Nghĩ về phương pháp nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh
Đây là những suy ngẫm nghiêm túc song không thể tránh khỏi những thô thiển, xin mạnh dạn nêu lên để trao đổi.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có sự bình thường sau khi đã trải qua sự cao siêu; có sự giản dị sau khi đã trải qua sự phong phú, đa dạng, phức tạp; cụ thể sau khi đã trải qua trừu tượng ; mộc mạc sau khi đã rất tinh tế; đạm, rất đạm sau khi đã rất nồng; khiêm nhường sau khi đã từng trải để rất biết người, biết mình. Vì vậy, đơn giản hóa, tầm thường hóa, dung tục hóa, hoặc ngược lại rắc rối đến cầu kỳ, phức tạp, đi sâu vào tầm chương trích cú, tìm sự phong phú ở cái rậm rạp, xô bồ trong cách nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh thì rồi dù vô tình hay cố ý cũng đều không dẫn đến cách nắm bắt và tiếp nhận cái cốt lõi của tư tưởng Hồ chí Minh.
Cũng giống như những nhà tư tưởng lớn của loài người mà Hồ Chí Minh đã học hỏi, tiếp thu, tư tưởng Hồ Chí Minh có sự đa dạng, nhiều chiều, năng động, luôn luôn phát triển chứ không phải là “nhất thành bất biến”. Chỉ có một điều cần thấy rõ, đó là, từ lúc manh nha, đến lúc hình thành, và khi vận dụng vào cuộc sống, rồi được sửa chữa, bổ sung, đều đã thể hiện sự nhất quán, rất nổi bật “ tính chất trước sau như một” của tư tưởng Hồ Chí Minh. Cả hai biểu hiện ấy, “ đa dạng, năng động, nhiều chiều, không“nhất thành bất biến” thông nhất với sự nhất quán, “ trước sau như một”, xin được gọi là “ tính chất một” cực kỳ hàm súc của tư tưởng Hồ Chí Minh, có ý nghĩa rất lớn.
*Chú ý đến biểu hiện ấy trong phương pháp luận nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là chú ý đến sự gặp gỡ thú vị của phong cách Hồ Chí Minh với xu thế hiện nay của khoa học và của đặc điểm trí tuệ của thời đại là tổng thể hóa trong đa dạng, chứ không chỉ là chuyên biệt hóa ngày càng sâu, càng tinh vi khi đi sâu vào phân tích cụ thể mà thiếu sự tổng hợp.
Đây là sự tổng thể hóa đầy mâu thuẫn trong đời sống và hoạt động của con người, từ cá nhân đến cộng đồng, từ một góc tâm linh, một nét tiềm thức hoặc là vô thức sâu kín, bí ẩn nhất của mỗi con người, cho đến động thái của mỗi dân tộc và của cả loài người. Có sự tổng thể hóa nhiều sắc thái của kiến thức và nghiên cứu khoa học của con người, nó là kết quả đan xen vào nhau, trở thành nhau của nhiều ngành, nhiều phương pháp khoa học, trong khi mà sự chuyên biệt hóa, bên cạnh mặt mạnh của nó, ngày càng bộc lộ những nhược điểm khá rõ. Đó là sự liên ngành, mà thực chất mới chỉ là sự phối hợp, kết hợp giữa nội dung và phương pháp của nhiều ngành để bổ sung và làm sáng tỏ cho nhau vẫn chưa bộc lộ hết tiềm năng của nó, chưa đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại.
* Nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh phải là sự nghiên cứu rất hiện đại, chứ chỉ dừng lại phương pháp liên ngành như đã từng có trong nửa cuối thế kỷ XX thì chưa đủ và đã bị vượt qua. Phương pháp phân tích cụ thể quá sẽ thành ra chi li, dẫn đến phân tán. Tuy rằng đi sâu vào từng lĩnh vực của tư tưởng Hồ Chí Minh thì cần thiết, song chưa đủ. Cách nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh có triển vọng nhất đó là một, nhất quán trong đa dạng, tổng thể hóa trong phong phú . Với phương pháp luận đó thì có thể sẽ tìm ra và nhấn mạnh không nhiều, nhưng lại có sức khái quát lớn.
* Tư tưởng Hồ Chí Minh là thiết thực và hành động, cho nên phương pháp nghiên cứu, tìm hiểu, tiếp nhận và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh cũng phải như vậy. Sự nghiên cứu uyên bác là rất cần, càng uyên bác, thâm thúy thì càng hay, nhưng cần luôn luôn ghi nhớ cái chất của Hồ Chí Minh, cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là thiết thực và hành động. Uyên bác và thâm thúy nhất của Hồ Chí Minh là thiết thực và có hiệu quả trong hành động.
*Tư tưởng Hồ Chí Minh là chân thực. Bởi vậy, vấn đề là phải làm sao phát hiện được, tiếp nhận được tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự chân thực đó. Trong những thiên lệch cần phải tránh thì trước hết phải tránh sự “tụng ca”, “vĩ nhân ca”. Không nên và không thể cộng thêm cái gì vào tư tưởng Hồ Chí Minh, vì tư tưởng ấy cũng chính là nhân cách Hồ Chí Minh. Mọi ý định, cho dù là thiện chí muốn thêm vào thì chỉ là trừ đi, và nếu Hồ Chí Minh biết thì sẽ cười rằng “đừng vẽ rắn thêm chân”! Sự cường điệu về chất, về mức là không trung thực, hoàn toàn không cần thiết, hơn nữa, là có hại. Vấn đề là ở chỗ nhận cho ra đâu là nét đích thực của tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện qua việc làm, qua cách sống, qua lời nói, qua bài viết, qua cơ đồ, qua sự nghiệp. Đừng cố tìm ở Hồ Chí Minh cái gì cũng đều có, cũng đều “vĩ đại”, vì như vậy chính là xuyên tạc, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh.
*Kế thừa, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sự nâng niu, bảo quản như bảo quản một di vật quý trong bảo tàng. Kế thừa là vận dụng và phát triển . Vậy thế nào là kế thừa và vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay, điều kiện của dân tộc, của thế giới, của thời đại? Đây là một khó khăn phức tạp và có thể tác động ngược lại đến việc nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thông thường, việc kế thừa và vận dụng một tư tưởng đòi hỏi một sự lựa chọn. Nếu không có sự lựa chọn thì cũng không thể có sự kế thừa, vận dụng và phát huy. Và nói lựa chọn tức là đòi hỏi phải bỏ qua một số điểm nào đó, cố ý làm nổi bật lên hay làm nhẹ bớt đi một số điều nào đó, là nắm bắt những thông điệp nào đó và lướt qua những thông điệp nào đó. Đó là cách làm đúng đắn mang tính khoa học cao, có thể gọi đó là điều có tính quy luật được vận dụng phổ biến, để không chỉ nhằm học tập, tiếp thu những thành tựu trí tuệ của văn hóa và văn minh loài người đã đạt được mà cũng chính là cách những người được xem là những vĩ nhân, những nhà tư tưởng lớn của loài người đã thực hiện để trở thành vĩ nhân.
* Có một lập luận cho rằng : hãy nghe thấy trong Hồ Chí Minh điều mà dân tộc ta cần nghe vào chính lúc này. Hãy tìm thấy, làm nổi bật lên, học theo và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh điều mà dân tộc ta cần nhất vào lúc này với niềm tin rằng, những cái đó đều có trong tư tưởng Hồ Chí Minh . Lập luận đó có cơ sở đúng bởi vì, thường là vĩ nhân nào mà cốt lõi tư tưởng là vì con người, dân tộc và loài người thì càng đa dạng và phong phú, càng chứa đựng nhiều thông điệp cần thiết cho mọi thời đại, càng dễ vận dụng theo cách lựa chọn trên. Vấn đề là, với sự tiếp cận này, sự chân thực có được với niềm tin rằng đó là khách quan và khoa học đạt được đến đâu và đâu là điểm dừng cần phải có?
Những người phản bác lại lập luận đó thì cho rằng, với cách ấy rất dễ chủ quan , tùy tiện gán cho Hồ Chí Minh những điều mà mình muốn, mình đang trông chờ chứ không phải là trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có những điều đó. Lúc này đang cần có tri thức và kinh nghiệm về kinh tế thị trường thì cố đào cho ra trong tư tưởng Hồ Chí Minh những điều ấy. Khi đất nước đang bị hút vào quỹ đạo của toàn cầu hóa thì đã cố moi tìm chỗ này, chỗ kia rằng Hồ Chí Minh đã nói về toàn cầu hóa và hội nhập hay chí ít cũng manh nha những tư tưởng ấy. Nếu làm như vậy thì đúng là giả tạo và không biết đến điểm dừng.
Nguồn: tiasang.com.vn (19/05/08)