Bắc Giang: Phong trào sáng tạo phát triển mạnh
Nặng lòng với nông dân
Được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Nội nhưng Vũ Xuân Khiêm (SN 1985) quyết định về công tác tại Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện ước mơ giản dị được bám vườn, bám ruộng, gắn bó lâu dài với nông dân.
Lớn lên bằng hạt gạo của quê hương Lạng Giang, hơn ai hết, Khiêm hiểu được nỗi vất vả, khó nhọc của nông dân. Vì vậy, kỹ sư trẻ luôn trăn trở xây dựng các mô hình chuyển giao kỹ thuật canh nông, cách thức phòng trừ sâu bệnh. Theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng, anh luôn trăn trở, tìm tòi các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Phát hiện thấy hiện tượng lạ trên cây trồng, anh theo dõi, ghi chép tìm hiểu nguyên nhân, biện pháp khắc phục.
Đến nay, anh đã có 4 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào bảo vệ cây trồng. Ở mỗi đề tài, anh đều dành trọn tâm huyết để nghiên cứu thực nghiệm. Thời gian qua, người trồng chè rất tâm đắc với đề tài "Xây dựng mô hình ứng dụng thuốc trừ sâu thảo mộc Anisaf SH-01 vào sản xuất chè an toàn tại Yên Thế" của anh. Ứng dụng rộng rãi này được đánh giá cao trong hội thảo khoa học các nghiên cứu bảo vệ cây trồng, vật nuôi toàn quốc năm vừa qua.
Trong công tác nghiên cứu, Khiêm luôn đưa ra những biện pháp phòng trừ sâu bệnh thân thiện với môi trường và mong muốn góp sức cùng nông dân sản xuất những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Với nỗ lực đó, anh được Tỉnh đoàn Thanh niên tuyên dương gương mặt trẻ say mê sáng tạo khoa học năm 2013.
Máy đột gạch hoa chanh
Anh Nguyễn Danh Hưng - Tác giả máy đột gạch hoa chanh.
Gạch có hoa văn, đường nét tựa như bông hoa chanh, dùng để trang trí các công trình nhà văn hoá, đền, chùa, nhà thờ hoặc gắn đỉnh nóc nhà thay cho viên ngói bò… Cách đây 3 năm, Nhà máy gạch ngói Tân Xuyên, thôn Tân Văn, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) sản xuất gạch hoa chanh bằng phương pháp thủ công, phải sử dụng nhiều loại dao, đục mới tạo được hoa văn trên viên gạch, nên rất tốn công. Bình quân, một lao động chỉ làm được 50-60 viên/ngày, do đó nhà máy không đủ sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Cũng do làm thủ công nên hoa văn trên gạch không đồng đều.
Trước thực tế đó, kỹ sư cơ khí Nguyễn Danh Hưng (SN 1974) luôn trăn trở việc chế tạo chiếc máy đột gạch hoa chanh để giảm bớt cực nhọc cho công nhân. Anh nghĩ đến nguyên lý hoạt động của máy "đột dập" sử dụng trong chế tạo cơ khí mà anh được học ở Trường Đại học Giao thông - Vận tải. Và anh tự hỏi, điều gì làm cho chiếc máy đột dập chuyển động lên xuống? Thế rồi anh thử nghiệm và tìm ra nguyên lý "đột dọc" từ chuyển động quay sang, chuyển động lên xuống qua hệ thống bánh răng. Theo đó, anh đã tính toán các thông số của bộ phận tạo hình phôi gạch, các bộ phận chi tiết trục đột hình bông hoa chanh, lưỡi cắt trên và dưới, lò xo đàn hồi… rồi vẽ trên máy vi tính. Sau khi hoàn thiện bản vẽ, anh lựa chọn công nhân có tay nghề cao trong nhà máy để gia công. Kết quả, sau hơn một tháng, máy đột dập gạch hoa chanh ra đời. Nhiều công nhân trong nhà máy nhận xét: Máy đột dập gạch hoa chanh vận hành đơn giản, đột hình hoa chanh nhanh và chính xác, đều hơn làm thủ công. Đặc biệt, sử dụng máy đột gạch hoa chanh, một công nhân sản xuất được 500-600 viên/ngày, cao gấp 10 lần so với trước đây. Nhờ đó, năm 2009, nhà máy sản xuất được 100 nghìn viên gạch hoa chanh, doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng. Với những ưu điểm vượt trội, máy đột gạch hoa chanh được tất cả các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty cổ phần Tân Xuyên sử dụng trong sản xuất gạch. Sáng chế máy đột gạch hoa chanh của anh đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi "Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ III năm 2009".
"Cây" sáng tạo, làm lợi cho công ty
Lương Xuân Huy, SN 1982 ở xã Dĩnh Kế (TP Bắc Giang). Tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2005, anh Huy về làm việc tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang). Những ngày đầu công tác tại tổ cơ điện, anh không khỏi bỡ ngỡ với thiết bị và những công việc được giao nên gặp không ít khó khăn.
Với niềm say mê kỹ thuật, anh luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi qua sách báo và đồng nghiệp, áp dụng thành công kiến thức vào thực tiễn sửa chữa thiết bị máy, từng bước nắm bắt làm chủ các thiết bị và được cấp trên tín nhiệm giao làm tổ trưởng tổ cơ điện. Năm 2009, sau khi Công ty nhập 2 máy rót dịch tự động 16 đầu rót về và đưa vào hoạt động thì kết quả không được như mong đợi, có lọ dịch rót không đầy, có lọ lại bị tràn ra ngoài... khiến doanh nghiệp phải tốn nhân công rót dịch và quá trình đóng nắp tiếp theo gặp khó khăn. Sau thời gian theo dõi và nghiên cứu, anh Huy đã tìm ra nguyên nhân và có phương án cải tiến máy được Ban giám đốc chấp nhận. Nguyên nhân của hiện tượng này là do dưa đã chèn kín lỗ thoát khí nên dịch không thể xuống lọ và anh đã chế tạo ra chi tiết lắp vào đầu van rót để nhấn quả dưa xuống giúp quá trình rót dễ dàng và lượng dịch rót trong lọ đạt yêu cầu đề ra, qua đó giảm tỷ lệ hàng hỏng khi đóng nắp. Giải pháp này đã tiết kiệm được tới 35% lượng dịch rót, qua đó tiết kiệm cho Công ty 100 triệu đồng/năm và giảm được 2 nhân công ở vị trí máy rót.
Sáng tạo của anh còn được Liên hiệp các hội khoa học tỉnh Bắc Giang trao giải ba trong hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2009. Ngoài ra, anh còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Công ty ghi nhận như: nghiên cứu chế tạo thành công máy đùn mắm ruốc, thiết kế lắp đặt dây chuyền sản xuất bán tự động tại xưởng sản xuất số 3... đặc biệt giải pháp thu hồi và xử lý tái sử dụng nguồn nước từ hệ thống thanh trùng liên tục của anh đã được trao giải khuyến khích trong hội thi sáng tạo tỉnh Bắc Giang năm 2011.