Chủ nghĩa tư bản ra đời từ đâu?
Ngược lại, chủ nghĩa tư bản, theo Weber, “chính là sự chế ngự, hay ít nhất cũng là sự điều tiết bằng lý tính, cái bản năng phi lý tính ấy”. Sự chế ngự và điều tiết ấy lại phù hợp với một số yếu tố của đạo Tin Lành, tạo ra được động cơ thuận lợi cho sự hình thành của chế độ tư bản chủ nghĩa trong xã hội phương Tây thời cận đại, chứ không ở bất cứ nơi nào khác.
Nền đạo đức Tin Lành mà Weber phân tích trong quyển sách nói trên chủ yếu là quan niệm giáo thuyết của phái Calvin. Theo đó, tín đồ không thể biết được là mình sẽ được cứu độ hay sẽ bị kết án, và đây là điều làm cho họ cảm thấy lo âu, khắc khoải. Để thoát ra khỏi nỗi lo âu này, do xu hướng tâm lý tự nhiên, họ sẽ đi tìm trong thế giới này những dấu hiệu chứng tỏ mình được chọn. Weber cho rằng chính vì thế mà một số tông chứng tỏ mình được Thiên Chúa chọn thông qua thành quả và sự nghiệp của mình trong thế gian, trong đó có sự thành công về mặt kinh tế. Do vậy cá nhân bị thúc đẩy đến chỗ phải cần cù làm việc để vượt qua nỗi khắc khoải là không biết mình có được cứu rỗi hay không. Weber viết: “(…) Để đạt tới sự tự tin này, cách thức thích hợp nhất được khuyến khích là “hãy làm việc không ngơi nghỉ trong một nghề” [rastlose Berufsarbeit].
Từ khái niệm Beruf mang ý nghĩa thiên chức của con người, Weber viết như sau: “Một trong các bộ phận cấu thành của tinh thần tư bản chủ nghĩa hiện đại, tức là lối sống thuần lý dựa trên ý tưởng Beruf, đã được phát sinh từ tinh thần của nền khổ hạnh Kitô giáo – đó chính là điều mà các trình bày của chúng tôi muốn chứng minh”.
Trong một công trình khác, Weber đã từng so sánh giáo thuyết Thanh giáo ở châu Âu với tư tưởng Nho giáo ở Trung Hoa: nhà Nho điển hình chi tiêu những khoản tiết kiệm của mình và của gia đình để đỗ đạt cao, ra làm quan, bảo đảm cho mình cơ sở xã hội của một cuộc sống giàu sang. Tín đồ Thanh giáo điển hình kiếm được nhiều tiền, tiêu xài ít, và do bị thúc bách phải tiết kiệm bởi tư tưởng khổ hạnh, nên tái đầu tư các khoản lợi nhuận của mình dưới hình thức tư bản vào các doanh nghiệp tư bản chủ nghĩa thuần lý. “Tư duy duy lý” Nho giáo hàm nghĩa là một sự thích nghi duy lý với thế gian; còn tư dư duy lý Thanh giáo là một sự làm chủ duy lý đối với thế gian.
Theo Weber, cả hai đều không thể làm nảy sinh được “tinh thần tư bản chủ nghĩa”.
Max Weber là một trong những ông tổ của ngành xã hội học. Cuốn sách trên viết vào những năm 1904 - 1905, đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng và cho đến nay có lẽ là cuốn được đọc và thảo luận nhiều nhất trong ngành xã hội học.
Qua cuốn sách, người đọc sẽ thấy một cách kiến giải về nguồn gốc của chủ nghĩa tư bản cận đại ở châu Âu, thế nào là tinh thần của chủ nghĩa tư bản, mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá, v.v.
-----
(1) Bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang, NXB Tri Thức, quý 1/2008.