Vusta tập huấn kỹ năng viết tin cho cộng tác viên
Tại lớp tập huấn kéo dài hai ngày, các nhà báo nhiều năm kinh nghiệm đem đến cho 24 học viên các kỹ năng cơ bản về viết tin, trong đó có tin khoa học và tin về hoạt động hội, theo phong cách hiện đại, hướng đến độc giả, đại diện của Ban Đào tạo và Phổ biến Kiến thức thuộc VUSTA cho biết.
Ông Tống Văn Đỉnh phát biểu khai mạc khóa tập huấn |
Tam giác ngược và phân tầng thông tin
Trong hai ngày tập huấn, kết thúc vào chiều 18/1 tại trụ sở VUSTA, hai giảng viên đến từ Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) trình bày và trao đổi với học viên một số vấn đề chính xung quanh cách tiếp cận và viết tin hiện đại.
Học viên tham dự khóa tập huấn là cán bộ ở các hội ngành trung ương và đơn vị 81 trực thuộc VUSTA. Ban tổ chức ưu tiên cán bộ đã và đang cộng tác với trang web của VUSTA và cán bộ từng viết báo. |
Trong số các nội dung được đề cập tại lớp tập huấn lấy thảo luận và tương tác làm cách tiếp cận chính, có các vấn đề như vai trò của cộng tác viên trong nền báo chí hiện đại; sự cần thiết nắm vững kỹ năng viết tin hiện đại đối với cộng tác viên; bước đầu tìm hiểu chu trình thông tin, tìm hiểu cách chọn tin, tiêu chí chọn tin; tìm hiểu cấu trúc tin theo phong cách hiện đại với mô hình tam giác ngược; v.v...
Học viên còn nghe giới thiệu và thực hành cách viết tít (headline), đoạn mở đầu (lead), và nội dung (body text) theo cách hướng đến độc giả, gây sự chú ý cho độc giả, tránh gây mất thời gian cho độc giả.
“Cấu trúc tin hiện đại phải đảm bảo sự liên kết chặt chẽ về thông tin giữa các thành phần của tin, tiết kiệm tối đa thời gian đọc của độc giả”, ông Hoàng Quốc Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực VFEJ, Tổ trưởng Tổ Khoa học-Y tế, Báo Tiền Phong và là giảng viên chính của lớp tập huấn, nói. “Cấu trúc tin hiện đại ngoài việc lôi kéo sự tò mò cho độc giả, làm rõ vấn đề ngay từ đầu, còn phải được sắp xếp, bố cục sao cho đảm bảo cung cấp các thông tin chuyên sâu cho nhóm độc giả muốn tìm hiểu kỹ nội dung của tin”.
“Rất nhiều nghiên cứu của các trung tâm truyền thông quốc tế đều chung nhận định, phân tầng thông tin theo các nấc từ khái quát đến cụ thể, càng về cuối tin, thông tin càng chi tiết, là cách tối ưu để tránh tình trạng tra tấn độc giả”, ông Dũng, người đã tham gia khá nhiều khóa đào tạo báo chí quốc tế, nói tiếp.
“Phân tầng thông tin theo hướng đi từ tổng thể đến cụ thể, một mặt, giúp độc giả thời hiện đại vốn không có nhiều thời gian nhanh chóng nắm bắt được nội dung chính của tin, mặt khác, vẫn có thể cung cấp cái nhìn sâu cho nhóm độc giả quan tâm nhiều hơn đền vấn đề đề cập trong tin”.
Khách quan, miễn bình luận, vì độc giả
Học viên thảo luận nhóm |
“Cài ý kiến cá nhân vào tin dưới nhiều dạng khác nhau như “cần phải...”, “mong rằng...”, “đề nghị...”, v.v..., là tối kỵ đứng trên phương diện hiệu quả truyền thông”, ông Dũng – 15 năm kinh nghiệm về viết báo, chia sẻ.
“Các ý kiến cá nhân cần tách bạch khỏi tin bài phản ánh. Để tránh gây nhầm lẫn, tránh gây nhiễu trong việc cung cấp thông tin cho độc giả. Ý kiến cá nhân cần và có thể được trình bày ở các mục khác như bình luận, xã luận, phóng sự, ghi chép, ký sự, bút ký, v.v...”.
Để đảm bảo định hướng làm tin vì độc giả, học viên còn được nghe giới thiệu phương pháp tư duy mới mang tên Phương pháp Maestro(Maestro Concept). Theo tác giả Maestro Concpet, khi độc giả là đối tượng tối thượng, đứng trước mỗi sự kiện và trước khi cầm bút, nhà báo hay biên tập viên bao giờ cũng phải đặt mình vào vị trí của độc giả. Để làm được việc đó, nhà báo hay biên tập viên cần trả lời các câu hỏi: “Tin này có làm cho độc giả đích quan tâm không?”, “Nếu có, khía cạnh nào của tin tức làm cho độc giả quan tâm nhất?”, v.v...
Giảng viên tại lớp tập huấn cho biếtMaestro Concept rất nổi tiếng trong làng báo thế giới thời gian gần đây và mới du nhập vào Việt Nam từ năm 2005 thông qua các khóa đào tạo báo chí do FOJO, Thụy Điển, phối hợp với Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.
Đa dạng học viên
Khóa tập huấn kết thúc với một số kết quả chính đạt được như: - Học viên nắm được những kỹ thuật, kỹ năng cơ bản về viết tin, bài phản ánh (cấu trúc, nội dung, ảnh minh họa, v.v...) - Học viên biết được những kỹ năng khai thác nguồn, loại thông tin từ hoạt động của tổ chức để viết tin, bài phản ánh. - Học viên đăng ký trở thành cộng tác viên thường xuyên của trang web www.vusta.vnvà bản tin “Khoa học-Công nghệ-Phát triển” của Liên hiệp hội Việt Nam. |
Đăng ký tham gia lớp tập huấn là học viên đến từ các tổ chức thuộc VUSTA. Có một số học viên cao niên như ông Trần Ngọc Ba (sinh năm 1944, Phó Chủ tịch thường trực Hội KHKT An toàn Thực phẩm Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Thực phẩm và Đời sống), học viên Lê Quý Tuệ (sinh năm 1945, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), v.v... Trong số các học viên trẻ nhất đăng ký lớp tập huấn, có chị Đặng Thị Khuyến (sinh năm 1985, Tạp chí Điện tử Ngày nay, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam), chị Trí Thị Giang (sinh năm 1985, Hội Chăn nuôi Việt Nam), v.v...
Kinh nghiệm báo chí và đào tạo của học viên trước khi tham dự khóa tập huấn cũng rất khác nhau. Có học viên chuyên cập nhật tin lên website của hội và viết tin cho các ấn phẩm của VUSTA nhưng chưa từng tham gia loại hình tập huấn báo chí nào. Có học viên như Đoàn Thủy Lệ (Trung tâm Hỗ trợ trẻ em nghèo, khuyết tật – CenForChil) từng được đào tạo báo chí chính quy trong trường đại học, tham gia hoạt động báo chí tại các tòa soạn báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, Kinh tế nông thôn, Tạp chí Dân tộc&Thời đại.
“Số lượng học viên đông, tuổi tác, kiến thức và kinh nghiệm báo chí không đồng đều, thậm chí khác xa nhau ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của lớp tập huấn”, nhà báo Nguyễn Bắc Sơn – Phó Chủ tịch VFEJ và là trợ giảng lớp tập huấn, nhận xét.
Theo ông Sơn, để đảm bảo chất lượng đầu ra của lớp tập huấn, học viên nên được phân loại để trình độ đầu vào không nên cách biệt nhau quá xa.
Cấp bách đổi mới
Trong lời khai mạc khóa tập huấn, ông Tống Văn Đỉnh đề cập đến sức ép về nhu cầu cấp bách đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cộng tác viên cho các ấn phẩm của VUSTA cũng như của các tổ chức thành viên.
ThS Hoàng Quốc Trị giới thiệu với các học viên về bản tin và trang web của Liên hiệp hội Việt Nam |
nhiên, ông thừa nhận chất lượng tin bài của đội ngũ cộng tác viên đầy tiềm năng này còn xa mới đáp ứng được đòi hỏi.
“Nhiều năm làm tin và biên tập tin, tôi nhận thấy tin bài gửi về nhiều nhưng chất lượng lại đáng trăn trở”, ông Trị nói. Một trong những nguyên nhân khiến đội ngũ công tác viên chậm được đào tạo và đào tạo lại, theo ông Trị, là do lãnh đạo các đơn vị chủ quản chưa nhận thức được nhu cầu đổi mới.
“Phần lớn lãnh đạo đều nghĩ cán bộ hội nào cũng biết viết tin và vì thế, cũng chẳng cần rèn luyện nâng cao chất lượng viết tin”.
Ông Đỉnh cho rằng hệ thống báo chí của VUSTA rất lớn (với hơn 150 báo, tạp chí, bản tin và website) nhưng chưa phát huy được thế mạnh tiềm tàng cũng như đẩy mạnh vai trò truyền thông, định hướng dư luận, và giáo dục công chúng của mình.
Những tờ báo có kinh nghiệm, có số lượng độc giả lớn là tờ báo biết nuôi dưỡng đội ngũ cộng tác viên. Cộng tác viên, xét theo nghĩa rộng, là những người có thể cung cấp thông tin cần thiết cho tòa soạn vào bất cứ thời điểm nào, nhất là với những cộng tác viên có vốn nghề, vốn tri thức được tích lũy nhiều theo thời gian. |
“Những năm qua, VUSTA thực hiện hàng loạt hoạt động, từ tư vấn, phản biện, giám định xã hội, phổ biến kiến thức, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật đến việc thực hiện các dự án phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, tổ chức các hội thi, giải thưởng, hội chợ-triển lãm, v.v...”, ông Đỉnh nói.
Để quảng bá hình ảnh của mình, VUSTA chủ động liên kết với các cơ quan truyền thông lớn như Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam, v.v...
Tuy nhiên, vẫn theo ông Đỉnh, VUSTA vẫn chưa được nhiều người biết hoặc để ý đến.“Không nhiều người trong xã hội biết VUSTA, để ý đến VUSTA. Ngay trong mạng lưới của VUSTA, không ít người gọi không đúng tên VUSTA”, ông Đỉnh than phiền. “Bản thân mạng lưới truyền thông của VUSTA phản ánh hoạt động của VUSTA vừa không nhiều vừa thiếu hấp dẫn”.
“Cái gốc của vấn đề, nguyên nhân cơ bản là cái cách chúng ta viết tin bài chưa thực sự gây sự chú ý của độc giả”, ông Đỉnh khẳng định. Và khóa tập huấn “Kỹ năng viết tin khoa học/ tin hoạt động Hội” là một trong những nỗ lực của VUSTA nhằm cải tiện tình hình trên.
Vũ Thị Diệu Hương (Hội Cơ điện tử Việt Nam ): “Tôi thích nhất được tiếp xúc với phong cách làm báo hiện đại vì phong cách này sẽ khiến tác phẩm của tôi đến gần hơn và nhiều hơn với các độc giả - yếu tố quan trọng nhất của bất cứ người viết tin, bài nào”. Nguyễn Thành Trung (Tạp chí Người tiêu dùng): “Sau khóa học, tôi đã có một cách nhìn mới về cách viết tin, bài thời hiện đại. Không viết theo chủ quan của mình mà viết những gì độc giả cần vì đó mới là đích đến của công việc truyền thông… Nên có thêm nhiều lớp tập huấn theo hình thức này”. Hoàng Văn Hùng (Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về khoáng sản): “Đề nghị VUSTA đề xuất các vấn đề nhiều khả năng cộng tác cho các thành viên. Nên có một forum (diễn đàn) cho các cộng tác viên trên web”. |