Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: Ngôn ngữ và văn hóa Hà Nội: Một nét riêng làm nên văn hóa Thăng Long
Càng ngày, chúng ta càng thấy có nhiều người quan tâm và có nhiều ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề ngôn ngữ và văn hóa của người Hà Nội. Cái mốc vô cùng đặc biệt “Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” đang đến rất gần. Không những thế, thực tế cuộc sống mở cửa muôn màu muôn điệu cũng làm cho người Thủ đô hôm nay xem xét mình kĩ hơn, để nhìn ra cái được, cái chưa được của một địa danh lịch sử đang chứa đựng trong nhiều nhân tố địa lý - văn hóa - phong tục... thú vị này.
Với 324 trang in khá dày dặn, tập hợp 24 bài viết của 28 nhà nghiên cứu., cuốn sách là những báo cáo khoa học được chọn lựa từ một hội thảo với chủ đề Ngôn ngữ và Văn hóa Hà Nộido Hội Ngôn ngữ học Hà Nội phối hợp với Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội tổ chức năm 2005. Vấn đề trong sách đặt ra chưa thật nhiều, nhưng nội dung đề cập không phải thế mà kém đi sự phong phú, đặc biệt là sự đa dạng của tiếng Hà Nội đang được mở rộng về địa thế, quy mô và tầm vóc.
Là một cuốn sách về ngôn ngữ văn hóa, hiển nhiên là vấn đề trọng tâm này được tập trung khai thác nhiều: Tiếp tục đẩy tới sự nghiên cứu tiếng Hà Nội(Lê Quang Thiêm); Tên phố Hà Nội hôm nay...(Đinh Văn Đức); Tên chùa Hà Nội từ góc nhìn ngôn ngữ - văn hóa(Nguyễn Thu Hằng); Tên gọi hành chính và không gian địa lí Thủ đô Hà Nội theo dòng lịch sử(Vũ Kim Bảng)... Các vấn đề có liên quan tới việc học tiếng, dạy tiếng: Giọng Hà Nội - cơ sở của hệ thống âm chuẩn và dạy học sinh hướng chuẩn(Đình Cao); Tầm quan trọng của tiếng Hà Nội trong việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài(Nguyễn Linh Chi); Góc nhìn của sinh viên nước ngoài về tiếng nói và những hình ảnh đậm nét nhất của Hà Nội(Chu Thị Thanh Tâm); Đi làm ăn xa và cách phát âm [l], [n](Lê Thị Lệ Thanh)... Tuy nhiên, yếu tố văn hóa được khai thác nhiều nhất và cũng có nhiều đóng góp nhất: Bước đầu tìm hiểu về “chat” trên mạng - một kiểu giao tiếp đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ Hà Nội(Nguyễn Thị Thanh Bình); Suy nghĩ về hướng tiếp tục tìm hiểu địa danh Cổ Loa(Trần Trí Dõi - Trần Thị Hồng Hạnh); Sự tương tác giữa văn hóa và ngôn ngữ qua cách xưng hô của người Ninh Hiệp(Nguyễn Thị Thái Hương); Văn chương đối thoại trong kịch viết về Thăng Long - Hà Nội(Tất Thắng); Xưng hô dùng chức danh(Phạm Văn Tình)...
Như vậy, ngôn ngữ hôm qua và hôm nay, văn hóa xưa và văn hóa nay, sự tác động của văn hóa ngoại nhập với văn hóa nội sinh đang tồn tại, đã được các nhà nghiên cứu xem xét trên nhiều bình diện, ở cả góc độ đồng đại và lịch đại. Có rất nhiều cứ liệu cụ thể, được khảo sát, có khi chỉ từ một làng, một khu phố (ngữ âm tiếng Cổ Nhuế, cách xưng hô ở làng Ninh Hiệp, làng nghề đất...) Các tên Thăng Long(1010), Đông Đô(1396), Đông Quan(1407), Đông Kinh(1428), Bắc Thành(1788), Thăng Long(1802), Hà Nội(1831) phản ánh những đổi thay qua những thời kì lịch sử, không gian địa lí và không gian ngôn ngữ văn hóa khác nhau. Tiếng Hà Nội, với sự hội tụ của bốn phương qua ngàn năm lịch sử đã đổi thay nhưng vẫn giữ được nét riêng, cốt cách của người Tràng An. Đó là điều đáng lưu ý rút ra từ nhiều bài viết.
Cuốn sách là sự tiếp nối khá liên tục mạch nghiên cứu Hà Nội học (từ góc độ lời ăn tiếng nói) trong những năm qua của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội (Đã có 2 cuốn sách dày dặn công bố theo hướng này: Hà Nội - Những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin 2001; Tiếng Hà Nội trong mối quan hệ với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam,NXB Lao Động 2004). Dự kiến, từ nay cho đến 2010, các nhà khoa học của Hội sẽ thực hiện một đề tài nghiên cứu mang tính tổng quan về tiếng Hà Nội ở nhiều bình diện. Đó là một công việc thực sự cần thiết và rất có ý nghĩa.