Đau đầu dấu chấm câu
Hình như bệnh chung của nhiều phóng viên, có khi cả biên tập viên, là tiết kiệm chuyện xuống dòng nhưng lại rất hào phóng với dấu chấm câu. Sự hào phóng này có hai lý do: 1/ không biết cách dùng thế nào cho đúng; và 2/ tưởng là dùng như thế mới đúng. Nhiều khi, xét về logic thì dường như không có gì sai nhưng người đọc vẫn cảm thấy cực kỳ khó chịu. Dưới đây là một số ví dụ điển hình:
VD 1: Mặc dù phong trào tập luyện bộ môn này đang phát triển rộng rãi trong cả nước, nhưng theo nhận định của giới chuyên môn: cuộc thi tài chắc chắn chỉ quyết liệt giữa các đoàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Công an Nhân dân... do đây là những đơn vị được đầu tư mạnh trong nhiều năm qua. (Giải Taekwondo trẻ toàn quốc có số VĐV kỷ lục, VNANet.vn, 5/7/2005)
VD 2: Theo điều tra của Tập đoàn IDC tiến hành năm 2004, các nước đứng đầu thế giới về vi phạm bản quyền phần mềm gồm: Trung Quốc: 92%; Việt Nam: 92%; Ukraine: 91%; Indonesia: 88%; Zimbabwe: 87%; Nga: 87%; Algeria: 84%; Nigeria: 84%; Pakistan: 83%; Paraguay : 83%... Tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm trung bình trên toàn thế giới là 36%. Tính riêng theo khu vực địa lý chỉ có Mỹ/Canada thấp nhất: 23%, còn lại cao chất ngất: Đông Âu: 70%; Mỹ Latinh: 63%; Trung Đông/châu Phi: 55%; châu Á - Thái Bình Dương: 53%; Tây Âu: 36%. (Vi phạm bản quyền: Thui chột sự sáng tạo, Thanh Nien Online, 28/4/2005)
VD 3: Không giống như Onga, Trần Văn Thành, Việt kiều Campuchia, lại ấn tượng vì đất nước thay đổi nhiều quá, những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, hệ thống giao thông rất thuận tiện. (Chúng em tự hào là người Việt Nam, VNANet, 15/7/2005)
VD 4: Tayxách nách mang hai mẹ con bà Hoàng Thị Hải ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa ôm túi đồ ngồi bệt ngay xuống nền nhà phòng bán vé. (Bến xe Giáp Bát đông khủng khiếp! - Dân Trí)
VD 5: Ngày 13/7, Công ty Công nghiệp Tàu thủy Bến Kiền (Hải Phòng) đã làm lễ đặt ky đóng mới tàu hàng chuyên chở gỗ trọng tải 8.700 tấn, theo hợp đồng đóng mới 2 tàu cho Tập đoàn Kanematsu (Nhật Bản). (Đặt ky đóng tàu chở gỗ 8.700 tấn cho Nhật Bản, VNANet, 13/7/2005)
Nhiều người mắc phải lỗi ở ví dụ 1, cho rằng cứ khi nào dẫn lời người này người kia nói thì phải có dấu hai chấm (:). Trong khi đó, hai ví dụ tiếp theo khiến hai câu được đọc lên theo kiểu giật cục vì có quá nhiều dấu ngắt, chưa kể sự bất hợp lý ở ví dụ 2, khi sau dấu hai chấm ("bản quyền phần mềm gồm:") thì lại là một loạt dấu hai chấm ở bên trong.
Ở ví dụ 4, chỉ một dấu phẩy bị mất ở sau "Tay xách nách mang", hậu quả là nghĩa của câu này biến thành "một người tên là Thanh Hóa cắp nách hai mẹ con bà Hoàng Thị Hải..." Ví dụ 5 gây khó chịu với hai lần mở ngoặc ngay trong một câu.
Đấy là chưa kể đến một dấu thường bị dùng khá loạn xạ: dấu gạch ngang (-). Dùng không đúng đã đành, ngay cả khi đặt nó vào đúng vị trí thì nhiều người không hề để ý đến vấn đề khoảng cách. Chẳng hạn trong câu "Hai nhà lãnh đạo khẳng định rằng mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc - mối quan hệ đã được xây dựng và củng cố...", nếu không có phần trạng ngữ thì không mấy ai để ý rằng cần phải viết sát vào dấu gạch ngang mới khỏi gây khó hiểu ("Việt Nam-Trung Quốc").
Muốn thả dấu chấm câu cho chuẩn thì trước hết phải hiểu những dấu chấm, đường gạch, đường cong đó có tác dụng gì. Cách hiệu quả nhất là hãy quên hết những quy định từng được học từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông hay đại học mà chỉ cần nhớ rằng mục đích của dấu chấm câu là để kiểm soát nhịp đọc và chia các từ, cụm từ hoặc các ý thành các đoạn phù hợp. Nếu bắt đầu nghĩ đến nhịp và đoạn thì sẽ thả dấu chấm câu có chủ ý và tạo nên sức mạnh.
Một bài viết của Roy Peter Clark trên mạng Poynter Online có cách ví von khá thú vị: Một câu viết hay giống như một con đường thẳng mà dấu chấm hết chính là biển báo dừng lại ở cuối con đường. Vậy các dấu khác có ý nghĩa gì đối với việc giao thông trên con đường đó? Dấu phẩy giống như dấu hiệu báo hãy tiếp tục đi - nhưng nên thận trọng; dấu chấm phẩy là gờ giảm tốc; dấu hai chấm báo hiệu tới ngã tư; dấu ngoặc đơn là chướng ngại vật; dấu gạch ngang là cành cây chắn ngang đường.
Dấu phẩy có lẽ là dấu chấm câu linh hoạt nhất, đa năng nhất, gắn liền với giọng văn của người viết. Bỏ quên nó có thể gây ra "thảm họa" (như ví dụ 4) nhưng lạm dụng nó khiến câu văn bị vụn. Dấu chấm phẩy được sử dụng hữu ích nhất khi muốn chia và tổ chức khối thông tin lớn, còn dấu ngoặc đơn giống như cái chướng ngại vật giữa đường, khiến độc giả phải vòng qua để lấy lại hướng ban đầu, vì thế nên nội dung bên trong cần phải ngắn gọn. Vì là chướng ngại vật nên không nên đặt nhiều trong một câu (như ví dụ 5). Trong câu văn, chỉ nên dùng dấu hai chấm khi muốn thông báo rõ ràng một điều gì đó.
Nếu bạn chưa cảm thấy chắc chắn với cách thả dấu chấm câu, có thể áp dụng hai bài tập nhỏ sau đây:
1. Chọn một số bài viết đã đăng và thả dấu chấm câu lại. Bỏ bớt một số dấu phẩy và thay bằng một số dấu phẩy khác. Hãy thử đọc to hai bản xem có phân biệt được sự khác nhau không.
2. Đối với bài đang viết, hãy chủ động quyết định xem bản thân muốn độc giả đọc bài với tốc độ như thế nào - chẳng hạn chỉ muốn độc giả nắm bắt một cách khái quát một vấn đề hay muốn họ chậm rãi bằng những giải thích tỉ mỉ. Hãy thả dấu chấm câu theo chủ định này.
Khi bạn cảm thấy hoàn toàn tự tin thì thậm chí có thể "chơi đùa" với những dấu chấm câu để người đọc cảm nhận được đúng suy nghĩ của mình trong bài viết./.
Nguồn: vietnamjournalism.com 5/9/2005