Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ: Kể chuyện Bác Hồ
I. Bác Hồ với văn công - những kỷ niệm không bao giờ quên
Cuối năm 1955, phái đoàn đầu tiên của Đảng và Chính phủ Liên Xô sang thăm Việt Nam, Đồng chí Mi-cai-ăng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, làm trưởng đoàn, Đảng và Nhà nước ta chuẩn bị đón tiếp rất trân trọng. Bộ Văn hoá nhận được chỉ thị là tổ chức một đêm biểu diễn để chào mừng khách. Chương trình biểu diễn gồm nhiều tiết mục tổng hợp. Thành phần của Đoàn vào biểu diễn phục vụ được chọn rất kỹ, Đồng chí Lưu Trọng Lư được chỉ định làm trưởng đoàn. Còn tôi, lúc bấy giờ là Trưởng phòng văn nghệ của Vụ Nghệ thuật được cử làm phó đoàn, chỉ đạo nghệ thuật.
Lần này, cũng như bao lần khác mỗi khi có đoàn nghệ thuật đến biểu diễn phục vụ, Bác vào tận nơi hoá trang của diễn viên để thăm hỏi, dặn dò anh em trước khi biểu diễn.
Sau bữa tiệc chiêu đãi, khách được mời thưởng thức chương trình văn nghệ. Đến xem có hầu hết các Đại sứ của các nước tại Việt Nam . Đại sứ Ấn Độ được mời ở vị trí đặc biệt (lúc bấy giờ Ấn Độ là nước Chủ tịch Uỷ ban giám sát Quốc tế về việc thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam).
Mở đầu chương trình, chị Khánh Vân, diễn viên đoàn văn công Nam Bộ hát bài “Lúa chín vàng”. Tiếp theo là biểu diễn đánh trống tuồng do các nghệ sĩ Văn Bá Anh, Đinh Quả, Đinh Thái Sơn… thực hiện. Trong chương trình còn một tiết mục múa đôi và một bài cải lương.
Khi chị Khánh Vân hát xong, Bác nhận thấy đồng chí Mi-Cai-ăng vỗ tay không nhiệt tình lắm. Bác liền rút một bông hoa hồng trong bình hoa đặt trên bàn đưa cho ông Mi-Cai-ăng để ông tặng cho chị Khánh Vân. Sau tiết mục thứ hai, Bác rút bông hồng nữa đưa cho Đại sứ Ấn Độ, và ông này lại tặng diễn viên. Bông hồng thứ ba Bác đưa cho Đại sứ Trung Quốc, cũng để ông ấy tặng diễn viên. Cứ như thế sau mỗi tiết mục, Bác rút hoa đưa cho ai thì người ấy mới cầm để tặng các diễn viên. Không ai dám tự rút hoa. Việc Bác đưa hoa cho ai tặng, ai trước, ai sau, chứng tỏ thái độ, tình cảm của Bác đối với các vị khách của ta, đối với từng đối tượng và vị trí ngoại giao của họ đối với Chính phủ ta.
Trước khi đi biểu diễn, tâm trạng anh em diễn viên vừa lo sợ, vừa hồi hộp. Lo sợ vì diễn không hay, hồi hộp vì sắp được gặp Bác. Diễn xong rồi ai cũng mừng vì buổi biểu diễn thành công, khách rất vui và Bác rất hài lòng.
Sau khi khách về hết, các diễn viên mới thu dọn ra về. Khi anh em chưa đến bậc tam cấp, bỗng Bác xuất hiện, Bác nói:
- Lúc nãy Bác được ăn mà các cháu không được ăn, nên Bác ra thăm lại, sợ các cháu tủi. Nhưng ăn ngoại giao ấy mà, không ngon đâu.
Câu nói giản dị của Bác làm ai nấy cũng xúc động vì sự quan tâm, vì tình thương của Bác đối với anh em diễn viên. Đó là cái đức tính đầy tình nghĩa “chia ngọt sẻ bùi” của nhân dân ta đã thấm đượm vào Bác. Hơn thế nữa, câu nói vui còn chứng tỏ cái tài tình và sâu xa trong lối xử sự của Bác. Từ chỗ anh em diễn viên là người được thông cảm, và Bác muốn an ủi, để mọi người khỏi tủi, nhưng câu nói “ăn ngoại giao ấy mà, không ngon đâu”, lại chứng tỏ Bác là người mẫn cảm và cũng cần được thông cảm. Lời an ủi của Bác vừa chân tình, vừa hóm hỉnh, làm cho chúng tôi cảm thấy Bác càng gần gũi, càng bình dị, và lại càng kính yêu Bác hơn.
Bác lại nói:
- Bác đã bảo cơ quan chuẩn bị cho các cô, các chú đi ăn.
Chúng tôi hết sức lúng túng, chưa biết trả lời thì Bác đã bước đi. Anh em chúng tôi vừa xuống hết bậc tam cấp thì lại thấy Bác quay lại, Bác gọi:
- Chú nào làm trưởng đoàn?
Lúc này đồng chí Lưu Trọng Lư đã đi trước. Bí quá, tôi liền đáp:
- Thưa Bác, cháu ạ.
- Thế chú có chấp hành chỉ thị của Bác không?
- Thưa Bác, có ạ.
- Ra ngoài, khi ăn hết tiền Bác cho. Đừng bày cái trò giữ làm kỷ niệm đấy nhé!
Anh em diễn viên đầu giật mình, đưa mắt nhìn nhau, không ngờ Bác lại đoán đúng ý đồ của anh em đến thế.
Sau khi Bác nói vậy, chúng tôi thảo luận với nhau và nhất trí là làm đúng theo lời Bác dặn.
Cả đoàn kéo nhau ra hàng Lọng (sau này là đường Nam Bộ, bây giờ là đường Lê Duẩn) ăn cháo lươn.
Tất cả anh em chúng tôi trong đoàn văn công vinh dự được biểu diễn cho Bác tiếp khách hôm đó không bao giờ quên được buổi biểu diễn này. Chúng tôi nhớ như in từng lời nói, từng cử chỉ chứa chan ân tình của Bác đối với anh em diễn viên chúng tôi. Đây là một trong những kỷ niệm quý báu nhất trong cuộc đời của mỗi người có mặt hôm đó.
II. Nhà hát lớn hay… nhà hát lợn
Năm 1958, nhận lời mời của Chính phủ Ấn Độ (bây giờ ông Nê – ru là Thủ tướng) Bác sang thăm Ấn Độ, Bác được đón tiếp rất long trọng.
Sau đó, tháng 3 – 1959, nhận lời mời của Chính phủ ta, ông Ra-giông-dra Pra-xát, Tổng thống Ấn Độ sang thăm Việt Nam . Bác dặn dò các đồng chí trong ban tổ chức đón tiếp rằng, nước ta tuy nghèo, nhưng cần phải đón tiếp khách rất nhiệt tình và văn minh. Trong chương trình tiếp đãi vị Tổng thống Ấn Độ có một tối chiêu đãi nghệ thuật dân tộc tại Nhà hát lớn.
Sáng ngày hôm đó, vào lúc 9 giờ sáng, Bác đến Nhà hát lớn, Bác đến bất ngờ không báo trước nên ở Bộ Văn hoá cũng như Ban lãnh đạo Nhà hát không ai biết.
Bác vào nhà hát, đi thăm tất cả các cơ sở vật chất của Nhà hát, Bác vào tận các công trình vệ sinh. Thấy không được sạch sẽ lắm, Bác tỏ ý không hài lòng. Bác hỏi mấy đồng chí nhân viên Nhà hát lúc đó đang đi cùng.
- Nhà hát này là Nhà hát gì, các chú?
Mọi người bối rối không hiểu ý Bác muốn nói gì, có người vội đỡ lời đáp:
- Dạ, thưa Bác, Nhà hát lớn ạ.
- À thế à, vậy mà Bác tưởng là Nhà hát lợn!
Đến đây thì ai cũng hiểu là Bác phê bình Nhà hát còn chưa được sạch sẽ, nhiều nơi còn mất vệ sinh. Mọi người đều cảm thấy có lỗi với Bác. Ai cũng thấy rằng Bác thật chu đáo, dù Bác bận trăm công ngàn việc, nhưng Bác vẫn quan tâm đến việc tưởng như nhỏ nhất, nhưng thật ra rất quan trọng góp phần nâng cao thể diện của cả quốc gia. Bác muốn để cho nước bạn thấy rằng “ta tuy nghèo, nhưng văn minh”.
III. Bác Hồ hát tiếng Ý
Vào đầu tháng 5 năm1965 Đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Italia sang thăm nước ta.
Thời kỳ này, Mỹ đang leo thang ném bom miền Bắc. Cũng như các cơ quan, xí nghiệp, trường học, các đoàn văn công ở Hà Nội phải đi sơ tán hết.
Đồng chí Hoàng Châu Ký được Bộ Văn hoá chỉ thị đưa một đoàn văn công tổng hợp, gồm tuồng và cải lương lên diễn cho Bác tiếp khách tại Phủ Chủ tịch.
Tiết mục lần này gồm có một trích đoạn tuồng trong vỏ “Trưng Vương khởi nghĩa” và trích đoạn cải lương trong vở “Võ Thị Sáu”. Tiết mục chọn lọc này rất có ý nghĩa. Cả hai trích đoạn đều nêu bật hình ảnh người phụ nữ Việt Nam chống giặc ngoại xâm kiên cường, dũng cảm. Hôm đó, các diễn viên trẻ Đàm Liên, Kim Cúc đóng vai Trưng Trắc, Trưng Nhị và Thanh Vi đóng vai Võ Thị Sáu. Họ diễn rất cố gắng nên gây xúc động mạnh trong người xem. Các đồng chí Italia tỏ ra thích thú vì lần đầu được xem loại hình sân khấu này. Bác Hồ vừa xem, vừa dịch cho bạn.
Cũng như bao lần khác, mỗi khi có văn công lên phục vụ Bác tiếp khách, Bác đều đến tận phòng hoá trang chào hỏi diễn viên, động viên anh em cố gắng. Và lần nào cũng vậy, khi anh em diễn xong, Bác gặp lại để chia tay với lời khích lệ: “Các cháu diễn khá lắm. Lần sau cố gắng hơn”.
Lần này, Bác nói:
- Các cháu diễn khá lắm. Vừa rồi các cháu phục vụ các đồng chí Ý, bây giờ các cháu có muốn các đồng chí Ý phục vụ lại không?
- Có ạ! Anh em diễn viên đồng thanh đáp.
Bác quay lại các đồng chí Ý, lúc này đang đứng đối diện với anh em diễn viên. Bác giơ tay đánh nhịp và hát cùng với các đồng chí Ý.
Đồng chí trưởng đoàn là một người đã lớn tuổi, tuy không hát nhưng cũng vỗ tay theo nhịp. Hát xong, Bác quay lại giải thích cho anh em Việt Nam rằng “Đây là một bài hát chống phát xít Ý”.
Mọi người rất thích thú và thán phục nghe Bác nói tiếng Ý và hát bằng tiếng Ý nữa. Nhưng điều đáng khâm phục hơn cả là cái tài, cái duyên của Bác, luôn biết cách làm cho mọi người xung quanh vui lòng. Từ không khí xã giao trang nghiêm nhưng xa cách, Bác đã làm cho khách và chủ bỗng thấy gần gũi nhau hơn, chan hoà hơn trong bầu không khí vui vẻ, thoải mái và giản dị.
Trong chúng ta, hẳn có nhiều người, hoặc đã được nghe kể, hoặc đã được trực tiếp chứng kiến cái tinh tế và nhanh trí của Bác trong ngoại giao, sự hóm hỉnh và giản dị của Bác khi tiếp xúc với mọi đối tượng. Phong cách ứng xử đó là bắt nguồn từ tấm lòng rất đỗi đôn hậu của Người, từ đạo đức trong sáng và trí tuệ anh minh cộng với tâm hồn nghệ sĩ của Người. Chúng ta càng tôn kính Bác bao nhiêu càng cảm thấy Bác gần gũi, giản dị bấy nhiêu.