NIỀM TỰ HÀO CỦA GIỚI TRÍ THỨC
Sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam đàn, tỉnh Nghệ An, năm 1929, sau khi đỗ đậu tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, ông nhận được học bổng sang Pháp học. Tại Pháp, ông đăng ký học lớp toán đặc biệt của trường Louis le Grand về toán học và vật lý lý thuyết, đăng ký học cử nhân toán ở Viện Henri Poincare. Ông đã tiếp xúc với nhiều nhà toán học trẻ của nước Pháp, bí mật tham gia nhóm Nicolas Bourbaki. Mục đích của nhóm này là tổng kết toàn bộ thành tựu toán học của loài người, mọi thành viên khi in các công trình toán học dù dưới dạng báo hay sách đều kỹ một bút danh là N.Bourbaki.
Song song với chương trình cử nhân khoa học ở Đại học Sorbonne, ông học thêm vật lý lượng tử.
Trở về nước năm 1934, ông không ra làm quan mà đi dạy toán và tiếng Anh tại trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế. Ngoài tiếng Anh và toán, lý, hoá ông còn dạy các môn khoa học tự nhiên khác.
Tháng 8/1945, ông ra Hà Nội tham gia cách mạng. Ông đã đảm nhận chức vụ Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 7 năm 1947, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Giáo sư Tạ Quang Bửu là người chỉ đạo và biên soạn cuốn sách “Bắn máy bay bằng súng trường tập trung” phổ biến rộng rãi khắp nơi và sau đó khiến máy bay Pháp phải dè chừng trên vùng trời Việt Nam. Kinh nghiệm này cũng được áp dụng cho dân quân du kích Việt Nam dùng súng trường bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ trong cuộc Chiến tranh chống Mỹ.
Năm 1954, ông tham gia đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dự Hội nghị Geneva về Việt Nam trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và là người đại diện cho Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký văn bản Hiệp nghị đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào.
Tuy kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, ông vẫn dành thời gian truyền thụ kiến thức của mình cho các thế hệ học trò. Ngay trong những ngày Cách mạng mới thành công, ông vừa tham gia các công việc của Chính phủ vừa giảng dạy vật lý tại Đại học Hà Nội.
Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, ông được cử làm Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội (1956-1961), đồng thời là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Là lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Nhà nước, ông cũng trực tiếp làm Trưởng ban Sinh vật - địa học.
Giáo sư Tạ Quang Bửu là người tham gia sáng lập Hội Vật lý Việt Nam năm 1966.
Khi làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, ông đã đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật của nước ta.
Tại núi rưng Việt Bắc, Giáo sư Tạ Quang Bửu cùng Giáo sư Trần Đại Nghĩa và nhiều cán bộ kỹ thuật quân sự, công nhân các xưởng quân giới thực hiện một chương trình cấp bách là nghiên cứu, chế tạo ngày càng nhiều các loại vũ khí có sức công phá tương đối lớn. Với tinh thần trách nhiệm hết lòng vì công việc, vượt lên trên những thiếu thốn của cuộc chiến, điều kiện khắc nghiệt của thời tiết địa hình, Giáo sư Tạ Quang Bửu cùng các cộng sự của mình đã chế tạo thành công đạn badôca - được sử dụng hiệu quả trong chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947. Tiếp đó, đã chế tạo thành công súng SKZ (súng không giật), tiến hành phóng thử thành công bom bay - một loại tên lửa nặng 30 kg, có thể đánh các mục tiêu cách xa đến 4km.
Vào những năm 1960 của Thế kỷ trước, khi miền Bắc đang bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, cuộc chiến đấu cho ngày thống nhất đất nước đang huy động biết bao nguồn lực của cả nước cho miền Nam, Giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn không quên xây dựng một đội ngũ nhân lực KHCN cho đất nước, nổi bật là những nhà toán học, những người làm máy tính điện tử mà sau này được gọi là Tin học, CNTT.
Theo sáng kiến của Giáo sư Tạ Quang Bửu khi là Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước, nước ta bắt đầu xây dựng ngành máy tính điện tử. Công việc đầu tiên là nhập một máy tính điện tử cỡ trung bình, máy tính điện tử Minsk-22 (tốc độ 6.000 phép tính/giây, bộ nhớ 32Kbytes, làm bằng đèn bán dẫn) của Liên Xô cũ.
Để chuẩn bị cho việc tổ chức bảo trì, khai thác máy tính điện tử Minsk-22 và xây dựng đội ngũ cán bộ máy tính, cán bộ điều khiển học, Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước thành lập phòng Toán học Tính toán, là tiền thân của Viện CNTT - Viện Hàn lâm KH&CN ngày nay. Vào khoảng cuối năm 1967, máy Minsk-22 về nước. Giáo sư Tạ Quang Bửu đã quyết định chỗ đặt máy Minsk-22 ở tầng 1 nhà 39 Trần Hưng Đạo (trụ sở Bộ KH&CN). Đặt máy ở 39 Trần Hưng Đạo là một thuận lợi lớn cho việc bảo trì và khai thác máy. Tuy nhiên, đây lại là một quyết định táo bạo vì địch có thể bắn phá bất cứ lúc nào.
Khi máy tính điện tử Minsk-22 đã được vận hành, Giáo sư đã có tác động với các Bộ, các ngành khai thác máy tính điện tử và nhiều ngành đã khai thác thành công như ngành khí tượng thuỷ văn, ngành giao thông vận tải, ngành xây dựng kiến trúc…
Nhắc đến Giáo sư Tạ Quang Bửu, mỗi chúng ta đều cảm phục và tỏ lòng kính trọng đến một con người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Ông là niềm tự hào của trí thức nước nhà, là vị trưởng lão của khoa học Việt Nam, là vị kiến trúc sư của nền toán học Việt Nam, là bậc thầy khoa học - văn hoá, là một con người có trí tuệ uyên bác và giàu nhiệt huyết.
Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học, nhà toán học người Việt; ông cũng từng đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ông được bầu làm đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khoá VI (1946-1981).