình bảo vệ luận án thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành thú y tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Do mỗi đề tài phải lấy từ 200-250 mẫu bệnh phẩm, bảo đảm tính đại diện ở tất cả các huyện, thành phố nên cứ 2-3 ngày, sáng học, chiều anh bắt xe ô tô về Bắc Giang để lấy mẫu. Mỗi đề tài mất từ 4 -9 tháng cho công việc này vì không phải lúc nào cũng có thể xuống cơ sở để thực hiện. Chỉ khi nào lợn mắc bệnh hoặc có dịch mới mổ khám, chẩn đoán bệnh tích, lấy mẫu. Kỹ thuật lấy mẫu đòi hỏi khắt khe, đây là khâu quan trọng nhất tìm ra tác nhân gây bệnh, quyết định sự thành công của đề tài. Dụng cụ lấy mẫu bệnh phẩm phải vô trùng, bảo quản mẫu bệnh phẩm ở nhiệt độ từ 2OC-4OC trong hai ngày rồi chuyển về phòng thí nghiệm ở Viện Thú y Quốc gia để phân lập vi rút, vi khuẩn. “Bất kể ngày nghỉ, ban đêm hay sáng sớm, nghe có thông báo lợn bị bệnh tai xanh hay E.Coli, tôi và các cộng sự tức tốc đến ngay cơ sở. Vừa để hướng dẫn điều trị vừa tranh thủ mổ khám những con không chữa được lấy mẫu nghiên cứu. Có nhiều lần, lấy mẫu xong về đến nhà, trời tang tảng sáng” - Bác sĩ thú y Lê Văn Dương tâm sự.
Cứ như vậy, suốt 3 năm thực hiện hai đề tài, anh thường xuyên ngủ trọ ở Hà Nội cả tuần, thậm chí nửa tháng cùng cán bộ Viện Thú y Quốc gia theo dõi, phân lập mẫu bệnh phẩm. Anh chia sẻ: “Không phải lần phân lập nào cũng đạt kết quả như mong muốn, một số mẫu do để quá giờ nuôi cấy nên nhiều đêm tôi phải thức trắng làm đi làm lại nhiều lần, theo dõi tỉ mỉ màu sắc của vi rút, vi khuẩn mới tìm ra tác nhân gây bệnh”.
Sau khi tìm ra vi rút, vi khuẩn gây bệnh, anh phải thử nghiệm vài chục loại thuốc kháng sinh để chọn loại hữu hiệu nhất. Công việc quá bận rộn nên nhiều khi không quan tâm chu đáo việc gia đình, mặc dù vợ con tạo điều kiện, động viên nhưng cũng khó tránh khỏi những lần anh bị quở trách. Bằng lòng yêu nghề, yêu công việc với mục đích giúp nông dân phòng và điều trị bệnh cho đàn lợn, giảm thiệt hại về kinh tế nên anh đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.
Nỗ lực của anh và đồng nghiệp đã cho kết quả xứng đáng. Hai đề tài đã chỉ ra loại vi khuẩn và vi rút điển hình gây bệnh. Từ đó đưa ra phác đồ phòng, điều trị bệnh E.coli và bệnh. Từ đó viêm phổi kế phát của bệnh tai xanh bằng loại kháng sinh đặc hiệu thay vì sử dụng kháng sinh thông thường trước đây.
Cả hai đề tài đều được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh xếp loại xuất sắc, ứng dụng rộng rãi từ năm 2011 đến nay. Đối với đề tài: Phân lập, xác định vai trò gây bệnh của E.coli gây tiêu chảy ở lợn con tại một số huyện của tỉnh Bắc Giang và biện pháp phòng trị”đã tìm ra vi khuẩn E.coli gây bệnh sưng phù đầu và áp dụng phác đồ điều trị bằng thuốc kháng sinh Marcetius-New. Tỷ lệ lợn mắc bệnh giảm còn 10%-15%, chết 1-2%. Đây là cơ sở để Viện Thú y Quốc gia sản xuất thử nghiệm thành công vắc-xin phòng bệnh trong nước, giá thành bằng 1/4 vắc-xin nhập khẩu cùng loại. “Đề tài “ Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ của bệnh tai xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và biện pháp phòng, chống” đã đưa ra được phác đồ điều trị bệnh viêm phổi kế phát của bệnh tai xanh, hiệu quả chữa trị đạt 94%. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, trong tỉnh không bùng phát dịch tai xanh, lợn mắc bệnh được chữa khỏi. Một số tỉnh đã đến Bắc Giang học hỏi phương pháp điều trị bệnh tai xanh và E.coli để áp dụng”. Ông Hoàng Đăng Huyến, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh.
Kế thừa kết quả này, năm 2013, anh Dương tiếp tục nghiên cứu thành công đề tài “ Nghiên cứu đặc tính sinh vật học của vi khuẩn App, S.sui, P.muntosida gây viêm phổi trong hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn tại Bắc Giang và biện pháp phòng trị” để bảo vệ luận án tiến sĩ. Qua đó, tác giả tìm ra 3 tác nhân chính gây bệnh viêm phổi kế phát của bệnh tai xanh, cơ sở để Viện Thú y Quốc gia thực hiện đề tài cấp bộ sản xuất thành công vắc-xin phòng bệnh viêm phổi ở lợn. Loại vắc-xin này đang được thử nghiệm tại một số trại lợn trong tỉnh và TP Hải Phòng, giá chỉ bằng 1/10 so với vắc-xin nhập khẩu, hiệu quả phòng bệnh hơn 95%.
Với kết quả nổi bật, năm 2013, anh Lê Văn Dương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển nông nghiệp nông thôn”. Hiện nay, anh tiếp tục nghiên cứu phòng bệnh đầu đen ở gà trên địa bàn tỉnh – một loại bệnh mới xuất hiện, thường lây lan nhanh làm gà chết hàng loạt trong khi chưa có biện pháp điều trị. Hy vọng anh tiếp tục thành công trước thách thức mới này.