Trí thức và cách đối đãi với trí thức của Hồ Chí Minh
Thời cổ đại ở nước Trung Hoa, quan hệ Lưu Bị - Khổng Minh Gia Cát Lượng là một ví dụ điển hình. Ở Việt Nam ta buổi đầu khởi nghiệp của Lê Lợi, tài năng và lòng ái quốc vô bờ bến của Nguyễn Trãi đã được phát huy và ông đã trở thành một đại khai quốc công thần trong thời đại nhà Lê. Nhưng cũng với sự hạn chế của triều đình đại phong kiến ấy mà thân phận người trí thức như Nguyễn Trãi đã trở thành bi kịch lớn nhất của lịch sử dân tộc. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói về cái chết oan nghiệt của Nguyễn Trãi (và dòng họ) là bởi vì Ức Trai tiên sinh vĩ đại quá, tài năng và đạo đức sáng như sao Khuê, lòng trung quân ái quốc, nỗi ưu lo về cuộc đời dân nước to lớn quá không hề tương dung được với sự tha hoá, tranh giành quyền lực của giới quý tộc đương thời.Hồ Chí Minh, người khởi xướng và lãnh đạo thành công cuộc cách mạng lớn nhất và khó khăn nhất trong lịch sử dân tộc đã đối đãi với con người nói chung và người trí thức nói riêng một cách mẫu mực. Người là bậc thầy muôn đời cho các thế hệ lãnh đạo chính trị về sau. Do đó cả dân tộc, trong đó trí thức ở Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy đứng lên sáng loà” ( theo cách nói của Nguyễn Đình Thi) để “Ta bên Người. Người toả sáng trong ta” ( theo cách nói của Tố Hữu).
Học tập và làm theo Hồ Chí Minh không phải chỉ trên bình diện tư tưởng đạo đức mà “trên hết và trước hết là noi theo Người, làm theo Người trong hành động cách mạng, là sửa đổi cách lãnh đạo” trong đó có cách ứng xử và đối đãi của người lãnh đạo, quản lý đối với trí thức.
Một là, phát triển tinh thần yêu nước và ý thức tự trọng dân tộc của trí thức.
Nếu hiểu rằng trí thức là người có tài sảnđặc biệt, riêng có của mỗi người, ở trong tim óc của mỗi người, nó không giống bất cứ tài sản hữu hình nào, không thể “quốc hữu hóa” được tài sản đó, càng không thể dùng mệnh lệnh để có thể khai thác được tài sản đó thì chỉ có cách là người lãnh đạo phải biết tìm ra mẫu số chung của lợi ích cách mạng và lợi ích của người trí thức.
Hồ Chí Minh đã chỉ ra rất sớm rằng, ở đời ai cũng có quyền tin theo một học thuyết, một chủ nghĩa nhưng có một điểm chung mà hễ là người Việt Nam thì ít nhiều ai cũng có. Đó là tinh thần yêu nước và ý thức tự trọng dân tộc. Trí thức có thế mạnh là nhạy bén chính trị, họ cảm thấy nô lệ, mất nước là quốc sỉ. Họ mong muốn, vật vã để tìm lối thoát nhưng bế tắc. Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Hồ Chí Minh, đã sáng suốt tìm ra con đường giải phóng dân tộc. “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng… Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng”… Và quan trọng là Hồ Chí Minh bằng cả cuộc đời bôn ba nếm mật nằm gai, vào tù ra tội, bất chấp gian khổ, hy sinh nên lời kêu gọi ấy có sức nặng của sự hòa đồng, đồng tâm, đồng chí, của sự dẫn dắt đầy tin cậy: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực để cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”. (TT. T3. tr 198).
Tóm lại, Hồ Chí Minh đã phát triển tinh thần yêu nước và ý thức tự trọng đơn lẻ của từng người trí thức hòa đồng vào chủ nghĩa yêu nước và ý thức tự cường dân tộc của toàn dân. Nhờ đó, trí thức Việt Nam ngày càng trở thành đội ngũ hùng hậu của dân tộc, đã xây đắp nên mối liên kết tất yếu của sự phát triển: Cách mạng và trí thức, trí thức và cách mạng.
Hai là, trân trọng trí thức, tìm kiếm người tài đức là nghĩa vụ và bổn phận của nhà lãnh đạo.
Những ngày đầu tiên, trên cương vị nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc, dễ hiểu về mối quan hệ giữa nhân tài và kiến quốc. Người viết “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Và, Người thiết tha “Mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến… lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch cho rõ ràng. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay”. (TT. T4. tr 99).
Trong công tác tổ chức nhân sự, Hồ Chí Minh đã nghiêm cấm các cơ quan Đảng và Chính phủ không được “tư túng, kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”(TT. T4. tr 57). Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc tự phê bình vì chưa bao quát hết nên một số cơ quan chính phủ đã quan liêu, thiếu sâu sát để cho một số người tài đức chưa có dịp tham gia việc kháng chiến kiến quốc. Một chỉ thị ngắn, rất ngắn, không cần lắm chữ nhiều lời, ngày 20-11-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể coi là một chỉ thị trường tồn cho các thế hệ cán bộ lãnh đạo đất nước:
“Tìm người tài đức.
Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức.
E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.
Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo ngay cho Chính phủ biết.
Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó.
Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”.
Chủ tịch Chính phủ Việt Nam
Hồ Chí Minh
(T4. tr 541)
Ba là, tin dùng, mạnh dạn trao cho người trí thức những chức vụ tương xứng với tài năng và đức độ của họ.
Người trí thức Việt Nam nói chung đều có lòng tự trọng, tự tin và ham tiến bộ, mong được giao nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường. Họ mong muốn được làm việc trong một môi trường lành mạnh, có người lãnh đạo mẫu mực, thẳng thắn và chân tình, công tâm, đánh giá đúng ưu điểm và khuyết, nhược điểm của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng… Vì vậy, người lãnh đạo cần phải tôn trọng lòng tự tin, tự trọng của các đồng chí mình”(TT. T4. tr 282).
Tôn trọng và tin dùng là vấn đề rất lớn, chúng ta không chỉ tìm thấy những chỉ dẫn từ các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh mà còn phải nghiêm túc, ôn lại lịch sử để thấy Người đã hành xử, đối đãi với trí thức trong từng trường hợp mẫu mực như thế nào. Nhiều lần Người đã dặn “Dùng người như dùng gỗ”, phải biết rõ từng loại gỗ, không có loại gỗ nào là bỏ đi mà do người không biết dùng, không để đem gỗ vàng tâm đi làm cầu ao, gỗ tạp sơn thếp vàng làn hoành phi câu đối. Người khuyên phải vì việc mà chọn người, tu dưỡng bản thân để hiểu rõ mình rồi mới hiểu người khác để dùng. Nếu “1. Tự cao tự đại, 2. Ưa người ta nịnh mình, 3. Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người, 4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Phạm một trong bốn bệnh đó thì cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông (TT. T5. tr 277).
Dưới đây là một vài ví dụ:
Năm 1946, nhận trọng trách Quốc hội khóa I giao cho thành lập Chính phủ trong lúc cần tập hợp sức mạnh toàn dân tộc vào việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, Hồ Chủ tịch đã trân trọng giới thiệu những trí thức nổi tiếng, ngoài Đảng giữ các chức vụ quan trọng: “Bộ Nội vụ, một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết: Cụ Huỳnh Thúc Kháng…; Bộ Quốc phòng: một thanh niên trí thức và hoạt động quốc dân ta đã từng nghe tiếng: Ông Phan Anh,… Bộ xã hội, kiêm cả Y tế, Cứu tế và Lao động: Một nhà chuyên môn có tiếng trong y giới: Bác sĩ Trương Đình Tri;… Bộ Giáo dục: một người đã lâu năm hoạt động trong công việc giáo dục quốc dân và là người mà quốc dân có thể tin rằng nếu đem việc giáo dục giao cho để gánh vác thì người ấy sẽ làm hết nhiệm vụ: Ông Đặng Thai Mai;… Bộ Tư pháp: cũng là một trong đám người trí thức và đã hoạt động rất nhiều trong công cuộc cách mạng: Ông Vũ Đình Hòe…”.
Biết bao trí thức với những tài năng, đức độ và cả những cá tính khác nhau đã đi cùng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ với sự tin dùng và ân cần chỉ bảo, chăm sóc của Hồ Chí Minh. Họ đã có sự nghiệp vẻ vang trong vinh quang chói lọi của Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Những tên tuổi lớn: Giáo sư Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên, Giáo sư Viện sĩ Tôn Thất Tùng, Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Trần Hữu Tước, Giáo sư Lương Định Của, Giáo sư Trần Đức Thảo…; các nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa: Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi…; các tướng lĩnh trí thức quân sự tài ba sau Võ Nguyên Giáp là những Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn v.v…, mà sự nghiệp của họ, nhờ có Hồ Chí Minh và cách mạng nên còn mãi với non sông đất nước.
Bốn là, chăm lo đào tạo đội ngũ trí thức mới với tầm nhìn “Vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người”.
Có thể nói suốt đời Hồ Chí Minh chăm lo sự nghiệp đào tạo thế hệ cách mạng cho hiện tại và tương lai của đất nước. Với tầm nhìn xa, trông rộng và với niềm tin tất thắng bất cứ kẻ thù xâm lược nào để xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, phú cường để dân giàu, nước mạnh, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành, để Việt Nam bước tới đài vinh quang sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Ngay từ buổi đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý đào tạo trí thức giải quyết hài hòa giữa kháng chiến và kiến quốc. Người đã rất chú trọng phát triển giáo dục ngay từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời trong hoàn cảnh phải dồn sức cho cuộc kháng chiến bảo vệ chủ quyền quốc gia nên đã bằng mọi cách để tổ chức, đào tạo, xây dựng một đội ngũ trí thức đủ mọi lĩnh của đời sống xã hội đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh vệ quốc và xây dựng đất nước thời hậu chiến. Đất nước ta phát triển như ngày nay hiển nhiên là có sự đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức dân tộc, nối tiếp nhau trưởng thành trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sau lễ Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945) một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề nâng cao dân trí, chống giặc dốt là một trong ba nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam mới. Người khẳng định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Liền sau đó là phong trào xóa nạn mù chữ đồng thời lần lượt tất cả các bậc, từ tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học được thành lập.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay đang là vấn đề bức thiết của Nhà nước ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo một đội ngũ trí thức, một thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh, thể hiện nỗi ưu lo dân - nước đang đòi hỏi Đảng và Nhà nước ta phải suy tư để thực hiện tốt lời dạy cuối cùng của Người.