Tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh - gia đình liệt sĩ
Tháng 8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Ngay sau đó, nhân dân ta lại bước vào cuộc chiến đấu không cân sức với thực dân Pháp và các thế lực thù địch núp dưới danh nghĩa quân Ðồng minh. Nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Cả nước bước vào kháng chiến và kiến quốc, đời sống nhân dân, nhất là bộ đội, chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn. Trong tình hình ấy, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ.
Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh toàn quốc, để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh, liệt sĩ. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, Khu và tỉnh Thái Nguyên đã họp và nhất trí lấy ngày 27-7 hằng năm làm ngày thương binh toàn quốc (từ năm 1955 đổi thành ngày thương binh - liệt sĩ).
Khoảng 18 giờ ngày 27-7-1947 tại xã Hùng Sơn, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đại diện Ðảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ, Ðoàn thanh niên, Nha thông tin, Cục Chính trị quân đội, chính quyền huyện Ðại Từ, bộ đội, nhân dân địa phương đã mít-tinh để nghe công bố bức thư đầu tiên Bác Hồ gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức ngày thương binh và ghi nhận sự ra đời "Ngày thương binh toàn quốc".
Ðầu thư Bác viết: "Ðang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Ðó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh... Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...".
Cuối thư Bác vận động đồng bào nhường cơm, sẻ áo giúp đỡ thương binh. Riêng Bác gửi tặng một chiếc áo lụa của chị em Hội Phụ nữ biếu Người, một tháng lương của Người, tiền một bữa ăn của Người và các nhân viên trong Phủ Chủ tịch (tổng cộng 1.127 đồng) để tặng thương binh.
Từ đó về sau, hằng năm, vào dịp 27-7 Bác thường viết thư thăm hỏi, động viên các đồng chí thương binh, gia đình liệt sĩ. Người luôn mong muốn công việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh, gia đình liệt sĩ phải trở thành phong trào rộng khắp, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của toàn xã hội, chứ không phải là việc làm phúc.
Cho nên, vào các dịp kỷ niệm như ngày thành lập Ðảng, ngày thành lập nước, ngày Toàn quốc kháng chiến... Người luôn nhắc nhở mọi người và tự nhắc mình "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Người nhắc: "Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta".(1)
Ðể công việc giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ huy động được sự tham gia của toàn xã hội và đem lại hiệu quả thiết thực, Người đã đề xuất nhiều cách làm như:
Năm 1948, Người đề xuất với Hội Liên hiệp phụ nữ thành lập các "Hội mẹ chiến sĩ", "Hội ủng hộ thương binh", hoạt động của hội rất thiết thực, tình quân dân, hết lòng chăm sóc giúp đỡ bộ đội, thương binh bằng tấm lòng cao cả, nhân ái của các mẹ, các chị.
Năm 1951, Người đề xuất hình thức đón thương binh về làng, để giúp lâu dài chứ không phải bằng cách góp gạo nuôi thương binh. Người còn chỉ ra cách làm rất linh hoạt như: mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của đồng bào có hằng tâm, hằng sản, nếu không mượn được ruộng thì chính quyền, đoàn thể, đồng bào trong xã chung sức phát vỡ một số đất mới, tổ chức cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy. Hoa lợi để nuôi thương binh... Anh em thương binh tùy sức mà làm những công việc nhẹ như học may, đan lát, hớt tóc, làm bàn giấy... Như thế thì đồng bào mỗi xã được thỏa mãn lòng ước ao báo đáp anh em thương binh, mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội.
Không những thế, giữa bộn bề công việc, Người vẫn dành thời gian nhiều lần đến thăm anh em thương binh tại các trại điều dưỡng, bệnh viện, và đón tiếp họ tại nơi ở và làm việc của Người trong Phủ Chủ tịch. Nhất là vào dịp Tết đến, xuân về, khi các gia đình đoàn tụ sum vầy cũng là lúc Bác nhớ đến các liệt sĩ, thương binh nhiều nhất.
Ðêm giao thừa năm 1956, Bác đến thăm Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội. Bác hỏi thăm tình hình sức khỏe, cuộc sống và chúc Tết nhân dịp năm mới: "Các chú tàn nhưng không phế". Lời động viên của Bác đã trở thành khẩu hiệu hành động, phương châm sống của các đồng chí thương binh. Từ đó, nhiều đồng chí đã nỗ lực học tập phấn đấu vươn lên.
Ngày 31-12-1954, sau chín năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, trở lại thủ đô, Bác dẫn đầu đoàn đại biểu Ðảng và Chính phủ đến đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Ðài liệt sĩ Hà Nội. Trong lời điếu Người viết: "Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc... Anh linh của các liệt sĩ bất diệt!" (2).
Tình cảm của Bác Hồ đối với thương binh, liệt sĩ thật vô bờ bến. Ngày 2-9-1969, Người ra đi khi hoài bão lớn nhất của Người chưa trọn vẹn - Tổ quốc chưa giành được hòa bình, thống nhất. "Về việc riêng", Người không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là "không được phục vụ cách mạng lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Người nghĩ đến các liệt sĩ, các thương binh với những lời căn dặn rất cụ thể trong Di chúc.
Qua hơn 20 năm đổi mới, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn và rất quan trọng. Các hoạt động tình nghĩa đã có nhiều sáng tạo, ngày càng đi vào chiều sâu. Công tác "đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn hướng vào các hoạt động cụ thể, thiết thực, mang lại những ý nghĩa to lớn. Ðó là cách tốt nhất để chúng ta tri ân các thương binh và gia đình liệt sĩ, theo lời căn dặn của Bác Hồ.
--------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H1995, T10, tr 3.
(2) Sđd, T7, tr 427.