Những điểm dự báo và làm rõ từ cuốn sách "Lực lượng sản xuất mới và kinh tế tri thức"
Nói về “Khoa học công nghệ” và “Kinh tế tri thức” đã có nhiều tài liệu đề cập tới. Vậy điểm được dự báo và làm rõ về những vấn đề trên trong cuốn sách này là gì?
Trước hết, cuốn sách đã làm rõ một số xu thế phát triển khoa học công nghệ nhất là công nghệ cao đến năm 2020. Dự báo cho thấy ít có khả năng xảy ra đột biến trong khoa học cơ bản, nhưng lại có nhiều đột phá trong công nghệ cao. Theo cuốn sách, công nghệ cao được phân ra 2 loại: Công nghệ cao nguồn và công nghệ cao chuyên ngành. Công nghệ cao nguồn thường có ảnh hưởng tới toàn bộ sự phát triển kinh tế - xã hội, và chúng xuất phát trực tiếp từ các tri thức khoa học cơ bản, có tính đột phá cách mạng nhất, như công nghệ thông tin - truyền thông (ICT), công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ năng lượng mới, v.v. Vận dụng công nghệ cao nguồn, đổi mới các công nghệ cũ sẽ hình thành công nghệ cao chuyên ngành. Tập hợp các công nghệ cao nguồn cùng công nghệ cao chuyên ngành, tạo ra hệ thống công nghệ cao (HTCNC).
HTCNC đã nhanh chóng trở thành cất lõi của lực lượng sản xuất mới (LLSXM) trong nền sản xuất hiện đại. Cuốn sách cho rằng sự chuyển đổi từ lực lượng sản xuất cũ dựa trên hệ thống công nghệ cũ sang LLSXM dựa trên HTCNC là bước biến đổi về chất đối với sự phát triển của thế giới đương đại. Trong LLSXM khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. LLSXM lấy tri thức là yếu tố quyết định, lấy vốn người (human capital) làm vốn quan trọng. LLSXM có tính chất toàn cầu và tính bền vững, thân thiện với môi trường. Như vậy LLSXM có tính cách mạng ,vượt trội lực lượng sản xuất cũ.
Cuốn sách cũng chỉ ra LLSXM là nòng cốt của sự hình thành nền kinh tế mới, gọi là nền kinh tế tri thức (KTTT). và cũng vì vậy sự hình thành KTTT là một tất yếu lịch sử.
Cuốn sách đã nêu lên mối quan hệ giữa nền KTTT với chủ nghĩa tư bản. Từ những sự kiện và dự báo cho thấy nền KTTT vẫn phát triển cao ở các nước tư bản chủ nghĩa, nhưng chưa hẳn sẽ vượt qua được các thách thức ở chỗ chưa tính được giá trị thực của tri thức và điều đó làm cho các nhà kinh tế học tư bản chủ nghĩa lo ngại.
Quan hệ giữa nền KTTT với chủ nghĩa xã hội cũng được cuốn sách đề cập tới ở các nước XHCN như Trung Quốc, Việt Nam v.v... yếu tố KTTT đã bước đầu phát triển trong thời gian qua và hy vọng rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, phù hợp với KTTT. Nhìn chung do tính chất đặc thù thể hiện ở tính xã hội hoá rất can của LLSXM dựa chủ yếu vào tri thức, có thể sơ bộ nhận thấy sự phù hợp khách quan giữa KTTT và chủ nghĩa xã hội (khoa học). Tất nhiên mối quan hệ giữa KTTT với chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội (khoa học) còn phải tiếp tục khảo sát thực tiễn nhiều hơn nữa và nghiên cứu lý luận sâu hơn nữa, mới có thể đi đến những kết luận khách quan khoa học.
Từ những điểm dự báo và làm rõ kể trên, cuốn sách trực tiếp đề cập tới vấn đề công nghiệp hoá (CNH) và hiện đại hoá (HĐH) gắn với phát triển KTTT ở nước ta, nhằm góp phần nghiên cứu những giải pháp đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá theo hướng hiện đại của nước ta.
Nguồn: Khoa học và Tổ quốc, 03/2007