Chủ tịch Hồ Chí Minh trọng dụng nhân tài
Thế hệ người Việt Nam thời Cách mạng Tháng Tám không ai có thể quên bức thư Người gửi cho học sinh cả nước sau ngày độc lập 2-9-1945: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”1. Lớp thanh niên học sinh thời Cách mạng Tháng Tám ấy đã tuân theo lời dạy bảo của Bác, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học tài năng, những kỹ sư vững vàng, những công nhân kỹ thuật lành nghề, có những đóng góp xứng đáng cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cho công cuộc xây dựng đất nước, cho nền khoa học và công nghệ nước nhà. Chúng ta cũng không thể quên câu chuyện vào cuối năm 1946, khi hội nghị Fontainebleau thất bại, Hồ Chí Minh đã tập hợp được một số trí thức khoa học Việt Nam ở Pháp theo Người về nước để chuẩn bị hạt giống phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật trong nước phục vụ cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và công cuộc kiến thiết đất nước sau này. Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, một trong số trí thức cùng về nước với Người ngày đó, kể lại: “... Trên đường từ Pháp về nước, Bác nói với chúng tôi: ở nhà không có gì đâu, nước ta thiếu máy móc, nguyên liệu, thiếu cả thợ lành nghề, tiền của ta lại ít... các chú phải chịu thương, chịu khó làm ăn, đem những cái đã học được ở nước ngoài về áp dụng trong nước cùng làm”2. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Người nói với đồng chí Trần Đại Nghĩa, lúc đó là người phụ trách quân giới: “Đây là một nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Chú cố gắng cộng tác với anh em, ra sức xây dựng ngành quân giới phục vụ cho bộ đội. Đó là một việc có ý nghĩa rất lớn đối với dân, với nước”3. Lời dặn dò của Bác thật giản dị nhưng cảm động biết bao. Chúng ta như nghe thấy ở đó nỗi lo toan của lãnh tụ về một đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật đủ sức đáp ứng những yêu cầu cấp bách của tiền tuyến và niềm tin của Người gửi gắm vào lớp trí thức khoa học tuy còn ít ỏi nhưng đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến tất cả sức lực và tài năng của mình cho đất nước.
Lực lượng khoa học và kỹ thuật bé nhỏ của chúng ta trong hai cuộc kháng chiến đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc: chế tạo được những vũ khí độc đáo trên cơ sở những nguyên lý khoa học tiên tiến nhưng cấu trúc đơn giản, có thể tự sản xuất trong những điều kiện còn rất hạn chế của nền kinh tế trong nước; sử dụng có hiệu quả các vũ khí và trang thiết bị hiện đại do các nước bạn giúp, làm cho chính những người thiết kế, sản xuất và hướng dẫn chúng ta cũng phải ngạc nhiên; phân tích được chỗ mạnh, chỗ yếu của các kỹ thuật hiện đại của địch và có biện pháp đối phó hiệu quả.
Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh của một dân tộc là sự hiểu biết, là tri thức và trí tuệ. Phải có hiểu biết để tự biết mình và biết người. Phải có trí tuệ mới có thể tự lực, tự cường kiến quốc. Người thường nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người rất chăm lo đến việc tìm kiếm, phát hiện, sử dụng các bậc hiền tài và phát triển nhân tài. Người viết: “Kiến thiết phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào, chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc hiền tài không thể xuất hiện. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”4. Người chỉ thị cho các địa phương trong cả nước “phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước, lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”5. Người còn kêu gọi các nhân tài trong nhân dân hãy “hăng hái giúp ích nước nhà”6. Người căn dặn các cấp chính quyền: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo léo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”7.
Để thực hiện được lời căn dặn trên đây của Người, điều quan trọng và cơ bản hơn hết là phải có tấm lòng thực sự yêu thương và tôn trọng con người. Con người mà Hồ Chí Minh quan niệm ở đây, trước hết là từng cá nhân, sau đó là từng tầng lớp người, từng cộng đồng, tựu trung lại là đồng bào, là nhân dân.
Đối với Hồ Chí Minh, con người không phải là những thực thể trừu tượng, không bản sắc mà là những cá nhân cụ thể với những lợi ích và nhu cầu đa dạng của họ. Người nói: “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng. Nếu những tính cách, sở trường, lối sống đó không đi ngược lại xu hướng phát triển của xã hội thì cần được tôn trọng”8. Như vậy, trong tư tưởng của Người, con người cần được quan tâm không chỉ từ phương diện cái chung liên quan tới tất cả mọi người mà còn cần được chăm lo chu đáo trên từng phương diện của từng cá nhân thông qua chủ trương, chính sách, việc làm thích hợp với từng con người, từng tầng lớp, từng cộng đồng khác nhau.
Hồ Chí Minh đã nêu lên một tấm gương sáng về sự nâng niu các giá trị làm người, tôn trọng và tin cậy con người, nâng con người lên cao hơn, gợi mở và thúc đẩy con người hướng tới cái thiện và trở nên hoàn thiện. Tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh đã cổ vũ những thế hệ trí thức Việt Nam trong suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến bảo vệ đất nước, trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội Việt Nam cho đến ngày nay và chắc chắn sẽ đến mãi mai sau.
Có thể nói, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển triết lý sâu sắc của cha ông ta từ xưa: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”9, “Phi trí bất hưng”10, “Tìm lẽ trị bình, lấy tuyển nhân tài làm gốc”11.
Đánh giá cao vai trò của trí thức trong xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội, Hồ Chí Minh không quên căn dặn, nhắc nhở nghĩa vụ của trí thức đối với dân tộc. Người tóm tắt yêu cầu tu dưỡng của trí thức trong bốn chữ “chính tâm”và “thân dân”12. “Chính tâm”là lòng chính trực, là giữ cho lòng dạ trong sáng, kiên trung. “Thân dân”tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Người yêu cầu trí thức phải “gần gũi công nông”và: “công, nông, trí phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”. Người phê phán quan điểm “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”13mà chế độ thực dân và phong kiến đã đầu độc trí thức, “tách trí thức ra ngoài khối công nông”, “chia rẽ lao động trí óc và lao động chân tay”. Thực hiện lời giáo huấn của Người, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã khẳng định mạnh mẽ quan điểm: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Trong suốt cuộc đời chiến đấu của mình, từ khi còn là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở thanh niên, sinh viên, trí thức phải vươn lên tiếp thu những thành tựu khoa học - kỹ thuật thế giới, vì Người hiểu rằng khoa học - kỹ thuật thế giới ngày càng phát triển, “muốn tiến bộ kịp với sự biến đổi vô cùng tận”ấy và để có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”thì phải học tập, học tập không ngừng, phải phát huy cao hơn nữa truyền thống hiếu học có gốc rễ lâu đời trong xã hội ta. Trong bài nói chuyện với sinh viên năm 1958, Người nhấn mạnh: “Thời đại chúng ta là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa, thời đại anh hùng... Vậy mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng”14.
Để có thể thực hiện những lời Người căn dặn đó, trí thức Việt Nam phải có trách nhiệm chính trị rất cao trước thời cuộc (quốc gia hưng vong thất phu hữu trách), phải có một động lực tinh thần mạnh mẽ, phải có đủ nghị lực và bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn thách thức, dành toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp sáng tạo khoa học vì sự hưng thịnh của quốc gia và vinh quang của dân tộc.
Chú thích:
1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 32 – 33; 2) Chúng ta có Bác Hồ(Hồi ký), Nxb. Lao động, Hà Nội, 1970, t. 2, tr. 21; 3) Chúng ta có Bác Hồ(Hồi ký), Sđd, tr. 25; 4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 451; 5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 451; 6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 99; 7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 99; 8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 35; 9) Văn bia Quốc Tử Giám; 10) Lê Quý Đôn; 11) Quang Trung; 12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 214 – 215; 13) Mọi nghề đều thấp kém, chỉ có đọc sách là thanh cao; 14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 35.