“Cổng làng Hà Nội xưa và nay”
Là dân Việt, khi nghĩ về quê hương, nói đến quê hương, người ta thường liên tưởng ngay tới “cây đa - bến nước - mái đình”; và cũng không bao giờ lại không nhớ đến cái cổng làng đầy ấn tượng, nhất là mỗi khi rảo bước về thôn. Cổng làng là điểm nhấn, là dấu tích, là ranh giới khởi đầu của một cộng đồng cư trú, mà trong xã hội cổ truyền thường quần tụ theo quan hệ thân - thích. Vì thế, cổng làng là cái ngưỡng cửa để mỗi người trở về tổ ấm gia đình.
Là dân Việt xưa, ai cũng có một thời để yêu, thương và nhớ tới cổng làng. Đó là nơi hóng mát vào những ngày hè oi ả, khuất sau cổng làng là không gian ấm áp, tránh gió mùa đông. Đó cũng là nơi chơi chò trốn tìm của bầy trẻ nhỏ. Và hơn thế, ở mỗi miền quê, cổng làng luôn là Bến đợi đến nao lòng: đợi mẹ, đợi bà đi chợ; đợi cha đi xa lâu mới về nhà; đợi anh, đợi chị đi học trường huyện về; đợi khách quý từ xa tới; trai làng kia đợi gái làng này ê ấp ngóng trông, thấp thoáng sau trụ cổng làng. Là Bến đợinên cổng làng cũng là nơi hằng xao xuyến dừng chân để diễn ra những cuộc chia tay nhiều khi phải rướm lệ! Ai mà chẳng biết cái cổng làng thân thiết đến thế!
“ … Ngày nay dù ở nơi xa
Mỗi khi nhớ đến cây đa đầu làng
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện lên khi thoáng cổng làng trong tre”
(Bàng Bá Lân)
Trên đây là một khổ thơ nói về tình cảm của những kẻ xa quê; còn đối với người Hà Nội - dân của 36 phố phường xưa thì chắc hẳn là: “Ở giữa quê nhà, nhớ cố hương”, vì trong quá trình cận kề nghìn năm tuổi đô thị hoá, mở rộng Hà Thành, đa số các cổng làng ấm tình quê ấy, đã lần lượt đi vào dĩ vãng, đi cả vào quên lãng! Một số cổng làng còn nhưng cũng tiềm ẩn không ít răn đe sẽ bị xoá sổ vào một tương lai gần!
Di tích cổng làng Đồng Trì, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì. |
Thực ra, hiểu cho đúng, cổng làng là một công trình kiến trúc phòng vệ, nó là hiện thân của những làng xã khép kín theo kiểu “Đất lề - quê thói”, “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, “Ta về ta tắm ao tao - Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!”… Do vậy cổng xóm không phải là cổng làng, nó không bao chứa nội dung của cổng làng. Là công trình kiến trúc phòng vệ thì phải có vọng gác, lầu quan sát như cửa Ô Quan Chưởng (phố Hàng Chiếu, Q. Hoàn Kiếm - tr 21); cổng làng Vĩnh Trung (xã Đại Áng, H. Thanh Trì - tr 236)… số cổng làng còn lưu lại yếu tố “lầu quan sát” chỉ chiếm khoảng 1/10 trong số 109 bức ảnh trong sách. Thế mới biết “Vật đổi sao dời”. Rất tiếc, có vài ba bức ảnh tác giả không chú ý để lấy hết chiều cao của cổng làng, vô hình trung đã cắt mất “lầu quan sát” - vị trí cảnh giới từ xa của công trình phòng ngự (tr 47, 50).
Mặt khác, cổng hay cửa là chỗ ra - vào, ắt có đóng, có mở thì phải có cánh cổng. Ở đầu thế kỷ XX, có không ít nơi, cổng làng vẫn còn cánh cổng và đóng, chốt về đêm, do lực lượng quần phòng canh giữ. Trải qua biến đổi của lịch sử, sự khép kín trong các làng xã được tháo cởi dần, an ninh làng xã cũng ngày càng được bảo đảm, nên 109 cổng làng ở đây đều không có cánh cửa. Tính chất “phòng vệ” của cổng làng đã hoàn toàn biến mất. Ngày nay, nó chỉ tồn tại với tư cách là vết tích của một cổng làng xưa. Cái còn “lầu quan sát” thì cũng chỉ là lầu hoang.
Cuốn sách giới thiệu về một loại hình kiến trúc công cộng trong xã hội cổ truyền, song tác giả lại ít quan tâm đến mặt kiến trúc với mối quan hệ hữu cơ vốn có của công trình. Điều này dẫn đến hệ quả đáng tiếc là anh đã đưa vào cuốn sách hàng chục cái “cổng chào” (các trang 75, 76, 79, 80, 83, 86, 89, 92, 93, 269…). Cổng chào chỉ là cái giá đỡ của biểu ngữ: lời chúc tụng hay biển báo, chỉ dẫn. Nó khác với cổng làng cả về hình thức và nội dung văn hoá lẫn giá trị sử dụng.
Bên cạnh hình ảnh về mỗi cổng làng, Vũ Kiêm Ninh đã thuyết phục độc giả bằng những ghi chép, mô tả một ít nét khái quát về lai lịch công trình. Anh chú ý nhiều hơn đến lịch sử, xã hội và văn hoá tâm linh của cộng đồng là chủ nhân của mỗi cổng làng. Vì thế, cuốn sách “Cổng làng Hà Nội xưa và nay” lại hé mở ra nhiều cách tiếp cận khác cho đồng nghiệp khi “trò chuyện” với cổng làng.
Trong cuộc săn tìm những cổng làng ở Hà Nội theo bán kính mới, tác giả đã chớp được và đưa vào cuốn sách hàng trăm dáng vẻ của một loại hình kiến trúc có cùng chức năng (đã biến đổi) như nhau, không ít những cổng làng bắt mắt hoặc được xây dựng ở cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX (tr 69, 100, 101, 128, 129…); hoặc mới mọc lên ngay ở đầu thế kỷ XXI trong trào lưu phục cổ còn đang tiếp diễn (tr 115, 120, 126, 151, 154, 173, 174…).
Vũ Kiêm Ninh đã thực hiện khá thành công một sưu tập ảnh công phu được bổ sung bằng những tư liệu điền dã phong phú cả về chiều sâu và bề rộng để nhận biết về một số làng Việt trên đất Hà Thành xưa và nay qua kiến trúc cổng làng.