Bắc Giang: Những nhà sáng chế nông dân
Đây là sáng chế của anh Bùi Văn Dự, thôn Hiệp Đồng, xã Thường Thắng huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Xuất phát từ thực tiễn việc chẻ nan nứa thủ công, vất vả, anh Bùi văn Dự đã tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo thành công "Dao chẻ nan nứa và máy lột nan nứa đan phên dàng".
Cấu tạo của dao bao gồm: lưỡi dao dài 50 cm, rộng 5 cm, cắt thành 10 đoạn, chụm với nhau theo kiểu đường kính hình tròn, chụm lại ở tâm. Đầu ngoài hàn liền vào một vòng sắt kiểu bánh xe cải tiến. Bên ngoài vành sắt hàn hai đoạn ống sắt đối xứng làm tay cầm. Căn cứ vào cỡ nứa to nhỏ, ông lần lượt làm các cỡ dao từ 9 nan đến 17 nan, tạo thành 01 bộ dao hoàn chỉnh.
Cấu tạo của máy lột nan nứa bao gồm khung máy và thân máy; khung máy làm bằng sắt V4; thân máy có 8 phần (trục truyền lực; con lăn; hộp điều chỉnh dầy, mỏng, nhanh, chậm; ốc cố định máy; lưỡi dao chẻ nan; máng đón rác; máng đặt nan; mô tơ). Tính mới của máy lột nan nứa, đó là thay 3 chiếc ốc giữ thân máy cố định của máy lột lá cọ bằng ốc có lò xo. Khi gặp mấu nứa, thân máy bị đè xuống, lò xo ép lại, điểm tiếp giáp giữa đĩa sắt và lô con mở ra cho mấu qua. Mấu qua xong, lập tức lò xo đẩy nâng thân máy lên, ép trở lại, tạo ra một quy trình tự động mở, ép của máy trong quá trình lột nan nứa.
Một bộ dao chẻ nan nứa (chẻ một lần được từ 9 - 17 nan) và 01 máy lột nan, 01 lao động làm 01 ngày bằng 80 lao động làm thủ công. Giá thành 01 máy là 2 triệu đồng (chưa tính mô tơ). Giải pháp được áp dụng rộng rãi ở trong và ngoài xã.
Băng chuyền tự xúc
Đó là sáng chế của anh Quách Quang Dũng (sinh năm 1980) ở thôn Gò Pháo, xã Hợp Thịnh, Hiệp trong lĩnh vực cơ khí, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Dũng(áo sơ mi đen) giới thiệu với Ban Giám khảo Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ V Máy xúc nguyên vật liệu xây dựng cát sỏi do anh sáng chế
Với các bộ phận chính như môtơ, dây băng, con lăn, cầu bánh, hệ thống điều khiển chuyển động, chiếc máy chỉ cần một người điều khiển có thể dễ dàng múc, chuyền cát, sỏi lên ô tô và di chuyển trên địa hình thuận lợi hơn ô tô. Với công suất tương đương một chiếc máy xúc 130, (1 phút 1 khối đất, cát sỏi), tương đương 10 người xúc cát, sỏi cật lực trong cùng một thời gian. Máy tự xúc có khấu hao và bảo dưỡng ít hơn so với máy xúc, vì máy xúc thường xuyên phải thay gầu múc. Máy tự xúc cho hiệu quả kinh tế cao hơn bởi tiêu tốn, chỉ bằng 1/20 nhiên liệu so với máy xúc thông thường.
Hiện nay, một chiếc máy xúc tự chế của anh Dũng có giá từ 70- 90 triệu đồng. Nhờ đáp ứng được yêu cầu của thị trường nên 3 năm qua đã có trên 115 máy xuất xưởng và hiện nay trung bình 1 tuần anh xuất xưởng một chiếc. Doanh thu mỗi năm đạt từ 3-4 tỷ đồng, đã tạo việc làm ổn định cho từ 7- 9 lao động, với mức lương trung bình từ 4- 5,5 triệu đồng/ người/ tháng.
Hiện máy xúc do anh sáng chế đã có mặt ở hầu hắp các tỉnh, thành trong khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ, Việt Trì, Tuyên Quang, Móng Cái…