Thứ sáu, 14/03/2008 00:14 (GMT+7)
Hai cuốn sách - Hai vấn đề của tiếng Việt hiện đại
1. Giới ngôn ngữ học, đặc biệt là học sinh, sinh viên chuyên ngành ngữ văn hẳn là biết rất rõ GS Lê Quang Thiêm. Ông là cán bộ kì cựu của Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau này, ông tiếp tục là cán bộ giảng dạy của Khoa Ngôn ngữ và Khoa Đông phương học, Trường đại học KHXH & NV - ĐHQG HN. Quá trình nghiên cứu và giảng dạy của GS Lê Quang Thiêm gắn liền với bộ môn ngữ nghĩa học tiếng Việt. Trong giới Việt ngữ học, chúng ta còn biết tới một loạt các chuyên gia nổi tiếng khác: Nguyễn Văn Tu, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thiện Giáp, Hoàng Văn Hành, Cù Đình Tú,.... Lê Quang Thiêm không có ý định đưa ra các tuyên ngôn lớn lao mang tính học thuật của riêng mình. Ông là người bền bỉ quan sát, nghiên cứu sâu các quan điểm của các trường phái ngữ nghĩa học thế giới để ứng dụng vào thực tiễn tiếng Việt. Cuốn Ngữ nghĩa họccủa ông (dày 216 tr.) không phải là một chuyên luận ( monograph) mà được cấu trúc theo tuần tự nội dung một giáo trình. 13 bài ở đây là 13 vấn đề, từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể, rất hữu ích. Cuốn sách giúp người đọc giải đáp hàng loạt các câu hỏi thiết yếu: Ngữ nghĩa và ngữ nghĩa học là gì? Khuynh hướng và nội dung của ngữ nghĩa học? Ngữ nghĩa học hình thức, ngữ nghĩa học tri nhận có gì khác? Các cách tiếp cận ngữ nghĩa học?... Tác giả đã dành một dung lượng đáng kể để nghiên cứu các tầng nghĩa và kiểu nghĩa ngôn ngữ ( chức năng từ vựng, phạm trù ngữ pháp, thành phần câu, tham tố nghĩa, nghĩa hiển ngôn và hàm ngôn...). Giản dị trong lối viết, tác giả đã góp phần làm sáng tỏ một luận điểm rất khoa học là “ngữ nghĩa học không chỉ dừng lại ở ngữ nghĩa từ vựng mà cả ngữ nghĩa ngữ pháp và ngữ nghĩa ngữ dụng” (tr.188).
2. Đúng như vậy, bởi ngữ nghĩa ở lời không chỉ căn cứ vào bản thân các từ ngữ mà còn phải căn cứ và cơ chế kết hợp của chúng. Chúng ta sẽ hoàn toàn đồng tình và chia sẻ quan điểm này nếu đọc tiếp cuốn Từ điển giải thích hư từ tiếng Việt(300 tr.) của GS Hoàng Trọng Phiến. Đây là một cuốn sách tập hợp và giải nghĩa các hư từ - nhóm từ đối lập với thực từ. Theo quan niệm chung, hư từ là “những từ rỗng nghĩa, tức không có ý nghĩa chân thực (không nhằm chỉ các sự vật, hiện tượng)” mà là những từ có giá trị ngữ pháp, ngữ dụng. Hư từ có vai trò như một thứ “nhựa” gắn kết các dạng cấu trúc phát ngôn. Cũng vì thế, mà ở mọi ngôn ngữ, số lượng hư từ không nhiều. Tiếng Việt cũng vậy, loại từ này ít tới mức tưởng có thể “đếm trên đầu ngón tay” (thí dụ, ở từ điển này, 2 mục E, Ê và U,Ư vẻn vẹn có 3 từ, mục Y chỉ có 2, nhiều nhất là mục T: 57, các mục khác thường là một vài chục từ). Nhưng các hư từ này khi vào vai các “tác từ cú pháp” ( operators) chúng bỗng trở nên hết sức “lợi hại” về mặt tạo nên các kết hợp ngữ nghĩa, nhiều khi biến ảo khôn lường. GS Hoàng Trọng Phiến dẫn ra một câu thơ của Nguyễn Công Trứ: Cái tình là cái chi/ Dẫu chi chi cũng chi chi với tình,để lí giải rằng, từ chi chiở 3 vị trí khác nhau có 3 nghĩa khác nhau ( cái chi chi: cái gì, dẫu chi chi: dẫu thế nào (đi nữa), cũng chi chi: cũng vẫn thế (không thay đổi)). Hoặc chỉ một từ thìthôi cũng có không biết bao nhiêu khả năng liên kết ( Thì thôi thì thế/ Thế thôi thì thôi thế thì thôi). Đây là cái hay và cái khó của ngôn ngữ tiếng Việt mà tác giả cần miêu tả, ngắn gọn nhưng rõ ràng. Bởi nó không phải là cách giải nghĩa từ ngữ đơn thuần như trong các từ điển tường giải khác. Rõ ràng, Hoàng Trọng Phiến đã giải nghĩa hư từ dưới con mắt của một nhà ngữ pháp, tức là đặt các từ công cụ kia vào các kết hợp diễn ngôn để chỉ ra các “vai nghĩa”của chúng. Từ các câu nói được hiện thực hóa, tác giả phát hiện ra giá trị biểu đạt của một loạt các hư từ tiếng Việt. Bản thân là một nhà ngữ pháp chính danh, từng tham gia giảng dạy tại Trường đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1959, GS Hoàng Trọng Phiến đã để lại trong lòng biết bao thế hệ học trò ở nhiệt huyết say mê và phong cách lên lớp rất nghệ sĩ của ông. Dạy cú pháp qua các áng văn chương, thầy Hoàng Trọng Phiến luôn biến các bài học ngôn từ khô khan thành các bài thuyết giảng rất sinh động và thú vị. * Hai cuốn sách, đúng là đã đề cập tới hai vấn đề rất hệ trọng của tiếng Việt đương đại: ngữ pháp và ngữ nghĩa. Hai công trình của hai vị giáo sư tầm cỡ của làng ngôn ngữ học cũng là cái mốc đánh dấu sự phát triển nhất định của “làng” Việt ngữ học - một bộ môn khoa học xã hội thực sự khởi đầu từ những năm 60 của thế kỉ trước. |