Đặc trưng văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh
Với phong cách ứng xử vô cùng giản dị và tế nhị, Hồ Chí Minh đã làm cho tất cả mọi người, dù địa vị và thành phần xuất thân cũng như mục đích và hoàn cảnh gặp gỡ có khác nhau, sau khi được tiếp xúc với Người, đều có ấn tượng sâu sắc và tiếp nhận được những ảnh hưởng từ nơi Người với những mức độ khác nhau: hoặc đồng tình ủng hộ, hoặc chia sẻ, cảm thông... cho đến tin tưởng tuyệt đối và mãi mãi tôn vinh Người. Đó chính là sức cảm hóa Hồ Chí Minh.
Sau Cách mạng tháng Tám, trước nạn đói rất nghiêm trọng, Người vừa kêu gọi đồng bào, cán bộ tăng gia sản xuất, vừa phát động phong trào nhường cơm, sẻ áo, 10 ngày nhịn ăn một bữa để góp gạo cứu giúp những người đói và chính Người đã thực hiện trước một cách nghiêm túc. Thường thường, Người vẫn hay chia kẹo cho các cháu thiếu nhi, biếu lụa cho các cụ cao tuổi, trích tiền nhuận bút của mình để làm phần thưởng hoặc đóng góp vào quỹ chung.
Gửi cụ Đinh Công Phủ tấm áo biếu, Người viết: "Tôi gửi biếu Cụ một chiếc áo trấn thủ. Áo này là của đồng bào Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây biếu tôi. Cụ mặc ấm, cũng như tôi mặc ấm"(1).
Đóng góp vào quỹ mùa đông binh sĩ, Người đã gửi tới cụ Võ Liêm Sơn những dòng chân tình: "Thưa cụ, Ủy ban Trung ương mùa đông kháng chiến giúp binh sĩ chỉ quyên vải vóc hoặc chăn áo. Nhưng tôi không biết may, không có vải, mà áo cũng chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên một tháng lương là 1000 đồng, nhờ Cụ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc chăn, áo cho chiến sĩ, gọi tỏ chút lòng thành"(2).
"Của ít, lòng nhiều" là câu ngạn ngữ thường được nhân dân ta sử dụng để bày tỏ lòng thành. Quà của Người không bao nhiêu, nhưng là những gì của Người chứ không phải lấy từ công quỹ. Còn chút lòng thành của Người lại bao la như đại dương rộng lớn.
Năm 1948, biết Nguyễn Sơn còn suy nghĩ về việc thụ phong thiếu tướng, Hồ Chí Minh đã gửi cho ông vẻn vẹn bốn câu thơ chữ Hán, tổng cộng 12 chữ:
Đảm dụng đại ( Gan phải lớn)
Tâm dục tế ( Tâm phải tế nhị, ít ham muốn, dục vọng trong loàng)
Trí dục viên ( Hiểu biết phải đầy đủ, thẳng thắn)
Hạnh dục phương ( Đức hạnh phải vuông vắn, nghiêm chỉnh)
Bốn câu ngắn gọn, vừa là lời chúc, vừa là lời khuyên, không khác châm ngôn, hướng tới một nhân cách lớn, không phải riêng với tướng Nguyễn Sơn, mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với mọi người ở mọi nơi, mọi lúc.
Sự cảm hóa Hồ Chí Minh có nguồn cội sâu xa mang yếu tố khách quan, nhưng bên cạnh đó là yếu tố chủ quan được toát lên ngay trong văn hóa ứng xử của chính Người. Trong cách ứng xử, Người đã khỏa lấp các khoảng cách, đã đạt tới đỉnh điểm của mối tương đồng, đã đẩy ra xa những gì mang tính khác biệt. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã quy tụ được các bậc yêu nước lão thành, những trí thức lớn... Với cương vị Chủ tịch Chính phủ, Hồ Chí Minh đã mời được cụ Huỳnh Thúc Kháng ra đảm đương việc nước chỉ sau một buổi gặp mặt, tuy lúc đầu cụ Huỳnh Thúc Kháng không muốn, không tin. Người đã thuyết phục để cụ Bùi Bằng Đoàn, nguyên Thượng thư Bộ Hình, làm Trưởng ban thường vụ Quốc hội, cụ Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai Bắc Kỳ, làm Phó Thủ tướng, Linh mục Phạm Bá Trực đã cùng Người đi kháng chiến và ra sức vận động đồng bào công giáo kính Chúa, yêu nước, phấn đấu đẹp đạo, tốt đời. Năm 1968, Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã vượt cả ngàn cây số bom đạn ác liệt từ Huế ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi được tiếp xúc làm việc với Người, Hòa thượng đã viết những dòng cảm động: "Tất cả những người đã đến với Hồ Chủ tịch thì không bao giờ từ giã Người cả. Tôi đã hiểu vì sao là một lãnh tụ sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người vẫn thu hút được tất cả các thành phần khác trong xã hội đứng chung quanh mình làm việc lớn cho dân, cho nước"(3). Cũng với trực giác được đón nhận từ Người, đồng chí Việt Phương, người đã nhiều lần có cơ hội được tiếp xúc và ở gần Bác, đã nói lên cảm xúc của chính mình: Đến gần Người, con thở dễ dàng hơn.
Sức cảm hóa lòng người trong văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở tình thương yêu và sự quan tâm Người dành cho các đối tượng trong giao tiếp, mà nó có sức hút mạnh mẽ thu phục nhân tâm của các đối tượng bằng sự thể hiện thông qua hành động "lời nói đi đôi với việc làm" của Người.
Khoan dung nguyên là một khái niệm đạo đức. Xuất phát từ lòng nhân ái, nó đòi hỏi sự đối xử nhân từ, độ lượng với người khác, sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm mà vẫn tôn trọng nhân cách của họ. Khoan dung, độ lượng là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta, được Hồ Chí Minh tiếp nhận và nâng lên ở tầm cao mới, là nét đẹp trong văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh. Giáo sư Trần Văn Giàu dẫn lời của một học giả nước ngoài về lòng khoan dung Hồ Chí Minh: "Cụ Hồ là một người xây dựng lương tri, xây dựng nó khi nó thiếu, tái tạo khi nó mất, Cụ thức tỉnh kẻ mê, ân cần nâng đỡ người trượt ngã, biến vạn ức người dân bình thường thành anh hùng vô danh và hữu danh trong lao động, chiến trường, trong ngục tối, trước máy chém"(4).
Từ lòng khoan dung nhân ái bao la, Hồ Chí Minh có cách nhìn con người trong nhiều mối quan hệ, đa dạng, nhiều chiều. Theo Người, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đều có mặt tốt, mặt xấu, mặt được, mặt chưa được... hết sức phong phú như năm ngón tay dài, ngắn khác nhau, như mấy mươi triệu con người Việt Nam có thể thế này, thế khác... Nhưng tấm lòng nhân ái của Người bao dung tất cả. Vì vậy, Người chủ trương: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, để tập hợp toàn dân trong một mặt trận chung chống chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh. Người trân trọng phần tốt, phần thiện nhỏ nhất ở mỗi con người quy tụ lại thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc. Nếu không có lòng nhân từ, đại lượng thì không thể có lòng bao dung. Lòng nhân từ, độ lượng xa lạ với thói tự kiêu, tự mãn, tầm nhìn thiển cận, bụng dạ hẹp hòi. Người nói: "Sông to, biển rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu. Cái chén nhỏ, cái đĩa cạn, thì một chút nước cũng tràn đầy, vì độ lượng của nó hẹp và nhỏ. Người mà tự kiêu, tự mãn cũng như cái chén, cái đĩa cạn"(5). Với độ lượng sâu, rộng như biển cả ấy, xuất phát từ lợi ích tối cao của dân tộc, Hồ Chí Minh đã tập hợp lực lượng yêu nước rộng rãi vì sự nghiệp giải phóng và vì tiến bộ xã hội, trong tình thương yêu giúp đỡ của con người với con người. Bản chất nhân từ ấy không chỉ thể hiện trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đường lối, chính sách của Đảng mà nó đã thấm sâu vào trong văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh.
Trong giao tiếp ứng xử với nhân dân, Hồ Chí Minh nhắc nhở: "Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo, khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trân trọng nhân cách của người ta"(6). Riêng với những người lầm đường, lạc lối hay đã từng cộng tác với đối phương, Người khuyên "Không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm, thì nên dùng chính sách cảm hóa khoan dung"(7).
Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, thương dân, thương người và đức khoan dung, cách ứng xử của Hồ Chí Minh nhẹ nhàng và tình cảm, kết hợp được cả lý và cả tình...
Sự khoan dung, độ lượng của Hồ Chí Minh bắt nguồn từ đại nghĩa của dân tộc nên đã có sức mạnh cảm hóa to lớn đối với cả khối óc và trái tim những người đứng bên kia trận tuyến. Hồ Chí Minh lãnh đạo dân tộc đánh bại các đế quốc cùng với mọi thế lực phản động trong nước, để dân tộc được độc lập, đất nước được thống nhất, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được rộng mở. Người không có kẻ thù riêng nào. Tất cả đối thủ của Người đều phải kính nể, cảm phục một con người mà họ không thể khuất phục, không thể đánh bại và cuối cùng họ đành phải chấp nhận là người thua cuộc và bị cảm hóa lại bởi sự nhân ái, khoan dung, độ lượng Hồ Chí Minh. Giăng Xanhtơny, đại diện cho Chính phủ Pháp đảm nhiệm việc đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh trong thời gian 1945-1946, đã tìm mọi cách để đè bẹp lực lượng cách mạng Việt Nam, nhằm tái lập ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp trên nước này. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông cũng là người thay mặt Chính phủ Pháp sang viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Con người ấy đã viết về Hồ Chí Minh bằng những lời rất trân trọng trong tập hồi ký Một nền hòa bình bị bỏ lỡ: "Hồ Chí Minh - đó là một nhân vật đang phải đối đầu và tôi là người đối thoại trong suốt 16 tháng. Do hiểu biết rộng, thông minh, hoạt động rất tích cực, tuyệt đối không nghĩ tới chuyện riêng tư, ông đã được nhân dân kính yêu, tin tưởng không ai sánh kịp. Rất tiếc là hồi đó Chính phủ Pháp đã đánh giá thấp nhân vật này và đã không hiểu được giá trị cũng như uy lực của ông"(8). Đến cuối đời, Giăng Xanhtơny đã phải thú nhận Hồ Chí Minh là người đã đánh đắm cả chế độ thực dân Pháp, nhưng vẫn là bạn của nước Pháp...
Tướng P.Valuy với vai trò chính khách Pháp đã nhiều lần tiếp xúc với Hồ Chí Minh trong năm 1946, thấy rõ thái độ "hết sức nhã nhặn, hết sức lịch sự và sự quyến rũ" của Người. Được thuyết phục bởi phong cách văn hóa ứng xử của Người, ông đã trở thành người đối thoại rất tâm đắc với Hồ Chí Minh và giữa hai người đã có một "tình hữu nghị keo sơn"(9).
Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với rất nhiều người và mỗi một lần đối thoại trực tiếp dù có khác nhau hoặc hoàn toàn đối lập nhau về quan điểm hay đường lối chính trị, hay là bạn hoặc là người ở bên kia trận tuyến, nhưng văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh đã có sức thuyết phục cảm hóa to lớn để giành được sự đồng tình hoặc chí ít cũng là sự nhân nhượng cần thiết. Thủ tướng Ấn Độ P.J.Nêru nhận xét bằng những tình cảm hết sức chân thành và sâu sắc: "...Chúng ta được tiếp xúc với một người, người ấy là một phần lịch sử của châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta không chỉ được tăng thêm về sự hiểu biết, mà chúng ta còn lớn lên về tầm vóc. Được gặp người ấy, một con người từng trải khiến chúng ta trở nên tốt hơn... Thật là một điều hân hạnh được gặp con người vĩ đại và có sức hút mãnh liệt đối với chúng ta. Mặc dầu trong thế giới ngày nay còn có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Bác Hồ, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người... Tình bạn, lòng nhân ái sẽ vượt qua tất cả"(10).
___________
1, 2. Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993. tr.154, 129.
3. Viện Hồ Chí Minh, Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh,tập 3, Viện Hồ Chí Minh xb, Hà Nội, 1993, tr.162.
4. Nhiều tác giả, Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn,Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990, tr.239-240.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.664.
6, 7. Hồ Chí Minh, Toàn tập,tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.48, 20.
8. Lê Kim, Bác Hồ tiếp xúc với tình báo đối phương,Nxb Đà Nẵng, 1990, tr.81.
9. Song Thành, Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.63.
10. Báo Nhân dân,số ra ngày 8, 9-2-1958.
Nguồn: T/c Văn hóa Nghệ thuật, số 11/2007, tr 9