Bắc Giang: Những sản phẩm hữu ích từ phế liệu
Phế liệu thành máy thu gom rác đa năng
Em Nguyễn Đức Thịnh, học sinh Trường THPT Lạng Giang số 2 được người dân thôn Nguyễn, thị trấn Vôi - nơi em sinh sống, trìu mến gọi là “thợ điện”, hàng ngày Thịnh thường sửa chữa đồ điện giúp người thân, hàng xóm.
Thịnh cho biết ý tưởng chế tạo máy thu gom rác đa năng xuất phát từ những lần được đi tham quan tại một số nơi, em thấy vỏ kẹo bánh, túi bóng vứt bừa bãi ra lối đi, vệ đường. Để khắc phục tình trạng này, các cô lao công phải thay phiên nhau trực quét, gom rác. Theo em, làm thủ công vừa lâu lại tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích đối với người lao động nếu trong rác có chứa vật sắc nhọn như sắt thép, mảnh thủy tinh…
Từ suy nghĩ đó, Thịnh quyết tâm biến sáng kiến thành hiện thực bằng các vật dụng trong nhà bị hỏng hóc, không sử dụng được như: Đồ chơi hỏng, dây điện… rồi ra cửa hàng thu gom phế liệu tìm mua một số bộ phận để lắp ghép sản phẩm. Kiến thức hóa học, vật lý, toán học đã giúp em hiểu nguyên lý vận hành của các động cơ điện, từ đó tính toán lắp đặt các bộ phận một cách hợp lý.
Sau hơn ba tháng mày mò, thử nghiệm, Thịnh đã cho ra đời máy thu gom rác đa năng với các phần chính như: Thân máy, cánh tay gắp rác, quét rác, quét bụi và bộ phận điều khiển. Xe có thể chuyển động tiến hoặc lùi, sang trái, phải nhờ hệ thống bánh xe có gắn động cơ. Bộ phận chứa rác có thể tự động đổ rác khi đầy nhờ mô tơ điều khiển.
“Chổi chít quét nhà bị hỏng em lắp vào làm bộ phận quét bụi, còn phần quét rác em dùng cây chổi được trồng trong vườn để tiết kiệm chi phí”. Cậu học trò chia sẻ. Khi hoàn tất, em cho máy chạy thử tại gia đình, lớp học, sân trường và đạt kết quả tốt. Máy thu gom rác đa năng đã đoạt giải Ba Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh năm 2014.
Bức tranh từ lá cây, giấy vụn
Yêu thích môn mỹ thuật, nhóm học sinh Hoàng Ninh Hiệp, Lương Thị Minh Hiếu, Trường THCS Lam Cốt (Tân Yên) đã tạo ra bức tranh “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” sống động. Bức tranh có hình bản đồ Việt Nam, anh lính hải quân đứng gác bảo vệ chủ quyền biển đảo, lá cờ Tổ quốc bay phấp phới giữa biển trời bao la, điểm nhấn là cái bắt tay của người Việt Nam với bạn bè thế giới... Đáng nói là bức tranh được làm từ bìa các tông, lá cây nghiền nhỏ, giấy vụn, túi bóng.
Em Hoàng Ninh Hiệp cho biết: “Những bài giảng của thầy cô cho em hiểu rằng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta. Vì vậy, qua bức tranh này em muốn gửi gắm thông điệp Việt Nam muốn hòa bình và làm bạn với tất cả các nước trên thế giới; nhân dân và dân tộc ta luôn đoàn kết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.
Khích lệ tinh thần sáng tạo
Ngoài hai sản phẩm trên, nhiều học sinh cũng tận dụng phế liệu tạo nên mô hình mới lạ độc đáo như: Hệ thống phòng chống cháy nổ tự động của nhóm tác giả Nguyễn Duy Huy, Ngô Thanh Tùng, Hoàng Ngọc Khải, Trường THPT Ngô Sỹ Liên (TP Bắc Giang); máy cắt cỏ mi ni của em Nông Đức Long, thị trấn An Châu (Sơn Động).
Đặc biệt sản phẩm vật liệu mới từ lá cây khô của em Hứa Hồng Quân, Trường THPT Chuyên Bắc Giang là giải pháp nhiều ý nghĩa. Quân đã dùng lá lộc vừng, keo lá chàm, dã hương nghiền nhỏ. Sau đó, đổ bột vào dung dịch có keo kết dính, thảo dược tạo thành các sản phẩm khác nhau như: Mảnh vật liệu xua đuổi côn trùng, lớp vỏ lá bền, dẻo dai ngụy trang cho chiến sĩ …
Được biết, nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo của các em lứa tuổi học trò, hàng năm Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bắc Giang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh. Cuộc thi ngày càng thu hút được đông đảo tác giả, nhóm tác giả tham gia. Đơn cử, năm 2013 và 2014 có gần 300 mô hình, sản phẩm tham dự tăng gấp ba lần so với năm 2012.