Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 21/04/2015 18:28 (GMT+7)

Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975

Chiến dịch lịch sử 
Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 

Lực lượng của địch ở vòng ngoài còn mạnh, song bên trong yếu, sơ hở, không có khả năng tăng viện. Ta cũng nhận định, Mỹ khó có khả năng can thiệp trở lại bằng lục quân, khả năng can thiệp bằng không quân và hải quân càng hạn chế.

Ngày 31/3, Bộ Chính trị họp nhận định: “Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Từ giờ phút này trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc".

Bộ Chính trị nhấn mạnh: "Phải nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không để chậm". 

Để thực hiện quyết tâm đó, Bộ Chính trị quyết định tập trung lực lượng chỉ đạo giành thắng lợi trong trận quyết chiến lịch sử này. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được mang tên là "Chiến dịch Hồ Chí Minh".

Lúc này, chế độ ở Sài Gòn là không thể cứu vãn, song Mỹ vẫn chưa từ bỏ tham vọng vớt vát về chính trị. Mỹ vừa tung tin dọa dẫm ta vừa đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, gây sức ép với ta nhằm ngăn chặn cuộc tổng tiến công của ta vào Sài Gòn. 

Ngày 21/4, theo chủ trương của Mỹ, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay và kêu gọi “ngừng bắn để thương lượng”. 

Ngày 26/4, khi Thiệu vừa chạy tới Đài Loan (Trung Quốc), thì Trần Văn Hương lại phải từ chức để nhường chỗ cho con bài chót của Mỹ là Dương Văn Minh. Song âm mưu của Mỹ chỉ là ảo tưởng. Giờ cáo chung của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam đã điểm.

17 giờ ngày 26/4/1975, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng là: Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, Đông và Đông Nam, Tây và Tây Nam, vùng ven và nội thành Sài Gòn, nhất loạt tấn công địch với sức mạnh vũ bão, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Những trận chiến đấu quyết liệt và những trận bão lửa dữ dội diễn ra trước hết ở hướng đông là hướng địch tập trung nhiều lực lượng và tổ chức chống cự rất điên cuồng. Ngày 27/4, ta giải phóng tỉnh Phước Tuy, chiếm và giữ các đầu cầu vào nội thành Sài Gòn. 

Ngày 28/4, ta tăng cường vây ép Sài Gòn trên các hướng; bao vây, ngăn chặn không cho các Sư đoàn chủ lực của địch co cụm về vùng ven nội thành. Trong ngày 29/4, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương gửi Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch; tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng”. 

Ngày 29/4, ta tổng tiến công trên toàn mặt trận, ngăn chặn và tiêu diệt các tập đoàn địch ở vòng ngoài, thọc sâu đánh chiếm các địa bàn quan trọng ở vùng ven, chuẩn bị đồng loạt đánh vào nội đô. Tính đến cuối ngày 29/4, bộ đội ta đã đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các Sư đoàn 5, 25, 18, 22, 7 của quân ngụy. 

Các binh đoàn thọc sâu đã tiến đến vùng ven, cách trung tâm Sài Gòn từ 10 đến 20 km. Các lực lượng vũ trang tại chỗ hoạt động mạnh trên các địa bàn, giữ vững các cầu trên đường vào thành phố.

Miền Nam toàn thắng

Sáng ngày 30/4, Đại sứ Mỹ Graham Martin chạy khỏi Sài Gòn. 5 giờ sáng ngày 30-4, với sự hiệp đồng chiến đấu rất anh dũng của các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, các lực lượng biệt động, tự vệ vùng ven và nội đô, cùng với sự nổi dậy đều khắp và rất kịp thời của quần chúng trong và ngoài thành phố, các cánh quân hùng mạnh đã thần tốc thọc sâu, tiến thẳng vào chiếm các mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn - Gia Định: Dinh Độc lập (tức Phủ Tổng Thống ngụy), Bộ Tổng tham mưu và Khu Bộ tư lệnh các binh chủng của địch, sân bay Tân Sơn nhất, Đài Phát thanh, Biệt khu thủ đô và Tổng Nha cảnh sát. 

Binh đoàn hỗn hợp của Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc lập lúc 10 giờ 45 phút, bắt toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn, buộc Dương Văn Minh phải lên đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện. 11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, ta kéo cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập. 

Đúng giờ phút ấy, nhân dân cả nước reo mừng khi được tin Sài Gòn được giải phóng. Nhân dân Hà Nội đổ ra đường, tung hoa, vẫy cờ, mít tinh, tuần hành và hô vang khẩu hiệu: “Hoan hô miền Nam hoàn toàn giải phóng”, “Tổ quốc Việt Nam anh hùng muôn năm”. Trên đà chiến thắng, đến ngày 1/5, cơ bản các tỉnh, thành phố trên đất liền, các đảo và quần đảo ở biển Đông trên toàn miền Nam được hoàn toàn giải phóng. 

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ lực lượng chủ lực, địa phương và cảnh sát thuộc quân khu 3 ngụy, lực lượng tổng trù bị còn lại và tàn quân của quân đoàn 1 và 2. Đập tan hệ thống chính quyền ngụy từ trung ương đến cơ sở... 

Ta thu được hầu hết toàn bộ vũ khí kỹ thuật hiện đại, căn cứ, kho tàng của địch. Nhân dân trong khu vực chiến dịch hầu như không bị tổn thất, thành phố gần như nguyên vẹn, các cơ sở vật chất về quân sự, kinh tế, sinh hoạt ta đều thu được. Mọi hoạt động của thành phố trở lại bình thường.

Ngay sau đó, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã gửi điện tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định. 

Bức điện viết: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, đưa Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”.

Thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định nghệ thuật của chiến tranh nhân dân Việt Nam, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp và thế trận lợi hại, với ưu thế áp đảo quân địch, đánh vào hệ thống phòng thủ lớn nhất của địch, thực hiện tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giành thắng lợi triệt để trong thời gian ngắn nhất (3,5 ngày). 

Đây là chiến dịch tiến công có ý nghĩa chiến lược cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có sự hợp đồng binh chủng lớn nhất; được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo trực tiếp, tập trung, sâu sát, kịp thời và sáng suốt. 

Những bài học quan trọng để chiến thắng là: nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm mở chiến dịch kịp thời, chính xác; nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp cả lực lượng và thế trận; cách đánh chiến dịch đúng đắn, sáng tạo, đầy mưu lược, hiệu quả cao. 

Thắng lợi của ta cũng là thất bại to lớn nhất của Mỹ từ trước tới nay, mở ra một kỷ nguyên mới cho phong trào cách mạng thế giới. Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.