Văn hoá đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh
Một trong những nét nổi bật và xuyên suốt ở văn hoá đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh là tình thương yêu con người. Đồng chí Phạm Văn Đồng khẳng định: “Hồ Chí Minh là hiện thân của chủ nghĩa nhân văn theo ý nghĩa đầy đủ. Đó là con người yêu thương, kính trọng, tin tưởng, biết đòi hỏi và nâng đỡ con người. Đối với từng người cũng như đối với đông đảo nhân dân lao động, quan tâm đến số phận của mọi người, dù cho đó hôm qua là kẻ thù hoặc người lầm đường lạc lối nay hối cải” (1). Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tâm trí, sức lực, tình cảm để thực hiện mục đích đem lại độc lập, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng trong suốt hành trình của cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngoài mục đích cao cả, tất cả vì hạnh phúc con người: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (2).
Những tháng năm ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, tấm lòng nhân ái bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được phản ánh sâu sắc ở sự quan tâm và sẻ chia đối với từng con người: lo toan trước hết cho những con người ở vị trí chiến đấu gian khổ nhất, chia sẻ đau buồn, cảm thông với những người mất mát, hy sinh; khoan dung độ lượng với những người lầm lỗi, khuyết điểm nay thành thật hối cải; thuyết phục những người do dự, phân vân; trân trọng các cháu thiếu nhi; sống chan hoà, gần gũi với những người giúp việc quanh mình. Tình thương yêu con người ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là lòng thương hại, cũng không phải là lòng trắc ẩn mà là sự đồng cảm sâu sắc của những người cùng cảnh ngộ, những đau khổ, hy sinh của đồng bào. Người luôn hướng về đồng bào, chiến sĩ niềm Namvới tình thương yêu sâu nặng: “Một ngày miền Nam chưa được giải phóng là ngày đó tôi ăn không ngon, ngủ không yên… Ở miền Nam mỗi người, mỗi gia đình đều có những nỗi đau khổ riêng và gộp lại tất cả những nỗi đâu khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi” (3). Tình thương yêu con người của Bác còn thể hiện ở sự chăm sóc, lo lắng đối với đồng bào, đồng chí, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, các chiến sĩ ngoài mặt trận. Bác dành trọn số tiền tiết kiệm của mình mua nước giải khát cho bộ đội uống. Bác chia quà cho các cháu thiếu nhi mỗi tết Trung thu. Mỗi khi có gió mùa đông bắc về, Người nhắc nhở chống rét cho các em nhỏ, cụ già. Bác quan tâm đến những ngày giáp hạt của nông dân, thấu hiểu nỗi vất vả khó nhọc của những người lao động và tìm mọi cách để góp phần cho cuộc sống người dân bớt đi phần vất vả. Một đêm đông giá rét nghe thấy tiếng chổi tre quét rác, thương sự vất vả của những người lao công quét đường, Bác đề nghị các cấp các ngành phải có chế độ bảo hộ lao động cho những người làm công việc vất vả này. Nhân một chuyến thăm Trung Quốc, Bác đã xin một loại cây mùa đông ít rụng lá về trồng trong vườn Phủ Chủ tịch, với mong muốn nhân giống trồng trên các đô thị để bớt đi nỗi khó nhọc cho những người lao công quét đường. Khi thăm nước bạn, thấy một loại cây có quả ép dầu để ăn, nghĩ đến đồng bào ta còn thiếu thốn khó khăn, Bác đã xin cây đó về trồng với điều mong muốn giản dị để cho nhân dân bớt khó khăn phần nào. Bác luôn gần gũi với cuộc sống của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến và nguyện vọng của dân. Khi có điều kiện và thời gian, Bác thường xuống các cơ sở thăm hỏi động viên, tìm hiểu tâm tư tình cảm, cuộc sống của người dân. Trong những chuyến đi thăm cơ sở, Bác lắng nghe những kiến nghị của quần chúng và đề ra những sáng kiến quan trọng, những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, những gợi ý thiết thực, đòi hỏi những người có liên quan suy ngẫm và tìm mọi cách thực hiện để cải thiện cuộc sống của nhân dân. Sự gần gũi, chu đáo, ân cần đối với từng con người xuất phát từ cái tâm chân thành, trong sáng, một tấm lòng nhân ái bao la của Bác. Trước khi đi xa trong di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn những việc cần làm sau khi chiến tranh kết thúc. Việc đầu tiên mà Người quan tâm là công việc đối với con người: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”… Với với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét…” (4).
Tình thương yêu con người trong văn hoá đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở sự hy sinh quyền lợi và hạnh phúc của riêng mình vì mọi người. Vì tình thương yêu con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh cuộc sống riêng của mình cho Tổ quốc, nhân dân, chọn cho mình một cuộc sống giản dị, thanh đạm cùng chia sẻ những khó khăn với đất nước và nhân dân. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thành công, thủ đô Hà Nội giải phóng, Bác từ chối ở trong ngôi nhà sang trọng vốn là dinh thự Phủ toàn quyền Pháp ở Đông Dương và đến ở một ngôi nhà bình dân vốn là ngôi nhà của một công nhân thợ điện, rồi sau đó là ngôi nhà sàn gỗ giản dị. Bác sống như một người dân bình thường của đất nước Việt Nam . Bữa cơm hàng ngày của Bác cũng vô cùng đạm bạc với bát canh, quả cà, lát cá kho hoặc vài ba miếng thịt… Những ngày tháng đất nước khó khăn, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, Bác đề nghị chiều thứ bảy hàng tuần để Bác ăn cháo và Bác vẫn ăn cơm độn ngô. Đi thăm các địa phương ở xa, bao giờ Bác cũng đề nghị anh em phục vụ chuẩn bị cơm nắm để tránh làm phiền và tốn kém tiền của của nhân dân. Bác khuyên: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến đồng bào đói khổ chúng ta không khỏi động lòng”. Tư trang của một vị Chủ tịch nước cũng chỉ khác những người nông dân nghèo nhất. Bác luôn nhắc nhở mọi người: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh, trong lúc nhân dân còn thiếu thốn, nghèo khổ mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp như vậy là không có đạo đức” (5). Có lần ngành văn hoá thông tin đến xin phép dựng nhà lưu niệm Bác ở Nam Liên (Nghệ An), ở Pác Bó (Cao Bằng), nhưng Bác đã từ chối: “Các chú thương Bác thì nên lo lấy cái ở, cái ăn, cái mặc của bà con ở đây. Dựng nhà lưu niệm tốt làm gì, nếu bà con ta ở vùng này ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa sạch. Phải tổ chức nhà trẻ cho tốt, phải xây dựng trường học, bệnh xá cho tốt. Phải chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bà con xã viên. Đó là cách lưu niệm tốt nhất” (6).
Hồ Chủ tịch về thăm Pác Bó năm 1961 |
Văn hoá đạo đức nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ bộc lộ ở tình thương yêu con người, sự bao dung độ lượng đối với từng con người, mà còn thể hiện sâu sắc trong mối quan hệ với thiên nhiên và môi trường. Tình cảm của Người với thiên nhiên, thật phong phú và nhiều màu sắc, thể hiện một tầm nhìn, một quan niệm triết lý nhân sinh tiến bộ. Mối quan hệ với thiên nhiên được thể hiện sâu sắc trong những năm Bác sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch. Trước hết, mối quan hệ này được thể hiện ở tình yêu của Bác dành cho thiên nhiên và cách sử dụng, cải tạo thiên nhiên thành một môi trường sống tuyệt đẹp. Đến với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là đến với một môi trường sống tuyệt vời: có hồ nước mát, thảm cỏ xanh, có rừng cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây bóng mát, cây lâu năm, cây cảnh… tất cả hiện hữu bên nhau như một bức tranh thiên nhiên hữu tình. “Cái nhà sàn của Bác từ nhiều năm nay nhiều người ở nước ta và trên thế giới đã biết và xúc động lúc viếng thăm nhà sàn ấy. Ở đây, Hồ Chí Minh đã sống với thiên nhiên” (8). Mối quan hệ với thiên nhiên và môi trường còn thể hiện qua ý thức và thái độ ứng xử của Bác đối với môi trường mà cụ thể là cỏ cây, hoa lá trong khu vườn Phủ Chủ tịch. Bác yêu từng ngọn cỏ, mỗi nhành hoa và “chẳng làm đau một chiếc lá trên cành”. Gần ngôi nhà sàn của Bác có một cây bụt mọc, các đồng chí phục vụ phát hiện thấy cây bị mối xông và thân bị hỏng sâu vào quá một nửa, sợ cây có thể bị đổ bất ngờ, gây nguy hiểm và mọi người quyết định chặt bỏ. Biết chuyện, Bác không đồng ý, bảo: Chặt bỏ một cây thì dễ dàng thôi, nhưng trồng một cây mới thì rất khó. Bởi vậy các chú hãy tìm cách nào đó để chữa cho cây. Anh em phục vụ đã làm theo lời Bác. Kết quả sau một thời gian cây không bị mối xông và phát triển bình thường. Ở đầu nhà sàn có cây vú sữa của đồng bào miền Nam tặng Bác đầu xuân 1955 được Bác yêu thương chăm sóc đặc biệt. Đầu giờ buổi sáng và sau giờ làm việc buổi chiều, Bác luôn dành thời gian chăm tưới cho cây. Mùa đông, lo cho cây bị rét Bác nhắc các anh em phục vụ lấy rơm quấn quanh thân cây để chống rét.
Mối quan hệ với thiên nhiên và môi trường còn thể hiện ở sự quan tâm và tầm nhìn chiến lược về bảo vệ môi sinh, môi trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ rất sớm, Bác đã quan tâm tới việc giữ gìn, bảo vệ và xây dựng một môi trường sống trong lành cho nhân dân và chọn việc trồng cây và bảo vệ cây xanh làm đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường. Tại Phủ Chủ tịch, ngày 28-11-1959, Bác đã đưa ra một sáng kiến quý báu: “Tết trồng cây”. Và mùa xuân năm 1960 đã mở đầu phong trào trồng cây lịch sử. Ngay từ buổi đầu phát động Bác đã chỉ rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi rất nhiều… trong mươi năm nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, khí hậu điều hoà hơn. Điều đó sẽ góp phần vào việc cải thiện đời sống nhân dân ta” (9). “Tết trồng cây” đã trở thành phong tục tốt đẹp, là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của dân tộc, từng bước phát huy tiềm năng phong phú, giàu đẹp của thiên nhiên, tạo ra những cảnh quan mới có tác dụng trong việc cải thiện môi sinh, bảo vệ môi trường sống cho nhân dân và đất nước.
Có thể khẳng định văn hoá đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh được biểu hiện ở nhiều khía cạnh, từ tình thương yêu con người, đồng bào, đồng chí; sự bao dung độ lượng đối với từng con người; sự hy sinh bản thân mình vì mọi người, đến tình yêu và thái độ ứng xử đối với thiên nhiên môi trường sống… Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên một biểu tượng cao đẹp của đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh với đầy đủ ý nghĩa của nó, được thể hiện sâu sắc trong những năm tháng Bác ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch và được kết tinh trong các di sản vật thể và phi vật thể của Bác để lại. Đây là những giá trị vô giá về nhân cách, phẩm giá, về chuẩn mực ý thức, chuẩn mực đạo đức và là những bài học sâu sắc thiết thực về lối sống, phong cách sống, đạo lý làm người đối với mọi tầng lớp nhân dân.
__________________
Chú thích:
1. Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh quá khứ - hiện tại – tương lai , Nxb Sự thật, Hà Nội, 1992, tr. 49.
2. Hồ Chí Minh toàn tập , tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 100.
3. Hồ Chí Minh toàn tập , tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 6.
4. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh , tr. 41.
5. Tạp chí Văn hoá - Nghệ thuật, số tháng 8 – 1999, tr. 47.
6. Hà Huy Giáp, Suy nghĩ về đạo lý làm người của Chủ tịch Hồ Chí Minh , Nxb Sự thật, Hà Nội, tr. 40.
7. Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp , Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990. tr. 67.
8. Phạm Văn Đồng, Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh , Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 31.
9. Hồ Chí Minh toàn tập , tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 532.