Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 05/05/2008 16:58 (GMT+7)

Đạo đức Hồ Chí Minh đạo làm người, đạo làm gương

1-Ở Hồ Chí Minh tư tưởng đạo đức và nhân cách đạo đức thống nhất làm một, những tư tưởng đạo đức cao đẹp của Người hoá thân trong cuộc sống và sự nghiệp của Người. Đạo đức, rèn luyện đạo đức, “nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là chủ đề xuyên suốt trong các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh, đồng thời cũng thể hiện sinh động, đầy sức thuyết phục, cảm hoá trong hoạt động và quan hệ thực tiễn của Người.

Đạo đức Hồ Chí Minh, đó là trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; là ý chí nghị lực được sản sinh ra từ lý tưởng đó, để vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, thử thách, để tới đích thắng lợi; là tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, của dân tộc, kính trọng nhân dân, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân; là nhân ái, vị tha, nhân hậu và khoan dung, hết lòng vì đồng bào, đồng chí, bè bạn anh em; là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hy sinh hạnh phúc riêng vì hạnh phúc của dân tộc; và là một nếp sống giản dị và đức khiêm nhường.

Đạo đức Hồ Chí Minh, đó là sự thống nhất làm một trong một con người giữa những vĩ nhân và thường dân, giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc với tinh hoa tư tưởng văn hoá nhân loại thời hiện đại. Thế nhưng nhất quán, trước sau như một, tạo lập nên các nền tảng vững chắc trong đạo đức – nhân cách Hồ Chí Minh đó là đạo làm người - đạo làm gương. Và có thể xem đó là cách tiếp cận rất thực tế và nhiều triển vọng trong nghiên cứu – giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh.

2-Xin được nêu và để cùng nhau suy nghĩ, thấu triệt từ sự việc cụ thể trong tư tưởng nhân cách đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là việc Bác của chúng ta có Thư gửi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói, thư được đăng trên báo Cứu Quốc số ra ngày 28-9-1945; toàn văn bức thư chỉ hơn 150 chữ (1):

“Hỡi đồng bào yêu quý!

Từ tháng giêng đến tháng 7 năm nay, ở Bắc Bộ ta, đã có 2 triệu người chết đói. Kế đó lại bị nước lụt, nạn đói càng tăng thêm, nhân dân càng khốn khổ. Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn ba bữa. đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu người dân nghèp. Như vậy, thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói. Tôi chắc rằng đồng bào ta ai cũng sẵn lòng cứu khổ, cứu nạn mà hăng hái hưởng ứng lời đề nghị nới trên. Tôi xin thay mặt dân nghèo mà cảm ơn đồng bào. Năm 1945. Hồ Chí Minh”.

Về sự việc này, trong Hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã kể lại: mỗi tháng ba lần, đến bữa không ăn, Bác tới lấy phần gạo của mình, tự tay đổ vào hòm gạo chống đói. Một hôm đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để gom gạo thì Tiêu Văn (viên tướng Trung Hoa Quốc dân đảng) mời Bác đến dự chiêu đãi. Khi Bác về, anh em báo cáo là đã đem gom phần gạo của Bác rồi, Bác vẫn quyết định nhịn ăn một bữa vào ngày hôm sau”.

Trở lại bức thư của Bác, có câu Bác viết: “ Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng”. Ăn, trước hết là nhằm thoả mãn nhu cầu sinh vật của con người khi ở vào trạng thái đói. Thế nhưng với con người thì miếng ăn lại có cái vinh, cái nhục ở trong đó, tức là mang giá trị văn hoá - đạo đức, từ trong miếng ăn mà hình thành và biểu hiện các tính người, tình người, phân biệt con người với con vật và cũng qua miếng ăn mà nhận ra sự khác biệt giữa các cá thể - cá nhân – nhân cách về mặt đạo đức, văn hoá. C. Mác đã từng viết: Con vật thì chúi cãi mõm vào máng ăn còn con người thì không thể quay lưng với nỗi đau khổ của đồng loại” và trong tư duy đạo đức dân gian của người Việt thì lại đã từng có bao điều chiêm nghiệm: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ; Thấy ai đói rách thì thương, rét thì cho mặc, đói thường cho ăn; Miếng khi đói, gói khi no; Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng. Nếu như lao động của con người đã sáng tạo nên chính con người và bằng lao động con người thoát ra khỏi đời sống động vật thì đó mới là những bước đi ban đầu trên hành trình vạn dặm để con người tự nâng cao mình lên theo những giá trị người. Đó cũng là quá trình con người khắc phục sự tha hoá tình người, và hướng tới hạnh phúc, cũng là mỗi ngày một bớt đi những nối khổ, những tai hoạ. Đó trước hết là nối khổ trong vòng đời của mỗi con người.

Làm sao không “động lòng” được trước thực tại và quá khứ lịch sử của dân tộc khi mỗi con người, nhất là lớp trẻ đang mạnh bước hướng tới tương lai, với bao thời cơ thuận lợi mà lại không một phút lơi là cảnh giác trước những giọng điệu “khép lại” quá khứ mà thực ra là “quên đi”, “quay lưng” lại với lịch sử dựng nước và giữ nước anh dũng và thương đau. Và không thể xem nhẹ sức tác động của nền văn minh vật chất, chủ nghĩa tiêu dùng với bao sức dẫn dụ ma quái. Lại nữa, những tác động từ mặt trái của công nghệ thông tin, cuốn hút con người vào thế giới ảo, làm giãn cách, làm suy nhược đi các mối quan hệ người trực tiếp vốn là căn tính người, thấm đẫm tình người với những niềm vui, nỗi buồn, sự yêu thương, sự hờn giận, đau thương, sung sướng và cả sự khinh ghét. Từ đó mà cảm thông, chia sẻ, càng thêm gắn bó keo sơn, từ trong gia đình, họ mạc, đến địa bàn dân cư ngõ xóm, đường phố, rộng ra là tình dân tộc nghĩa đồng bào, tình nhân loại, tinh thần quốc tế chân chính.

“Động lòng”, “sẵn lòng cứu khổ, cứu nạn”, các căn tính người ấy cũng là truyền thống đạo đức nhân văn của dân tộc cao quý nhất, căn cốt nhất, cần phải được gìn giữ, bồi đắp và do vậy cần phải luôn được khơi dậy trong sự trải nghiệm của mỗi con người từ tuổi ấu thơ, trong suốt cả đời người, để hình thành nên tính người, tình người sâu sắc, mạnh mẽ, cùng ta chống lại nguy cơ hiểm hoạ của sự tha hoá. Đây cũng là giải pháp cơ bản để khuyến thiện, trừng ác, lấy chính khí thắng tà khí, lấy xây để chống, trước thực trạng xã hội đã có những chuyển động và biến đổi phức tạp như hiện nay.

3-Đó chính là đạo làm người trong đạo đức Hồ Chí Minh, một đạo làm người sinh động cụ thể, đầy sức thuyết phục, cảm hoá bởi trong đạo làm người của Bác có đạo làm gương. Từ việc lớn đến việc nhỏ Bác của chúng ta luôn “xin thực hành trước”. Như lời bác viết trong thư, với việc thiện, cứu đói, cứu khổ cứu nạn thì Bác “đề nghị với đồng bào” đồng thời Bác “xin thực hành trước”. Lãnh tụ và quần chúng, người cha già thân yêu và đồng bào cả nước đã hoà làm một, cùng nhau thực hành điều thiện, nêu gương, noi gương nhau để cùng nhau gìn giữ và nâng cao phẩm giá con người Việt Nam .

Làm gương vốn là đạo lý làm người truyền thống của dân tộc, cũng là một trong những luận điểm cơ bản của triết học phương Đông về nhân tính. Không trừu tượng cao xa theo tư duy logíc thuần lý, cũng không sa vào những hư ảo trong thế giới thần linh, ở Bác Hồ mọi sự là “sống ở đời và làm người”, rất thiết thực, rất cụ thể trong giao tiếp và hoạt động, trong suy tư, cảm nhận, thái độ, hành vi, trong sự lựa chọn và theo đuổi, hội tụ trong những ham muốn, ham muốn suốt đời, ham muốn tột cùng là “nước ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” - mọi sự “sống ở đời và làm người” cũng từ cái ham muốn ấy mà ra, mục đích cao cả sẽ sản sinh ra nghị lực mạnh mẽ.

“Sống theo đạo làm người để làm gương, nêu gương cho mọi người noi theo làm theo”, đó là triết lý sống, hạt nhận, sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong nhân cách Hồ Chí Minh, từ tuổi thanh niên Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước, “tìm hình của nước” đến khi trở thành lãnh tụ cách mạng, người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - nước Cộng hoà xã hội chỉu nghĩa Việt Nam, người đảng viên số một của đảng, người công dân số một của đất nước, trong suốt cuộc đời 79 mùa xuân./.

--------------

1- Hồ Chí Minh tuyển tập, tập I, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.365-366

2- Hồ Chí Minh tuyển tập, tập II, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.487

Nguồn: Tạp chí Văn hoá - Nghệ thuật số 12/2007

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.